Góp ý kiến vào dự thảo Báo cáo chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội:Văn hóa Thủ đô là hồn cốt, tỏa rạng văn hóa dân tộc trong kỷ nguyên mới
Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trình Đại hội Đảng bộ Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030 cơ bản đã hội đủ các yếu tố trí tuệ, tâm huyết, ý chí, khát vọng.
Tuy nhiên, cần làm sâu sắc thêm một số nội dung về phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội trong kỷ nguyên mới.
Sau khi nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội trình Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2025-2030, tôi nhận thấy bản dự thảo cơ bản đã hội đủ các yếu tố trí tuệ, tâm huyết, ý chí, khát vọng phát triển Thủ đô Hà Nội theo đúng định hướng tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đủ tầm vóc soi đường, cổ vũ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, các lực lượng vũ trang vững bước gương mẫu đi đầu trên con đường đổi mới, sáng tạo, cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên phát triển bền vững, hiện đại, văn minh, văn hiến, anh hùng.
Trong đó, nội dung nói về văn hóa có nhiều điểm mới, rất ấn tượng, thể hiện đúng tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng được vận dụng sáng tạo, sát hợp vào môi trường văn hóa của Thủ đô xưa và nay. Mặc dù vậy, một số phần nội dung về phát triển văn hóa, xây dựng con người vẫn cần được "gia công" thêm kỹ lưỡng hơn.

Đại biểu lãnh đạo Trung ương và thành phố Hà Nội tham quan không gian văn hóa được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Hoàng Quyên
Trước hết, chủ đề của Đại hội đã hàm chứa giá trị văn hóa hun đúc nên hồn cốt dân tộc, được thể hiện riêng có ở nơi lịch sử ghi danh là hồn thiêng sông núi Đại Việt - Việt Nam, biểu tượng cho một dân tộc tự lực, tự cường, sáng tạo giá trị văn minh, văn hiến suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử anh hùng của dân tộc, đặc biệt là từ khi đức Vua Lý Thái Tổ dời đô và đặt tên Thăng Long ở chốn này.
Dựa trên bề dày nền tảng văn hiến, văn minh qua các thời đại lịch sử dựng nước và giữ nước, cùng với sự bồi đắp văn hóa Việt Nam thời hiện đại, có Đảng và Bác Hồ soi đường dẫn lối, qua 40 năm đổi mới toàn diện, đồng bộ, với 18 năm mở rộng địa giới hành chính, mở rộng, hội tụ, lan tỏa văn hóa Hà Nội - Hà Tây, giờ đây văn hóa Thủ đô Hà Nội trở thành một sức mạnh mềm dân tộc, một nguồn lực vô giá vừa hữu hình, vừa vô hình, như trụ đỡ nâng tầm vóc Thủ đô ta xứng danh là Thủ đô của dân tộc anh hùng, yên ổn, hòa bình, thịnh vượng, phồn vinh, hạnh phúc, nơi hội tụ bạn bè muôn phương.
Tôi đồng tình cao với nhận định “Phát huy giá trị văn hóa và con người Hà Nội, khơi dậy ý chí, niềm tự hào, khát vọng phát triển của Nhân dân Thủ đô”. Điều này thể hiện tính khách quan trong nội dung đánh giá về tình hình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ xây dựng con người, phát triển văn hóa Thủ đô trong Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội, gắn với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Qua nắm bắt và quan sát thực tế, có thể thấy, văn hóa Thủ đô Hà Nội trong 5 năm qua đã có bước khởi sắc, đi vào chiều sâu, bao quát các lĩnh vực, gắn liền bảo tồn với phát huy các giá trị văn hóa vào đời sống chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn Thủ đô, lưu giữ và truyền bá hình ảnh Việt Nam qua văn hóa Thủ đô Hà Nội. Từ phong cách sống, thời trang, ẩm thực, văn hóa nghệ thuật, đối ngoại Nhà nước, đối ngoại nhân dân… đều hướng tới tôn vinh giá trị văn hóa mang bản sắc riêng có của “Người Tràng An”, của “Thứ nhất Kinh Kỳ”. Diện mạo đô thị văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp hơn, nhiều khu đô thị, công viên, vườn hoa được xây dựng. Công nghiệp văn hóa của Thủ đô được phát triển đúng hướng, đầy triển vọng.
Tuy nhiên, trong 5 bài học kinh nghiệm, chưa thấy thể hiện hoặc nhấn mạnh kinh nghiệm về coi trọng bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của Thủ đô, luôn xác định đây là một trong những nguồn lực quan trọng, nổi trội của Thủ đô Hà Nội.
Phần định hướng đã thể hiện rõ tư duy mới về sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ đối với công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thủ đô Hà Nội xứng tầm thời đại mới, gương mẫu đi đầu cùng dân tộc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Mặc dù vậy, phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh vẫn là một lĩnh vực khó, còn nhiều tiềm năng cần khai phá, đồng thời cũng còn nhiều hạn chế cần khắc phục. Cứ đi ra đường thấy rõ sự “mạnh ai nấy đi”, phóng nhanh, vượt ẩu, xe ô tô lấn làn xe máy, xe máy lao lên vỉa hè; rồi nhìn ngắm những góc chưa đẹp của Hà Nội về vệ sinh môi trường thì sẽ thấy, kết quả xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chưa đạt được như mong muốn, đòi hỏi những nỗ lực to lớn hơn của cả hệ thống chính trị.
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã rất quan tâm, chỉ đạo về vấn đề này, nổi bật là ban hành Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19-2-2024 về "Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh", nhưng thực tiễn đòi hỏi phải có các giải pháp mang tính đột phá trong giai đoạn mới.
Phải chăng đó là sự quan tâm xây dựng người Hà Nội đặt trọng tâm là xây dựng văn hóa gia đình, văn hóa nhà trường, văn hóa cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước, lấy cán bộ, đảng viên và gia đình của họ làm hạt nhân để lan tỏa ra toàn xã hội? Phải chăng Hà Nội cần có một “Nghị định 68” cho lĩnh vực văn hóa thông qua vận dụng cơ chế đặc thù của Luật Thủ đô năm 2024 để tăng chế tài xử lý vi phạm? Đây là điều rất đáng quan tâm nghiên cứu để bổ sung, hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVIII.
Văn hóa trong kỷ nguyên mới phải được thể hiện toàn diện, đồng bộ trong đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại. Trong đó, tính văn hóa, văn minh, văn hiến được chú trọng cao nhất là nêu cao ý chí tự lực, tự cường dân tộc, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách sát hợp với điều kiện Thủ đô, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ được Trung ương Đảng hoạch định trong Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, đặc biệt là theo chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội (ngày 16-6-2025): “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển đô thị”. Như vậy, đòi hỏi tầm nhìn lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, quản trị xã hội phải chú ý tới việc gắn với văn hóa, sử dụng văn hóa như nguồn lực nội sinh vượt trội, đồng thời tạo ra giá trị văn hóa trong từng lĩnh vực đời sống xã hội hiện nay và tương lai.
Ở phần xác định nhiệm vụ xây dựng, phát triển con người, văn hóa đã nêu khá toàn diện: “Xây dựng con người Hà Nội thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị quốc gia, dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn giá trị truyền thống với giá trị thời đại, được bồi đắp, phát triển bởi nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Giữ gìn, phát huy tinh hoa văn hóa, nâng cao nhận thức, thúc đẩy mạnh mẽ việc xây dựng, thực hiện giá trị, chuẩn mực, đặc trưng người Hà Nội thanh lịch, văn minh trong thời kỳ mới, coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng trong chiến lược phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Điều này vẫn còn chung chung. Tôi cho rằng cần phải cụ thể hóa ở ngay trong nghị quyết bằng những chương trình, đề án rất cụ thể nhằm triển khai các giải pháp, nhất là các giải pháp mang tính đột phá như đề cập ở trên.
Ngoài ra, tôi cho rằng cần cân nhắc làm sâu sắc hơn: Đặt nhiệm vụ xây dựng, phát triển con người và văn hóa Thủ đô trong kỷ nguyên mới, thì văn hóa Thủ đô phải tiêu biểu cho hệ giá trị dân tộc, nổi trội nhất là tính tiên phong, gương mẫu, đổi mới, sáng tạo; mọi thành quả cách mạng, đổi mới, phát triển đều được phản ánh và lắng đọng trong cốt cách người Hà Nội, trong phụng sự nhân dân. Như thế sẽ thể hiện chiều sâu văn hóa đi vào đời sống xã hội và chính trị, nhất là trong bối cảnh thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.