Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội: Cần nhấn mạnh xây dựng văn hóa trong Đảng
Cần bổ sung một vế quan trọng trong Dự thảo Báo cáo chính trị là 'Xây dựng văn hóa trong Đảng'. Đây là một nội dung rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu đề ra.

Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành
Hà Nội - Thủ đô nghìn năm văn hiến và anh hùng, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và hội nhập quốc tế, giữ vai trò động lực thúc đẩy phát triển vùng và cả nước. Đảng bộ thành phố Hà Nội là đảng bộ lớn, tự hào với truyền thống vẻ vang 95 năm xây dựng và phát triển, luôn đoàn kết, trí tuệ, bản lĩnh, luôn gương mẫu, đi đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
1. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đến nay, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với dự báo, nhất là đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lụt, sự biến động về nhân sự chủ chốt, song Đảng bộ thành phố đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm.
Đảng bộ thành phố cũng phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thành phố và sự đồng thuận của nhân dân trong việc triển khai 10 chương trình công tác lớn toàn khóa, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá. Qua đó đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều điểm nhấn nổi bật trên các lĩnh vực của Đảng bộ, thúc đẩy thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đã đề ra.
Thành phố đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 16/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII Đảng bộ thành phố, trong đó có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch và hoàn thành sớm từ 1-2 năm (chỉ tiêu tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia; chỉ tiêu số giường bệnh/vạn dân; chỉ tiêu về xây dựng nông thôn mới), góp phần tạo thế và lực mới, đưa Thủ đô Hà Nội vững bước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đặc biệt, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được quan tâm đẩy mạnh, thực hiện có hiệu quả, bảo đảm an ninh chính trị, tư tưởng, niềm tin của người dân được nâng lên. Đảng bộ thành phố tiếp tục gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, bài bản Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các kết luận, nghị quyết của Trung ương gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Các nội dung thường xuyên, trọng tâm công tác tuyên giáo, tổ chức xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát, dân vận, nội chính, văn phòng cấp ủy tiếp tục được triển khai đồng bộ, đạt kết quả toàn diện; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên, tạo nền tảng xây dựng Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh.
Phương thức lãnh đạo của Thành ủy và các cấp ủy có nhiều đổi mới, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo những việc lớn, việc khó, phức tạp của thành phố. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được tăng cường, có chuyển biến tích cực.
Nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố có nhiều đổi mới. Truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh trong cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp được giữ vững và phát huy, kể cả những lúc khó khăn nhất khi có biến động về lãnh đạo chủ chốt hay thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng.

Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long. Ảnh: Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long
2. Về quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, khâu đột phá phát triển Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn mới, trong dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII tại Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định đối với công tác xây dựng Đảng: Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ thành phố thực sự trong sạch, vững mạnh toàn diện; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng gắn với nâng cao chất lượng, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị các cấp.
Trong đó nhấn mạnh đến “Xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức”. Theo tôi, cần bổ sung một vế quan trọng trong dự thảo Báo cáo chính trị là “Xây dựng văn hóa trong Đảng”. Đây là một nội dung rất cần thiết, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ thành phố, lãnh đạo nhân dân hoàn thành thắng lợi mọi mục tiêu đề ra để Thủ đô vững bước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, đó cũng là sự quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng văn hóa trong Đảng.
Bởi như chúng ta đã biết, ngay từ năm 1942, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật và khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặt ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”.
Cùng với đó, từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn đặc biệt chú trọng xây dựng văn hóa trong Đảng, xây dựng những giá trị chuẩn mực được thể hiện trong các hoạt động của tổ chức Đảng và không bị tách rời với văn hóa dân tộc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định: Để xây dựng và phát triển văn hóa trong xã hội, trước hết cần xây dựng văn hóa trong Đảng, trong các tổ chức Nhà nước. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII nêu quan điểm cũng như nhiệm vụ “Tiếp tục đổi mới toàn diện nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về văn hóa”.
Như vậy, văn hóa trong Đảng Cộng sản Việt Nam là một bộ phận quan trọng, kết tinh những giá trị tốt đẹp nhất, tiên phong nhất của văn hóa dân tộc Việt Nam. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lý tưởng cách mạng, đạo đức và phong cách lãnh đạo của Đảng được xây dựng trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới, kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại. Văn hóa trong Đảng là một cấu phần đặc biệt quan trọng trong đời sống chính trị - tư tưởng của Đảng; là yếu tố để củng cố sự đoàn kết, thống nhất, phát huy sức mạnh nội sinh của Đảng.
Xây dựng văn hóa trong Đảng có vai trò quan trọng, quyết định đến công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh toàn diện; hình thành phong cách lãnh đạo dân chủ, khoa học, minh bạch, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển mới trong điều kiện Đảng ta là đảng duy nhất lãnh đạo, cầm quyền; đồng thời, giúp cán bộ, đảng viên rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân, giữ vững phẩm chất đạo đức cách mạng; ngăn chặn hiệu quả những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Bên cạnh đó, văn hóa trong Đảng còn là sợi dây bền chặt gắn kết Đảng với nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.
3. Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, tôi cho rằng, việc bổ sung nội dung “Xây dựng văn hóa trong Đảng” vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII tại Đại hội đại biểu lần thứ XVIII Đảng bộ thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2025-2030 là quan trọng và cần thiết, là yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của Đảng bộ thành phố Hà Nội trong giai đoạn mới.
Hơn nữa, đầu tư cho xây dựng văn hóa trong Đảng thực chất là đầu tư cho công tác xây dựng Đảng, nâng tầm văn hóa, đạo đức của Đảng bộ thành phố. Đảng bộ thành phố trong sạch, vững mạnh sẽ tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là tiếp tục lãnh đạo toàn diện để phát huy bề dày truyền thống quý báu của Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, linh thiêng và hào hoa, “Thành phố của lương tri, phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố Sáng tạo”; phát huy tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, trí tuệ, sáng tạo, chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Thủ đô; phát huy tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng vươn lên, qua đó Đảng bộ Thành phố Hà Nội tiếp tục lãnh đạo Nhân dân Thủ đô vượt qua mọi thách thức, tranh thủ thời cơ, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", với những đặc trưng “Thủ đô văn hiến - kết nối toàn cầu - thanh lịch hào hoa - phát triển hài hòa - thanh bình thịnh vượng - chính quyền phục vụ - doanh nghiệp cống hiến - xã hội niềm tin - nhân dân hạnh phúc”, khẳng định vị thế đầu tàu, góp phần đưa đất nước vươn tầm khu vực và thế giới, trở thành biểu tượng phồn vinh, hòa bình, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.