Góp ý Dự thảo Luật Cấp, thoát nước: Nhiều ý kiến thiết thực
Tính đến tháng 8/2024, Bộ Xây dựng đã hoàn thành Dự thảo Luật Cấp, thoát nước với tổng cộng 8 Chương và 68 Điều. Dự thảo đang lấy ý kiến, bổ sung để hoàn thiện trước khi trình Chính phủ vào tháng 01/2025 và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2025.
Đến nay, Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) đã tổ chức 7 buổi họp, tọa đàm, hội thảo lấy ý kiến với đại diện các Bộ ngành, địa phương, đơn vị cấp thoát nước, các hiệp hội, chuyên gia và tổ chức quốc tế. Gần đây nhất, trong hội thảo lần thứ 2 lấy ý kiến về Dự thảo Luật Cấp, thoát nước được tổ chức tại Đà Nẵng, một số vấn đề trọng tâm được bàn luận như: Thúc đẩy đầu tư công trình cấp nước bền vững, không phân biệt đô thị nông thôn hay vùng sâu, vùng xa; bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động cấp nước; kiểm soát nước mưa, phòng chống ngập; thúc đẩy đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải.
Nhiều ý kiến được bàn luận sôi nổi, đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện Dự thảo về Luật Cấp, thoát nước. Đánh giá về các điều khoản của Dự thảo Luật, ông Võ Tấn Hà - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng cho rằng, cần quy định rõ hơn trong mục giải thích từ ngữ ở khoản 6 Điều 2 và khoản 18 Điều 2 để khi Luật được áp dụng vào thực tiễn sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Đồng thời, ông Hà đề xuất cần cân nhắc lại quy định về cấp nước phòng cháy chữa cháy, cụ thể là trách nhiệm của bên quản lý trụ nước chữa cháy và trách nhiệm của bên đầu tư, duy tu, bảo dưỡng các điểm lấy nước phục vụ chữa cháy. Ngoài ra, quy định bắt buộc đầu tư tách riêng mạng lưới thoát nước mưa và thoát nước thải đối với các khu đô thị mới đang có sự mâu thuẫn với Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, cụ thể tại Điều 86 đã quy định “Đô thị, khu dân cư tập trung mới… phải có hệ thống thoát nước riêng”.
Các DN hoạt động trong lĩnh vực cấp, thoát nước cũng góp ý bổ sung. Cụ thể, theo bộ khung của Luật Cấp, thoát nước, tại 4 chương, 3, 4, 5, 6 cần gộp chung thành 2 chương trong đó 1 chương nói riêng về cấp nước và 1 chương nói riêng về thoát nước để có sự rõ ràng. Đồng thời, phần cấp nước đề nghị bổ sung quy định tạm ngừng, chấm dứt hợp đồng. Đề nghị bổ sung thêm về điều khoản quyền, chuyển nhượng quyền về kinh doanh cấp thoát nước; thêm điều khoản liên quan đến công trình cấp nước đặt biệt.
Trong lĩnh vực thoát nước, ông Hà Văn Thành - Giám đốc Công ty Thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng đề xuất: Cần quy định cụ thể về quản lý và sử dụng tài nguyên nước một cách bền vững, đảm bảo cung cấp nước sạch và an toàn cho cộng đồng, nông nghiệp và công nghiệp. Đề ra các quy định về quản lý và giám sát hệ thống cấp thoát nước. Xác định trách nhiệm và quyền hạn của các cơ quan chức năng, cơ chế giám sát và kiểm tra, thiết lập hệ thống thông tin liên quan để quản lý và giám sát hiệu quả.
Một số vấn đề nổi bật được đề xuất đưa vào Luật Cấp, thoát nước như: Vấn đề bảo vệ, quản lý và xử lý khi hạ tầng các công trình cấp thoát nước bị xâm lấn; vấn đề chia sẻ hạ tầng trong quy hoạch và phát triển đô thị; quy hoạch vùng tránh lũ và ngập; ban hành quy định về hệ thống quan trắc sự sụt lún của nền đô thị và quan trắc mực nước biển do biến đổi khí hậu. Đồng thời, Luật cần quy định cơ chế xây dựng lộ trình giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải nhằm đáp ứng tốc độ phát triển của đô thị, đảm bảo huy động các nguồn lực xã hội. Bởi lẽ, hiện nay giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải chưa đáp ứng chi phí quản lý, vận hành và thu hồi vốn đầu tư.
Bên cạnh đóng góp của những nhà quản lý, DN trong nước, Dự thảo Luật còn có sự bổ sung ý kiến của các chuyên gia nước ngoài. Ông Shinoda Takanobu - Phó Trưởng đại diện Văn phòng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam nhấn mạnh: JICA đã và đang triển khai nhiều dự án vốn vay, hợp tác kỹ thuật tại một số tỉnh, thành phố nhằm xây dựng các nhà máy xử lý nước thải và mạng lưới đường ống thoát nước, giúp cải thiện môi trường nước, hoạt động thoát nước, xử lý nước thải tại Việt Nam. JICA đang phối hợp với Cục Hạ tầng kỹ thuật triển khai dự án Hợp tác kỹ thuật nâng cao năng lực hoàn thiện khung pháp lý quản lý thoát nước và xử lý nước thải đô thị trong hơn 1 năm qua với lĩnh vực trọng tâm là thoát nước.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng Luật Cấp, thoát nước ở Nhật Bản ông Aoyama Yoshihiko - Tư vấn trưởng, chuyên gia JICA cho biết: Quy hoạch thoát nước được đưa vào Chiến lược quốc gia, Quy hoạch cơ bản, Quy hoạch vùng, Quy hoạch tỉnh. Ở Nhật Bản, Chính phủ hỗ trợ tài chính cho địa phương, do đó có Kế hoạch ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng xã hội thuộc Quy hoạch theo luật định cấp Nhà nước.
Cần thúc đẩy chính sách tích hợp biện pháp cứng và biện pháp mềm song song tận dụng tối đa cơ sở hạ tầng sẵn có, xây dựng Luật mới đẩy mạnh sự phối hợp giữa các Ban, Bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương. Đơn vị vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình thoát nước cần có tiêu chuẩn kỹ thuật về vận hành, duy tu bảo dưỡng được quy định trong nghị định thông tư, quy định kỳ hạn trách nhiệm ngoài hợp đồng sau khi bàn giao cho đơn vị quản lý công. Về giá dịch vụ thoát nước, có thể cân nhắc phương án quy định loại bỏ một phần chi phí liên quan đến tiêu thoát nước mưa như chi phí công, chi phí đối tượng, phí sử dụng.
Theo ông Tạ Quang Vinh - Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Cục Hạ tầng kỹ thuật coi việc xây dựng dự thảo Luật Cấp, thoát nước là nhiệm vụ chính trị quan trọng, cần tập trung tối đa mọi nguồn lực để kiểm soát tiến độ xây dựng, nâng cao chất lượng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan rà soát kỹ để xác định, tháo gỡ vướng mắc, bất cập; bổ sung các quy định mà thực tiễn đang đòi hỏi vào dự thảo Luật.
Thực tế hiện nay, điều chỉnh hoạt động cấp thoát nước, thu gom và xử lý nước thải chỉ được quy định bằng văn bản dưới luật là các nghị định như: Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014. Các quy định này chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Cấp, thoát nước; ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, vận hành.
Việc xây dựng và ban hành Luật Cấp, thoát nước sẽ bảo đảm cung cấp nước sạch an toàn, kiểm soát ô nhiễm từ nước thải và chống ngập úng. Đồng thời, là công cụ quản lý nhà nước có hiệu lực và thống nhất cao giúp điều chỉnh toàn diện các hoạt động cấp nước sạch, thoát nước và xử lý nước thải. Luật Cấp, thoát nước ra đời sẽ là công cụ nhằm tăng cường nguồn lực ngân sách và xã hội, giúp chính quyền địa phương quản lý, phát triển hệ thống cấp nước, thoát nước hiệu quả, phục vụ trực tiếp cho đời sống người dân.
Thực tế hiện nay, điều chỉnh hoạt động cấp thoát nước, thu gom và xử lý nước thải chỉ được quy định bằng văn bản dưới luật là các nghị định như: Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007; Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06/8/2014. Các quy định này chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển ngành Cấp, thoát nước; ảnh hưởng đến quá trình đầu tư, vận hành.