Góp ý kiến cho dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội
Chiều 16-5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 của Quốc hội. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Tiền Giang tham gia thảo luận góp ý kiến cho các nội dung này.
DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT CỦA QUỐC HỘI SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NỘI QUY KỲ HỌP QUỐC HỘI
Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu cơ bản tán thành với các nội dung sửa đổi, bổ sung của Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết 71/2022/QH15 của Quốc hội, nhằm cập nhật, hoàn thiện quy trình, thủ tục của kỳ họp Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn, Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang cơ bản nhất trí với các tờ trình và báo cáo thẩm tra trình tại kỳ họp. Góp ý thêm cho dự thảo, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, bảo đảm bám sát các nguyên tắc quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Tổ chức Quốc hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan và cần đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi trong thực tiễn triển khai... để bảo đảm quy định được ban hành có thể áp dụng hiệu quả, khả thi, rõ ràng về trách nhiệm, dễ thực hiện và không phát sinh thêm các thủ tục hành chính không cần thiết.
Tại Khoản 13 sửa đổi Điều 27 quy định về ý kiến phát biểu bằng văn bản của ĐBQH, đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị bỏ cụm từ "tại các phiên họp" trong quy định "ý kiến phát biểu, ý kiến bằng văn bản" của ĐBQH tại các phiên họp có giá trị như nhau... vì cho rằng ý kiến bằng văn bản của ĐBQH thì có thể chuẩn bị ở cơ quan, hoặc chuẩn bị ở một số nơi khác chứ không nhất thiết chuẩn bị bằng văn bản tại cuộc họp.

Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận tổ.
Về thời hạn gửi báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tổ (Khoản 4 Điều 27), đại biểu Nguyễn Minh Sơn đề nghị thiết kế lại quy định cho phù hợp thực tế hơn, đặc biệt khi thời gian giữa thảo luận tổ và phiên họp toàn thể ngắn, nếu gấp rút trong tổng hợp ý kiến sẽ khó đảm bảo thực hiện tốt, kịp thời. Đại biểu đề nghị nên có đủ thời gian để cho các cơ quan làm nhiệm vụ tổng hợp, đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện, tránh quy định rồi lại không thực hiện được do thời gian quá ngắn, làm việc liên tục với cường độ cao tại các kỳ họp của Quốc hội.
Bên cạnh đó, các ĐBQH cũng tập trung thảo thuận về trường hợp ĐBQH không tham dự kỳ họp (Khoản 2 Điều 3). Đại biểu cho rằng, việc giao Văn phòng Quốc hội làm cầu nối là chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Đề nghị Ủy ban Công tác đại biểu là đầu mối tiếp nhận thông báo vắng mặt, vì Ủy ban Công tác đại biểu là còn có cả trách nhiệm là theo dõi chi trả chế độ, chính sách của ĐBQH tại kỳ họp và để đảm bảo sự liên thông trong việc theo dõi ĐBQH. Đại biểu cũng tán thành việc đổi mới công tác báo vắng bằng cách thiết kế xin phép qua ứng dụng.
Về thời gian chất vấn, đại biểu đề nghị Đoàn Chủ tịch linh hoạt, không nên hạn chế số lượng nội dung ĐBQH được hỏi trong một phút chất vấn; đối với vấn đề tranh luận cũng cần quy định cụ thể. Đại biểu nêu tình trạng một số đại biểu bấm nút tranh luận nhưng lại đọc bài chuẩn bị sẵn dài hơn thời gian phát biểu chính thức, gây không công bằng. Đại biểu đề nghị chủ tọa phải dừng ngay nếu nội dung tranh luận không liên quan.
Đối với giải trình ý kiến đại biểu, các đại biểu đề xuất quy định rõ ý kiến bằng văn bản của các đại biểu chưa được phát biểu phải có giá trị như ý kiến phát biểu tại hội trường và được giải trình đầy đủ.
Về trách nhiệm của ĐBQH và ứng dụng công nghệ thông tin, các đại biểu đề xuất cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin. Đại biểu đề nghị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trong hoạt động của ĐBQH nhưng cũng bày tỏ lo ngại về vấn đề bảo mật khi sử dụng tài liệu mật.
DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Tại phiên thảo luận tổ, các ĐBQH cũng nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, sát với thực tiễn quản lý nhà nước hiện nay. Thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật, theo đó chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đồng thời, khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản, mang tính phổ biến trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Đại biểu cho rằng, việc bổ sung, chỉnh lý dự thảo luật lần này cần chú trọng hơn đến yếu tố công khai, minh bạch, bảo đảm quyền lợi người dân, và đặc biệt là khả năng thực thi của đội ngũ cán bộ trong điều kiện thực tế.
Tuy nhiên, về quy định mức phạt tiền (Điều 24), có ý kiến đề xuất cần nghiên cứu, tính toán kỹ lưỡng về mức phạt tiền, đảm bảo phù hợp với thu nhập bình quân của người dân. Đại biểu cho rằng, nâng mức xử phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân là cần thiết. Có đại biểu bày tỏ lo ngại về việc một số nghị định gần đây, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn giao thông, đã nâng mức phạt quá cao so với thu nhập bình quân của người dân mà chưa có báo cáo tác động xã hội. Đại biểu lo ngại rằng, việc nâng mức xử phạt lên sẽ đảm bảo tính răn đe nhưng mức phạt cao quá so với mức thu nhập thì liệu rằng dự án luật có khả thi, vì vậy cần tính toán kỹ hơn ở điểm này.
Ngoài ra, các đại biểu còn góp thêm nhiều ý kiến đối với các quy định: Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính; về bổ sung thẩm quyền xử phạt cho Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước; về thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực nông nghiệp (kiểm lâm, kiểm ngư); về xử lý vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số; về tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm không xác định được chủ sở hữu; về phương thức thu tiền xử phạt…

Quang cảnh thảo luận tại tổ.
Cũng tại phiên họp, các đại biểu thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), các đại biểu cơ bản tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL; đồng thời, tán thành việc xây dựng, ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Đa số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật đã quán triệt, bám sát yêu cầu của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư để đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; đồng thời, sửa đổi một số quy định của Luật hiện hành để thuận lợi hơn trong triển khai thực hiện.
Tuy nhiên, đại biểu có ý kiến đề xuất cần rà soát, bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn triển khai, tránh phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết. Đối với quy định về phân cấp, phân quyền và thẩm định văn bản cấp xã, đại biểu đề cập đến việc bổ sung quy định về Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh và Quyết định của UBND cấp tỉnh, nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền phải được thể hiện rõ trong luật...