Góp ý dự thảo Luật Nhà giáo: Thầy cô mong mức lương được xác định theo vùng

Các thầy cô đang công tác tại vùng sâu, vùng xa mong muốn Luật Nhà giáo có thêm chính sách ưu tiên đặc biệt cho GV vùng khó khăn, nhất là về chế độ lương.

Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều nội dung mang tính đột phá, trong đó có chính sách về tiền lương, chính sách hỗ trợ nhà giáo. Bàn về những đổi mới trong chính sách ấy, các thầy cô đều nhận thấy có nhiều điểm sáng và bày tỏ sự vui mừng. Khám bệnh định kỳ và hỗ trợ học phí cho con giáo viên là hai chính sách mà các thầy cô cảm thấy thực tế và hữu ích nhất.

Nỗi niềm của những giáo viên vùng sâu, vùng xa

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Vương Ngọc Hiệp - giáo viên Trường Tiểu học xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn cho biết bản thân đã có hơn 8 năm công tác tại vùng khó khăn ở Lạng Sơn. Sống cách trường 40km, mỗi ngày cô đều phải di chuyển trên những con đường đất gồ ghề để tới được nơi làm việc, đặc biệt vào những ngày trời mưa, đường trở nên lầy lội vô cùng khó di chuyển.

“Ngày mới vào nghề, tôi dạy ở gần biên giới cách nhà 80km, phải ở lại trường cả tuần. Hiện tại về trường mới cách nhà 40km nên được về thường xuyên hơn. Là vùng khó khăn nên điều kiện sinh hoạt ở đây rất thiếu thốn, trường còn thiếu phòng học, cũng chưa có nhà công vụ cho giáo viên nên rất thiệt thòi cho những giáo viên ở xa. Có những người phải tự ra nhà dân thuê trọ. ”, cô Hiệp cho hay.

Cô Hiệp hướng dẫn học sinh trong hoạt động chăm sóc mô hình vườn rau và cây ăn quả của nhà trường. Ảnh: NVCC

Cô Hiệp nhận định rằng, chính sách trong dự thảo Luật Nhà giáo đã thể hiện sự quan tâm đến những giáo viên đang làm việc xa nhà như cô và các đồng nghiệp. Nếu những chính sách này được triển khai sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho các thầy cô.

Một trong những chính sách được đề cập đến là hỗ trợ nhà công vụ, điều này đã có nhưng cô Hiệp cho rằng cần được thực hiện sát sao hơn, vì hiện nay vẫn còn nhiều trường chưa có nhà công vụ, gây khó khăn cho những giáo viên ở xa. Bên cạnh đó, có một số điểm mới như hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo cũng rất hoan nghênh.

Cô cũng mong muốn thực hiện thêm những chính sách hỗ trợ chi phí đi lại đối với những giáo viên dạy học tại vùng khó phải di chuyển xa.

Cô Đặng Thị Hương đã dành 21 năm để cống hiến cho giáo dục tại xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1999, sau khi tốt nghiệp, cô Hương xin về công tác tại Trường Tiểu học Bát Mọt 1, xã Bát Mọt - vùng đặc biệt khó khăn của huyện Thường Xuân.

Đã có những năm được đề nghị chuyển về dạy ở trung tâm thị trấn, nhưng cô Hương đã từ chối, quyết định ở lại đây tiếp tục công tác.

Mặc dù cuộc sống ở xã Bát Mọt còn nhiều khó khăn, nhưng những kỷ niệm và tình cảm với học sinh, đồng nghiệp và người dân địa phương đã trở thành động lực để cô tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi đây.

Huyện Thường Xuân là một huyện miền núi thuộc tỉnh Thanh Hóa. Trường Tiểu học Bát Mọt 1 là ngôi trường xa nhất của huyện, giáp với biên giới nước Lào, còn rất khó khăn về mọi mặt: kinh tế, đường xá đi lại và khí hậu.

“Khí hậu ở đây quanh năm sương mù bao phủ, vào mùa mưa, sương mù dày đặc khiến việc di chuyển càng trở nên khó khăn. Trước đây nhiều đoạn đường chưa được thông, chúng tôi phải đi bộ rất vất vả. Hiện nay, dù đường đã được cải thiện, nhưng khi trời mưa, sạt lở đất vẫn thường xuyên xảy ra, khiến xe máy không thể đi qua. Đặc biệt, có một con suối ngăn cách giữa trường và nhà dân. Vào mùa mưa lũ, nước dâng cao qua cầu, không thể qua được suối dẫn tới bị cô lập với các khu vực xung quanh”, cô Hương cho biết.

Cô Đặng Thị Hương (ngoài cùng bên phải) giúp học sinh vượt suối tới trường. Ảnh: NVCC

Khó khăn như vậy nên cô Hương luôn mong mỏi sẽ có thêm sự hỗ trợ từ Nhà nước, không chỉ về lương và phụ cấp mà còn về cơ sở vật chất và điều kiện sinh hoạt, để giáo viên có thể yên tâm cống hiến với nghề.

Với cô Hương, việc hỗ trợ học phí cho con giáo viên không chỉ là một sự trợ giúp kinh tế mà còn là sự công nhận và động viên tinh thần to lớn, giúp giáo viên yên tâm hơn trong công việc giảng dạy. Chính sách khám bệnh định kỳ hàng năm cũng là một bước tiến đáng kể, giúp bảo vệ sức khỏe của giáo viên, đặc biệt là những người công tác ở vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện y tế không đầy đủ. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ nhà công vụ sẽ giúp giáo viên không phải lo lắng về chỗ ở, tập trung toàn tâm toàn ý vào công việc dạy học.

Cô cũng bày tỏ mong muốn có thêm các chính sách ưu tiên đặc biệt cho giáo viên vùng khó khăn, nhằm giữ chân họ ở lại và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nơi đây.

“Giáo viên vùng khó khăn nên được hưởng những chế độ ưu tiên đặc biệt, từ lương bổng, phụ cấp đến các hỗ trợ sinh hoạt, để họ có thể yên tâm công tác và tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục,” cô Hương nhấn mạnh.

Thầy Vũ Văn Tùng là giáo viên Lịch sử của Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Đinh Núp, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. Đây là một trong những trường ở vùng núi, tập trung nhiều học sinh người dân tộc Ba Na còn gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Hơn 90% dân số ở đây là người dân tộc thiểu số, việc vận động học sinh đến trường là một thách thức lớn.

Thầy Tùng cho hay, điều các giáo viên công tác ở vùng đặc biệt khó khăn mong muốn nhất hiện nay là làm sao cải thiện được kinh tế cho người dân. Chỉ khi người dân đủ ăn đủ mặc, họ mới có thể nghĩ đến việc cho con em đến trường.

“Hiện nay, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình phổ biến và thực hiện công tác dạy học. Bản thân tôi phải làm rất nhiều công việc không tên để có thể níu giữ học trò. Tuy nhiên, những giải pháp mà chúng tôi thực hiện hiện nay cũng chỉ là một phần nhỏ.

Phần lớn hơn, quan trọng hơn, vẫn cần phải dựa vào những chính sách kịp thời của Nhà nước nhằm thúc đẩy kinh tế của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những chính sách này không chỉ giúp cải thiện đời sống của người dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn”, thầy Tùng chia sẻ thêm.

Thầy Tùng (đứng thứ 2 từ trái vào) trao quà cho gia đình học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn. Ảnh: NVCC

Thầy cũng cho biết, cùng với những cố gắng chung của ngành giáo dục cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giáo viên nơi đây cũng đã từng bước được cải thiện về chế độ tiền lương, điều kiện làm việc, phần nào đảm bảo điều kiện sống.

“Tuy nhiên, nhìn chung chúng tôi vẫn gặp rất nhiều thử thách, vì vùng đặc biệt khó khăn cần rất nhiều yếu tố mới theo kịp những vùng thuận lợi. Việc hỗ trợ học phí cho con em giáo viên, nếu trở thành hiện thực sẽ là nguồn động lực lớn đối với chúng tôi”, thầy Tùng bày tỏ.

Mức tiền lương nên được xác định theo vùng

Ngoài chính sách hỗ trợ nhà giáo, dự thảo Luật Nhà giáo cũng quy định: “Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính, sự nghiệp”. Bên cạnh tiền lương, nhà giáo được hưởng phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).

Chia sẻ về chính sách tiền lương tại dự thảo Luật Nhà giáo, cô Hiệp bày tỏ sự vui mừng. Cô cho biết mức lương của giáo viên được nâng cao sẽ cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của họ. Khi đó, giáo viên có thể tập trung hơn vào việc giảng dạy, không phải lo lắng về các vấn đề tài chính. Hiện tại, nhiều giáo viên phải làm thêm nhiều công việc khác ngoài việc dạy học để có thể trang trải cuộc sống. Mặc dù họ rất muốn tận tâm với nghề, nhưng gánh nặng cơm áo gạo tiền và nhiều vấn đề khác khiến họ không thể dồn toàn bộ tâm huyết vào việc giảng dạy.

Cô Hiệp đề xuất rằng, chính sách lương nên có sự khác biệt rõ ràng. Thứ nhất, chính sách phải thực sự cao để đủ hấp dẫn và giữ chân giáo viên. Thứ hai, lương cần có sự chênh lệch dựa trên điều kiện công tác của giáo viên.

“Theo tôi nên có mức lương ưu tiên hơn cho những giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng cao. Hiện tại, ở Lạng Sơn, dù đi lại khó khăn, nhưng vẫn còn dễ dàng hơn so với các giáo viên một số vùng ở Sơn La hay Điện Biên, nơi điều kiện sống và làm việc khắc nghiệt hơn rất nhiều.

Nếu áp dụng mức lương đồng đều cho tất cả các giáo viên, điều này sẽ không công bằng. Nhiều giáo viên đã cống hiến cả thanh xuân của mình cho những vùng đất xa xôi, hẻo lánh, nhưng hiện tại lại có thu nhập bằng với những giáo viên trẻ mới vào nghề, làm việc ở những nơi thuận lợi hơn. Điều này khiến họ cảm thấy bị thiệt thòi”, cô Hiệp chia sẻ.

Cũng bàn về vấn đề này, thầy Tùng cho biết, để thu hút và giữ chân giáo viên tại các vùng đặc biệt khó khăn, cần có sự phân chia về lương và phụ cấp.

“Tiền lương nên được chia theo vùng, ví dụ như ở vùng đặc biệt khó khăn như chúng tôi thì nên có một thang lương khác. Việc cào bằng lương giữa các vùng sẽ gây thiệt thòi cho giáo viên vùng khó khăn”, thầy Tùng nói.

Thầy Tùng lý giải, giáo viên ở các vùng đặc biệt khó khăn phải đối mặt với nhiều thách thức hơn so với giáo viên ở vùng thuận lợi. Điều kiện sinh hoạt và làm việc khắc nghiệt, giao thông khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn là những vấn đề mà giáo viên vùng khó khăn phải đối mặt hàng ngày.

"Việc có một mức lương riêng biệt cho giáo viên ở vùng khó khăn sẽ là động lực lớn, không chỉ giúp họ ổn định cuộc sống mà còn khuyến khích họ gắn bó lâu dài với nghề, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục”, thầy Tùng chia sẻ thêm.

Tại Điều 41 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về Chính sách hỗ trợ nhà giáo như sau:
1. Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhà giáo trẻ; nhà giáo công tác ở vùng khó khăn; nhà giáo dạy trường chuyên biệt, nhà giáo dạy trẻ khuyết tật, nhà giáo dạy tiếng dân tộc thiểu số, nhà giáo dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số, dạy các môn năng khiếu, nghệ thuật.
2. Chính sách hỗ trợ nhà giáo gồm: nhà công vụ, chế độ phụ cấp, chế độ trợ cấp, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, khám bệnh định kỳ hằng năm, hỗ trợ học phí cho con của nhà giáo và các chế độ khác bảo đảm an sinh xã hội cho nhà giáo.
3. Ngoài các quy định chung về chính sách hỗ trợ nhà giáo, nhà nước khuyến khích địa phương ban hành các chính sách đặc thù để hỗ trợ nhà giáo; cơ sở giáo dục hỗ trợ nhà giáo thông qua quỹ khuyến khích, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Tại Điều 40 dự thảo Luật Nhà giáo quy định về Chính sách tiền lương đối với nhà giáo như sau:
1. Chính sách tiền lương của nhà giáo bao gồm tiền lương và phụ cấp và các chế độ khác (nếu có).
2. Tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất so với hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
3. Tiền lương và các chính sách theo lương của các nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục dân lập, cơ sở giáo dục tư thục và các cơ sở giáo dục công lập tự chủ chi thường xuyên, tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư không ít hơn tiền lương và các chính sách theo lương của nhà giáo có cùng trình độ đào tạo, cùng thâm niên, cùng chức danh trong các cơ sở giáo dục công lập đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Chính phủ.
4. Nhà giáo công tác ở các ngành, lĩnh vực có chế độ đặc thù thì được hưởng chế độ đặc thù đó nếu đáp ứng được các quy định của chính sách. Nhà giáo công tác ở ngành lĩnh vực mà ngành, lĩnh vực đó có chính sách trùng với chính sách dành cho nhà giáo nhưng ở mức cao hơn thì được hưởng 01 (một) chính sách có mức cao nhất.
5. Chính sách tiền lương của nhà giáo do Chính phủ quy định.

Châu Anh

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gop-y-du-thao-luat-nha-giao-thay-co-mong-muc-luong-duoc-xac-dinh-theo-vung-post243252.gd