Góp ý kiến sửa đổi Luật Chăn nuôi phù hợp
Luật Chăn nuôi năm 2018 là hành lang pháp lý quan trọng đối với phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại. Luật quy định chi tiết nhiều nội dung liên quan đến nguyên tắc, chiến lược phát triển, chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh… Ngay khi được triển khai thực hiện, Luật Chăn nuôi đã tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển bền vững, tuy nhiên, thực tế cho thấy hiện còn nhiều khó khăn trong thực hiện một số quy định của luật. Trước những bất cập đó, tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Chăn nuôi, nhất là quy định mật độ chăn nuôi vùng để phù hợp với thực tế chăn nuôi tại các địa phương.
Tạo điều kiện phát triển chăn nuôi bền vững
Được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 19/11/2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2020, Luật Chăn nuôi được ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ kinh tế, xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu an ninh thực phẩm.
Theo đó, Luật Chăn nuôi 2018 quy định nguyên tắc hoạt động chăn nuôi trên tinh thần phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết giá trị, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh và xã hội hóa, tạo tối đa nguồn lực xã hội đầu tư phát triển ngành chăn nuôi theo nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Thực hiện Luật Chăn nuôi, toàn tỉnh đã chấm dứt chăn nuôi tại 148 khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi; bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xã hội hóa hoạt động chăn nuôi, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước với lợi ích của tổ chức, cá nhân trong phát triển chăn nuôi.
Luật quy định cụ thể nội dung Nhà nước đầu tư, Nhà nước hỗ trợ, khuyến khích đầu tư, đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tiễn sản xuất, kinh doanh và nguồn lực quốc gia, trên cơ sở căn cứ Luật Đầu tư công năm 2014, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.
Tại Vĩnh Phúc, chăn nuôi là ngành có nhiều đóng góp đối với tăng trưởng nông nghiệp, đồng thời là chỗ dựa sinh kế cho nhiều hộ dân. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng, chủ yếu đối với phát triển nông nghiệp.
Thực hiện Luật Chăn nuôi trên địa bàn những năm qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng được đưa vào chăn nuôi, sản xuất. Tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được áp dụng rộng rãi đã góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất tiếp tục được triển khai. Nhờ vậy, quy mô đàn gia súc, gia cầm chủ lực gồm lợn, bò sữa và gia cầm liên tục tăng. Sản lượng thịt hơi các loại, sữa bò tươi, trứng gia cầm tăng mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp.
Toàn tỉnh đã hình thành một số vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hóa. Trong đó, chăn nuôi lợn tập trung tại các xã thuộc huyện Lập Thạch, Yên Lạc; chăn nuôi gia cầm chuyên trứng, chuyên thịt tại các xã thuộc huyện Tam Dương, Tam Đảo; chăn nuôi bò sữa tại các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo... Bước đầu hình thành mô hình liên kết sản xuất chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi - giết mổ công nghiệp - chế biến - tiêu thụ sản phẩm.
Năm 2024, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 133.440 tấn; trứng gia cầm đạt 780,8 triệu quả, tăng 6,23%; sữa bò tươi đạt 60.650 tấn, tăng 2,81% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 14/2022 ngày 12/12/2022 quy định khu vực không được phép chăn nuôi và chính sách hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi. Qua đó, các cơ quan, ban ngành đảm bảo thời gian chấm dứt chăn nuôi tại 148 khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh xong trước ngày 1/1/2025.
Sửa đổi, bổ sung quy định để tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc còn gặp một số khó khăn như: Chăn nuôi chủ yếu nhỏ lẻ, hộ gia đình; chủ cơ sở chăn nuôi không có thói quen kê khai chăn nuôi và không tham gia hưởng ứng việc kê khai. Ngoài ra, hiện nay chưa có phần mềm tổng hợp dữ liệu chăn nuôi, phải sử dụng phương pháp tổng hợp thủ công nên gây mất thời gian, nhầm lẫn và khó theo dõi.
Đặc biệt, Vĩnh Phúc đang gặp khó khăn rất lớn trong quy định mật độ chăn nuôi. Là tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng có mật độ chăn nuôi quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Nghị định 13/2020 ngày 21/1/2020 của Chính phủ, đến năm 2018 là 1,84 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp và đến năm 2030 là 1,8 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp.
Căn cứ số lượng đàn vật nuôi và diện tích đất nông nghiệp thì mật độ chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc là 2,71 đơn vị vật nuôi/ha, cao hơn quy định 0,87 đơn vị vật nuôi/ha. Điều đó tạo rào cản không nhỏ cho sự phát triển của ngành chăn nuôi cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế của người dân chăn nuôi khi bắt buộc phải giảm đàn vật nuôi trong trường hợp ban hành Quyết định quy định mật độ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Trước những bất cập này, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản đề nghị Cục Chăn nuôi và Thú y xem xét, đề nghị Bộ trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung quy định mật độ chăn nuôi vùng Đồng bằng sông Hồng để phù hợp với thực tế chăn nuôi tại các địa phương.

Quy định về mật độ chăn nuôi đang là rào cản kìm hãm sự phát triển của ngành bởi không phù hợp với thực tế.
“Cá nhân tôi mong muốn quy định này được sửa đổi phù hợp với thực tế nhằm đáp ứng yêu cầu trong điều kiện mới. Từ đó tạo thuận lợi hơn cho ngành chăn nuôi phát triển, có nhiều đóng góp đối với tăng trưởng nông nghiệp và là chỗ dựa sinh kế cho nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Văn Hùng, chủ một trang trại chăn nuôi gà đẻ trên địa bàn xã Thanh Vân, huyện Tam Dương chia sẻ.
Không chỉ riêng tại Vĩnh Phúc, trao đổi với truyền thông về Nghị định 13/2020 hướng dẫn thực hiện Luật Chăn nuôi quy định mật độ chăn nuôi, 1ha đất nông nghiệp quy đổi ra 500kg khối lượng sống của vật nuôi. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng: Quy định như vậy có thể hiểu rằng 1ha đất nông nghiệp chỉ nuôi được 1 con trâu, 1 con bò. Nếu áp theo quy định này thì nhiều địa phương, nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng, Đồng bằng sông Cửu Long phải giảm tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay, bởi không phù hợp thực tế ở Việt Nam.
Trước thực trạng một số quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn không phù hợp với thực tiễn sản xuất, thậm chí gây cản trở hoạt động chăn nuôi, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng đã có văn bản kiến nghị với Thủ tướng và 6 bộ, ngành đề xuất 7 nhóm giải pháp tháo gỡ khó khăn để ngành chăn nuôi có điều kiện thuận lợi, phát triển bền vững.