Góp ý dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử
Các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, góp ý làm rõ một số ý kiến còn khác nhau trong dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.
Sáng 30/10, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự. Tại buổi thảo luận, các đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp.
Tham gia thảo luận, đại biểu Lương Văn Hùng - Phó Chánh án TAND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, việc ban hành nghị quyết này là cần thiết. Tuy nhiên, dự thảo nghị quyết mở rộng phạm vi xử lý vật chứng cả giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm là vượt quá yêu cầu, kết luận của Bộ Chính trị. Việc xử lý vật chứng ở giai đoạn tiền tố tụng cần thận trọng, bởi giai đoạn này chưa rõ có khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay không. Việc xử lý vật chứng, tài sản của người chưa bị buộc tội có thể dẫn đến xâm phạm quyền tài sản theo quy định tại khoản 3 Điều 51 Hiến pháp.
Về biện pháp nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa (khoản 1 Điều 3), đại biểu Hùng đề nghị nghiên cứu, bổ sung quy định “Trường hợp vật chứng là bất động sản thì mức tiền nộp bảo đảm phải ít nhất bằng 2 lần giá trị của bất động sản tại thời điểm áp dụng biện pháp xử lý vật chứng”. Bởi vì, bất động sản là loại tài sản có tính chất đặc thù, giá trị quyền sử dụng bất động sản thường có xu hướng tăng lên theo thời gian. Để tránh thất thoát giá trị tài sản thu giữ, tạm giữ thì cần quy định số tiền nộp bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa.
Để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xử lý vật chứng, tài sản, đồng thời bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của chủ sở hữu tài sản, đại biểu Hùng đề nghị bổ sung quy định “Tòa án có thẩm quyền xem xét tính hợp pháp của các hành vi, quyết định về việc áp dụng các biện pháp xử lý vật chứng, tài sản của các cơ quan điều tra, viện kiểm sát trong quá trình điều tra, truy tố”.