Góp ý dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (sửa đổi)

Ngày 3/4, tại TP. Cần thơ, Ủy ban Công tác đại biểu tổ chức Hội thảo lấy ý kiến vào dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng Nhân dân (sửa đổi). Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội thảo. Cùng tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu và lãnh đạo Đoàn ĐBQH và HĐND của 50 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bảo đảm công bằng, minh bạch trong bầu cử

Phát biểu mở đầu hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND là sự kiện chính trị quan trọng, thể hiện quyền làm chủ của Nhân dân, là cơ chế để Nhân dân trực tiếp lựa chọn những người đại diện xứng đáng tham gia vào cơ quan quyền lực nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải chủ trì hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Việc sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện Luật bầu cử ĐBQH và HĐND nhằm bảo đảm sự công bằng, minh bạch trong quá trình bầu cử, nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu dân cử, đồng thời phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu lưu ý, việc sửa đổi Luật Bầu cử lần này được đặt trong tổng thể việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước theo Kết luận số 127-KL/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Trung ương, đồng thời với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp với chủ trương thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp. Đây là vấn đề quan trọng, có tác động lớn đến tổ chức bộ máy chính quyền địa phương và công tác bầu cử trong thời gian sắp tới.

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Do đó, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về: các nội dung điều chỉnh, sửa đổi cần thiết để phù hợp với mô hình chính quyền 2 cấp, đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với các quy định của Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan; công tác tổ chức bầu cử, thành lập các tổ chức phụ trách bầu cử, phân chia đơn vị bầu cử trong bối cảnh tinh gọn bộ máy, nhằm bảo đảm hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền địa phương; cơ chế để nâng cao hơn nữa chất lượng đại biểu dân cử, trong điều kiện không tổ chức cấp huyện và rút ngắn thời gian thực hiện quy trình, thủ tục trong công tác bầu cử.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong công tác bầu cử

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Tạ Thị Yên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Các đại biểu nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND; một số ý kiến đề nghị nên giữ phương án của Luật hiện hành là cả 3 hội nghị hiệp thương ở Trung ương đều do Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức và các hội nghị hiệp thương ở các, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức.

Về quy định khu vực bỏ phiếu, các đại biểu cho rằng, UBND cấp xã quyết định khu vực bỏ phiếu, đảm bảo linh hoạt và phù hợp với thực tế địa phương, UBND cấp tỉnh không cần phê duyệt nhưng có thể ban hành hướng dẫn chung, kiểm tra, giám sát để đảm bảo tính thống nhất trong toàn tỉnh. Cần ứng dụng khoa học công nghệ, áp dụng chuyển đổi số trong việc lập và niêm yết danh sách ứng viên.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Về vận động bầu cử, hình thức tiếp xúc cử tri là trực tiếp, trực tuyến và hình thức khác thì cần làm rõ hình thức khác là gì để tránh việc lạm dụng, thiếu minh bạch trong vận động bầu cử.

Với quy định về thời gian bỏ phiếu quy định là 17 giờ kết thúc, đại biểu đề nghị kéo dài đến 19 giờ, trường hợp đặc biệt đến 21 giờ để tạo điều kiện cho những người phải đi làm xa, tăng ca…

Các đại biểu cũng bày tỏ sự băn khoăn về thời gian, số lượng ĐBQH Khóa XVI, dự thảo Luật quy định không quá 500 người; đề nghị giảm số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động kiêm nhiệm để tăng số lượng đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên 40% - 50%.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định HĐND cấp tỉnh, huyện có đại biểu chuyên trách, số lượng do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Tuy nhiên, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND chưa có quy định cụ thể về tiêu chí, cơ chế lựa chọn và tỷ lệ đại biểu chuyên trách ngay từ khâu bầu cử. Do đó, đại biểu đề nghị nên bổ sung quy định về đại biểu HĐND chuyên trách vào Luật.

Đại biểu cũng đề nghị cần có đủ thời gian để cơ quan thẩm quyền xác minh, giải quyết tố cáo, khiếu nại với ứng cử viên.

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Các đại biểu phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Nguyễn Hành

Phát biểu kết thúc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các đại biểu. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu, nghiên cứu để hoàn thiện dự thảo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (sửa đổi).

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=93332