Góp ý dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi
Sáng 23/4, Cục Phổ biến pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp phối hợp với Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý về dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi).

Toàn cảnh Hội nghị.
Tham dự hội nghị có TS. Ngô Quỳnh Hoa, Phó cục trưởng đại diện lãnh đạo Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp đồng chủ trì cùng với bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội Tư vấn Thuế Việt Nam, đại diện lãnh đạo một số Vụ, Cục ở trung ương, lãnh đạo các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, ngân hàng, công ty tư vấn…
Phát biểu khai mạc, bà Ngô Quỳnh Hoa cho biết, Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8 vào cuối năm 2024. Tại kỳ họp thứ 9 diễn ra vào tháng 5 tới, Quốc hội dự kiến thảo luận, xem xét thông qua dự án Luật này.
Tại Hội nghị này, bà Hoa mong muốn nhận thêm ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp về những vướng mắc trong quá trình thực hiện cũng như đề xuất các giải pháp nhằm hoàn thiện dự án Luật. Những đề xuất này Ban Tổ chức sẽ tổng hợp, gửi lại cho Ban soạn thảo dự án Luật.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) chỉ rõ, qua hơn 15 năm thực hiện Luật Thuế TNDN đã đạt được nhiều kết quả như không đối xử phân biệt về chính sách thuế TNDN giữa các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp; giảm nghĩa vụ thuế thông qua việc điều chỉnh giảm mức thuế suất thuế TNDN phổ thông; điều tiết được hầu hết các khoản thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, ưu đãi thuế cả về địa bàn, lĩnh vực đầu tư, số lượng lao động,…; chi phí làm cơ sơ tính thuế hướng tới sự minh bạch hơn, từng bước phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; mở rộng cơ sở thuế phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, hội nhập quốc tế.

TS. Ngô Quỳnh Hoa cùng với bà Nguyễn Thị Cúc đồng chủ trì Hội nghị.
Tuy nhiên, theo bà Cúc, hiện nay chưa đồng bộ giũa Luật Thuế TNDN và các Luật chuyên ngành, gây khó khăn trong thực thi; một số quy định của Luật thuế TNDN hiện hành đã bộc lộ một số điểm bất cập, không còn phù hợp với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện nay như: thu nhập miễn thuế, thu nhập chịu thuế, các nguyên tắc liên quan đến việc xác định các khoản chi phí được trừ và không được trừ; chính sách ưu đãi thuế; điều tiết thuế thông qua thuế suất phổ thông, thuế suất ưu đãi , phương pháp tính thuế. các hành vi trốn thuế. Kiểm soát, quản lý ngăn chặn hành vi tránh thuế của các tập đoàn đa quốc gia.
Đặc biệt, còn bộc lộ một số “khoảng trống” trong việc điều chỉnh các vấn đề thuế mới phát sinh đang đặt ra trong quá trình tăng cường hợp tác quốc tế về thuế, xử lý các vấn đề thuế quốc tế, cũng như mô hình kinh doanh đa dạng, phong phú, thương mại điện tử, kinh tế số toàn cầu.
Dự thảo gồm 4 Chương, 20 điều trong đó sửa đổi các nội dung về người nộp thuế; thu nhập chịu thuế; xác định thu nhập tính thuế; phương pháp tính thuế; các khoản chi phí được trừ và không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN; thuế suất thuế TNDN; ưu đãi thuế TNDN; các trường hợp được miễn giảm…
Góp ý vào dự án Luật, bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp không có chủ trương trốn thuế, tuy nhiên các quy định liên quan đến miễn, giảm thuế còn phức tạp, gây khó khăn trong thực hiện. Do đó, doanh nghiệp mong muốn các thủ tục liên quan đến ưu đãi thuế cần được đơn giản hóa, rõ ràng và dễ tiếp cận hơn.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ.
Bà Hạnh đề xuất cần bổ sung rõ ràng các lĩnh vực được ưu đãi thuế như phát triển xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường… để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho việc áp dụng. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu bổ sung các chính sách mới xuất hiện trong thực tiễn, liên quan đến nhóm lao động yếu thế như lao động nữ, người khuyết tật – hiện nay chưa được hưởng các ưu đãi thuế tương xứng. Cần có chính sách hỗ trợ vượt trội cho các đối tượng này. Ngoài ra, cần xem xét chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người nghỉ hưu sớm, người thôi việc, và tạo điều kiện cho doanh nghiệp sử dụng các nhóm đối tượng này được hưởng ưu đãi thuế phù hợp.
Về hộ kinh doanh, cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi lên doanh nghiệp. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận tốt hơn các chính sách, mà còn góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước. Bà Hạnh nhấn mạnh, nếu thu đúng, thu đủ thuế trong các lĩnh vực như thương mại điện tử xuyên biên giới hay từ hộ kinh doanh, nguồn thu ngân sách có thể tăng đáng kể.
Cũng liên quan tới hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và đại lý thuế D&P Việt Nam cho rằng, hiện nay các hộ kinh doanh doanh thu cao nhưng nộp thuế thấp. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa doanh thu không cao nhưng phải đóng thuế 20% như doanh nghiệp lớn điều đó dẫn tới việc nhiều hộ kinh doanh không muốn thành lập doanh nghiệp hoặc sử dụng các hành vi lách luật, trốn thuế.
Do đó, bà Dung đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để hộ kinh doanh sẵn sàng lên doanh nghiệp như miễn giảm thuế trong một khoảng thời gian; doanh nghiệp có doanh thu dưới 3 tỷ đồng có thể chỉ đóng thuế TNDN ở mức 10%. Cùng với đó nên áp dụng mức thuế suất 15% - 17% - 20% với doanh nghiệp doanh thu 3 - 50 tỷ đồng và thu hẹp khoảng cách các mức thuế.
Bà Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho hay, tại Hà Nội có 98% doanh nghiệp nhỏ và vừa. Mỗi năm có tới 30 nghìn doanh nghiệp thành lập mới. Tuy nhiên, doanh nghiệp có doanh thu dưới 5 tỷ đồng đặc biệt lĩnh vực du lịch chi phí rất lớn. Do đó, bà Ngân đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa có doanh thu dưới 5 tỷ đồng nộp thuế TNDN 12%; doanh nghiệp có doanh thu từ 5 - 10 tỷ đồng nộp thuế TNDN mức 15%.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, tại dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi quy định áp dụng thuế suất 15% đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng; 17% với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.
Mức thuế suất 15% và 17% nêu trên không áp dụng đối với doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không phải là doanh nghiệp đáp ứng điều kiện áp dụng thuế suất quy định tại khoản này để đảm bảo việc thực hiện ưu đãi thuế được thực hiện đúng mục tiêu, hạn chế việc xói mòn cơ sở thuế.
Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/gop-y-du-thao-luat-thue-tndn-sua-doi-d57889.html