Hà Nội: lấy ý kiến đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học vào dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ Thành phố

Sáng 18/7, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của đại diện chức sắc tôn giáo, văn nghệ sĩ, các nhà khoa học, bí thư đảng ủy, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng, học viện trên địa bàn TP vào dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2025-2030.

Chủ trì hội nghị có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong - Tổ trưởng Tổ Biên tập tổng hợp và xây dựng Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội; Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà; Bí thư Đảng ủy các Trường đại học cao đẳng Hà Nội Nguyễn Thanh Sơn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí chủ trì hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cùng các đồng chí chủ trì hội nghị.

Xây dựng văn kiện đảm bảo chất lượng, yêu cầu, đúng tầm

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, đối với Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ XVIII có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng. Đại hội lần này được chuẩn bị trên tinh thần là vai trò, vị thế và trách nhiệm của Thủ đô đã được T.Ư khẳng định ở nhiều văn bản quan trọng cùng những định hướng của T.Ư đối với Thủ đô trong kỷ nguyên mới.

Vì thế, TP mong muốn các đại biểu đóng góp ý kiến giúp TP Hà Nội xây dựng được một văn kiện đảm bảo chất lượng và yêu cầu đặt ra, đúng tầm một cái văn kiện của Đảng bộ Thủ đô với tư cách là Đảng bộ lớn nhất cả nước.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

Các đại biểu tham dự hội nghị.

“Đầu tiên là đúng tầm. Tầm ở đây là tầm Thủ đô, tầm phải vươn lên để cạnh tranh trong khu vực và trên quốc tế. Tầm ở đây là tầm nhìn đến năm 2030, đến năm 2035 và định hướng đến năm 2045. Bên cạnh đó là đúng vai trò Thủ đô, là động lực, đầu tàu, tạo sức lan tỏa và mang tính chất là dẫn dắt. Đúng vai là Thủ đô của một đất nước 100 triệu dân đang trong quá trình vươn lên phát triển mạnh mẽ. Đồng thời đúng với những định hướng lớn của T.Ư đặt ra; đúng kỳ vọng của các giới, các ngành và Nhân dân Thủ đô” – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nhấn mạnh.

Cũng theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Hà Nội xác định Văn kiện Đại hội phải tổ chức triển khai được và đáp ứng được yêu cầu. Các nhiệm vụ, chỉ tiêu và giải pháp sát thực tiễn và có tính hành động chứ không phải chỉ là mang tính định hướng chung.

“Tổng Bí thư Tô Lâm và T.Ư đã chỉ đạo là Văn kiện phải giống như là văn bia, nhìn vào đó là có thể thấy được phải làm cái gì, làm như thế nào và triển khai ngay được” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu khai mạc hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng cho biết, đi kèm với Văn kiện Đại hội, TP cũng tổ chức triển khai xây dựng nghị quyết đồng thời với xây dựng kế hoạch và chương trình để tổ chức thực hiện ngay để không có khoảng trễ, đảm bảo được tính thống nhất, chỉ đạo của Đảng đối với tất cả các lĩnh vực có liên quan.

Thành phố cũng xác định Văn kiện Đại hội không chỉ để dùng trong hệ thống chính trị và các cơ quan Đảng mà phải thể hiện được hơi thở của cuộc sống, thực tiễn, có nguyện vọng, mong muốn của người dân và doanh nghiệp. Đồng thời đảm bảo khi người dân hay doanh nghiệp, các tổ chức đọc Văn kiện Đại hội sẽ thấy được sự phát triển của TP trong tương lai gần cũng như định hướng cho 10 năm, 20 năm tới. Trên cơ sở đó cũng là một nguồn động lực, một sự hiệu triệu, truyền cảm hứng cho người dân, xã hội để đồng hành cùng với TP trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

"Dự kiến Đại hội lần thứ XVIII Đảng bộ TP sẽ diễn ra vào giữa tháng 10/2025. Khoảng giữa tháng 8, Bộ Chính trị sẽ làm việc và duyệt Đại hội Đảng bộ thành phố, trong đó có văn kiện Đại hội…”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết và đề nghị các đại biểu đóng góp sâu sắc, cụ thể để TP hoàn thiện dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII của Đảng bộ trong tháng 7/2025, gửi xin ý kiến các cơ quan Trung ương và Bộ Chính trị.

Hà Nội phải đi đầu, vượt trội trong các trụ cột phát triển quốc gia

Trao đổi, góp ý vào Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP Hà Nội, các chuyên gia, nhà khoa học nhà khoa học đánh giá cao chất lượng nội dung và hình thức của Dự thảo, cơ bản thể hiện được sự công phu, khoa học của đội ngũ soạn thảo. Đồng thời cho rằng, đây là Dự thảo Văn kiện có tính kế thừa cao, toàn diện và nghiêm túc, bao quát cả bốn nội dung trọng tâm, không chỉ giới hạn trong báo cáo chính trị như nhiều địa phương khác.

Các đại biểu cũng đưa ra các ý kiến góp ý xác đáng, phản ánh tầm nhìn, kỳ vọng và khát vọng phát triển của Thủ đô trong giai đoạn mới. Từ vấn đề thu hút nhân tài, phát triển hạ tầng giao thông, nâng tầm chất lượng tăng trưởng kinh tế, đến kiến nghị cụ thể về Khu công nghệ cao Hòa Lạc... các ý kiến đều hướng đến mục tiêu đưa Hà Nội thực sự trở thành đầu tàu phát triển của cả nước.

GS.TS Lê Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá, Dự thảo Báo cáo Chính trị được xây dựng bài bản, khoa học, nội dung sâu sắc, thể hiện rõ tinh thần đổi mới và khát vọng phát triển một Thủ đô văn hiến, hiện đại, xứng tầm là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước. Theo GS.TS Lê Anh Tuấn, hai trong ba khâu đột phá chiến lược được đề cập trong Dự thảo Văn kiện là “đột phá về nhân lực” và “đột phá về hạ tầng” cần có những nội dung cụ thể, rõ nét hơn. Từ đó, tập trung phân tích hai vấn đề lớn gồm: thu hút nhân tài và phát triển giao thông đô thị thông minh, bền vững.

GS.TS Lê Anh Tuấn nhấn mạnh, thu hút nhân tài trình độ cao cho Hà Nội không thể tách rời với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Hệ sinh thái này bao gồm: khu công nghệ cao, phòng thí nghiệm quốc gia, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, các đại học hàng đầu, quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ…

GS.TS Lê Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Lê Anh Tuấn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Đại học Bách khoa Hà Nội phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời, GS.TS Lê Anh Tuấn cho rằng, các giải pháp nêu trong Dự thảo cần mạnh mẽ hơn để hiện thực hóa mục tiêu này. Một số nội dung trong phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc như hoàn thành giai đoạn 2 và sản xuất sản phẩm công nghệ cao chưa đề cập đến cơ chế phối hợp chặt chẽ với các đại học – nơi tập trung nguồn lực nhân lực và nghiên cứu. Từ đó, GS.TS Lê Anh Tuấn đề xuất Hà Nội cần đầu tư hoặc hợp tác đầu tư trung tâm đổi mới sáng tạo đặt tại các đại học lớn, theo mô hình Melbourne Connect của Úc; xây dựng trung tâm chế thử tại Hòa Lạc với cơ chế hỗ trợ đầy đủ vật tư, điều kiện để các nhóm nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, thực hiện cơ chế đồng tài trợ, đồng hướng dẫn giữa giảng viên đại học và chuyên gia công nghệ cao nhằm thu hút trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Đầu tư vào phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu xuất sắc, gắn với các lĩnh vực ưu tiên như AI, sinh học, bán dẫn.

Liên quan đến phát triển giao thông, GS.TS Lê Anh Tuấn chỉ ra sự chưa đồng bộ trong việc nêu mục tiêu và danh mục dự án. Mục tiêu đặt ra là rất lớn (100% giao thông trung tâm quản lý thông minh, giảm 50% ùn tắc…), song Phụ lục 4 lại chỉ đề cập chuyển đổi xe buýt điện. Từ đó kiến nghị cập nhật danh mục các dự án ưu tiên mới, phản ánh đúng mục tiêu lớn đã đề ra, đặc biệt là các dự án đường sắt đô thị, kết nối liên thông vùng, các hệ thống điều hành giao thông thông minh…

GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước phát biểu tại hội nghị.

Trong khi đó, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước nhận định, phần đánh giá kinh tế trong Dự thảo Văn kiện còn chưa tương xứng so với tiềm lực và vai trò kinh tế của Hà Nội. Theo đó, dù Hà Nội hiện đứng thứ hai cả nước về GDP và đang tiệm cận TP Hồ Chí Minh ở một số chỉ tiêu, song Dự thảo Văn kiện chưa phản ánh đầy đủ thực trạng và lợi thế này. Ngoài ra, Hà Nội hiện là trung tâm tài chính quốc gia với sự hiện diện của nhiều định chế lớn; trong khi TP Hồ Chí Minh hướng đến tài chính quốc tế, Hà Nội cần giữ vững và phát huy vị thế trung tâm tài chính quốc gia.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, mục tiêu tăng trưởng 10,5% là khả thi, tuy nhiên, GRDP/người nên đặt ở mức 13.000–14.000 USD thay vì 12.000 USD như trong Dự thảo Báo cáo Chính trị. Tương tự, mục tiêu tỷ lệ vận tải hành khách công cộng 25–30% vào năm 2030 là quá khiêm tốn, Hà Nội nên mạnh dạn nâng lên mức 30–40% để phù hợp với định hướng phát triển giao thông công cộng và đường sắt đô thị.

Bên cạnh ba khâu đột phá (thể chế - nhân lực - hạ tầng), theo GS.TS Hoàng Văn Cường, nên bổ sung đột phá thứ tư về đô thị, cảnh quan và môi trường. Trong nhiệm kỳ mới, Hà Nội nhất định phải đột phá về đô thị, môi trường, cảnh quan, bởi thực tế đang đặt ra yêu cầu cấp thiết về những vấn đề này. Nếu thành phố tạo đột phá về cải tạo đô thị, cải tạo chung cư cũ, khu phố cổ... thì không những cải thiện được cảnh quan, mà đây còn trở thành nguồn lực to lớn cho Thủ đô phát triển.

Còn PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng, giai đoạn 2026 – 2030 là thời cơ mang tính lịch sử, yêu cầu Hà Nội không chỉ “đi cùng” mà phải “vượt lên” trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các địa phương.

PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.

PGS.TS Trần Đình Thiên – nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách của Thủ tướng phát biểu tại hội nghị.

Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, cả nước đang bước vào vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp với nhiều thay đổi thể chế sâu sắc. Hà Nội cần định hình tầm nhìn phát triển mới với chiến lược đi trước, dẫn dắt và lan tỏa. Cách tiếp cận không thể đi theo logic cũ mà phải từ tương lai, từ yêu cầu của thời đại công nghệ, trí tuệ nhân tạo và toàn cầu hóa.

PGS.TS Trần Đình Thiên cũng dành nhiều kỳ vọng cho Khu công nghệ cao Hòa Lạc và coi đây là biểu tượng của năng lực phát triển mới.Từ đó đề xuất phát triển khu vực này thành Trung tâm đào tạo, phát triển nguồn nhân lực hiện đại; Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, thu hút chuyên gia toàn cầu; Trung tâm sản xuất và sáng tạo công nghệ cao; Khu đô thị thông minh, sáng tạo của khu công nghệ cao.

Để khác biệt, Hà Nội cần thể hiện rõ ràng sự đột biến về chất lượng tăng trưởng, cơ cấu đầu tư, tỷ trọng các ngành chủ lực (kinh tế số chiếm 30% GRDP, công nghiệp văn hóa 8%). “Khung chiến lược của đất nước là nằm ở “Bộ tứ trụ cột”, Hà Nội cũng phải tập trung vào bộ tứ này, tiên phong dẫn dắt cả về công nghệ và hệ giá trị phát triển. Hà Nội phải trở thành cực tăng trưởng mới của quốc gia. Cho nên, Báo cáo chính trị phải thể hiện rõ định hướng phát triển quốc gia, tiên phong dẫn dắt, hội tụ lan tỏa” - PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

Góp ý vào dự thảo, GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho rằng, Hà Nội đang đối diện hàng loạt vấn đề môi trường nghiêm trọng do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa diễn ra nhanh chóng. Cùng với đó là các vấn đề đặt ra trong phát triển không gian xanh…

GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu tại hội nghị.

GS.TS Trần Thanh Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Mỏ - Địa chất phát biểu tại hội nghị.

Từ thực tiễn và phân tích sâu sắc, GS.TS Trần Thanh Hải đề xuất đưa “nâng cao chất lượng môi trường sống” thành một đột phá chiến lược riêng trong Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP bên cạnh các đột phá về thể chế, nhân lực và hạ tầng. Mục tiêu là xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị bền vững, phát triển kinh tế – xã hội hài hòa với môi trường, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện cho các thế hệ.

Theo GS.TS Trần Thanh Hải, trong Dự thảo Báo cáo Chính trị, nên đổi tên nội dung ưu tiên số 4 thành: “Phòng chống và xử lý ô nhiễm môi trường, xây dựng các giải pháp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Để làm được điều này, cần một cách tiếp cận toàn diện, bắt đầu từ quy hoạch đô thị bền vững – tích hợp đồng bộ chiến lược sử dụng tài nguyên, hạ tầng xanh, giao thông bền vững, năng lượng hiệu quả, thoát nước thông minh, xử lý chất thải và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhấn mạnh vai trò của văn hóa và đề xuất đưa nội dung này trở thành một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược của TP trong nhiệm kỳ tới, Nhà thơ Bằng Việt – nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội cho rằng, Hà Nội từ lâu đã được xem là trung tâm văn hóa hàng đầu cả nước với bề dày nghìn năm văn hiến, truyền thống địa linh nhân kiệt và lực lượng trí thức, văn nghệ sĩ hùng hậu. Do đó, nên đưa văn hóa vào nhóm “nhiệm vụ đột phá” của Thủ đô bên cạnh ba đột phá hiện tại. “Văn hóa là tinh túy, cốt lõi để Hà Nội vươn lên, tạo nên bản sắc và thế đứng riêng biệt so với các tỉnh thành khác” - Nhà thơ Bằng Việt nhấn mạnh.

Cũng theo Nhà thơ Bằng Việt, ngoài việc đưa văn hóa thành nhiệm vụ đột phá, trong dự thảo Văn kiện nên làm sâu sắc hơn về chính sách phát triển công nghiệp văn hóa như: xuất bản, điện ảnh, thủ công mỹ nghệ, du lịch văn hóa, thiết kế sáng tạo... “Chúng ta cần một chiến lược văn hóa đủ mạnh để mỗi người dân Hà Nội thấy được vinh dự khi sống trong Thủ đô và biết tận dụng, phát huy văn hóa đó thành sức mạnh lan tỏa cho toàn quốc” - Nhà thơ Bằng Việt bày tỏ.

Tận dụng cơ hội, khắc phục điểm nghẽn để phát triển toàn diện

Phát biểu Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong trân trọng tiếp thu và cảm ơn các đại biểu đã tham gia góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, rất sát, rất trúng với các vấn đề mà TP đang quan tâm, để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Văn kiện Đại hội XVIII Đảng bộ TP.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết: "Chúng tôi còn cảm nhận được sự kỳ vọng, mong muốn của các đại biểu đối với Thủ đô trong giai đoạn mới, đòi hỏi sự bứt phá, quyết liệt hơn, xác định rõ vai trò đầu tàu, xác lập vị thế trong khu vực và quốc tế. Đây là sức ép không nhỏ đặt ra cho thành phố, nhưng là sức ép tích cực”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu trao đổi với các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu trao đổi với các ý kiến của các đại biểu tại hội nghị.

Trao đổi làm rõ thêm các vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định, các ý kiến đại biểu nêu không chỉ được tiếp thu nhằm hoàn thiện Dự thảo Báo cáo chính trị, mà còn tiếp tục được đưa vào các chương trình, kế hoạch thực hiện trong thời gian tới với tinh thần trong kỷ nguyên mới, thời cơ lớn đã mở ra, mặc dù khó khăn, thách thức rất lớn, nhưng Hà Nội phải quyết tâm và không thể bỏ qua.

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong, vừa qua, Hà Nội đã tiến hành sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, từ 526 xã, phường, thị trấn còn 126 xã, phường - tỷ lệ giảm cao nhất cả nước. Tuy nhiên, Hà Nội không sắp xếp cơ học, mà dựa trên định hướng của Trung ương, Bộ Chính trị, sắp xếp dựa trên các quy hoạch chiến lược, tạo không gian phát triển; trong đó, xác định 53 xã, phường vào nhóm trọng điểm. Sau hơn 2 tuần bộ máy mới đi vào vận hành, cơ bản không xảy ra bất kỳ vấn đề gì lớn, phức tạp, nổi cộm, chỉ có những khó khăn, vướng mắc mang tính kỹ thuật.

Đề cập vấn đề phát triển văn hóa mà các đại biểu quan tâm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, thời gian qua, Hà Nội đã tập trung mạnh cho phát triển văn hóa, đưa công nghiệp văn hóa, du lịch văn hóa trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào GRDP ngày càng cao hơn. Chưa bao giờ thành phố quan tâm, đầu tư vào phát triển văn hóa mạnh mẽ và to lớn như nhiệm kỳ vừa qua. Đến nay, Hà Nội cũng là cấp ủy cấp tỉnh đầu tiên và duy nhất đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa. Thành phố cũng quán triệt rõ tinh thần, không đánh đổi văn hóa, môi trường lấy tăng trưởng, phải phát triển bền vững; đồng thời, phát triển văn hóa gắn với công nghiệp văn hóa.

Đối với vấn đề phát triển sông Hồng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, vừa qua, khi sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội đã thành lập phường Hồng Hà trải dài khu vực hai bên sông Hồng như hình con cá chép dài 16km nhằm tăng cường quản lý và hiện thực hóa phát triển đô thị hai bên sông Hồng, trước hết tập trung cho đoạn từ cầu Nhật Tân đến cầu Vĩnh Tuy; thực hiện quan điểm chỉ đạo mang tính lịch sử của Bộ Chính trị trong định hướng phát triển Thủ đô, chuyển từ quay lưng ra sông Hồng trước đây thành quay mặt ra sông, phát triển mạnh hai bên bờ sông Hồng.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, trong giải quyết những vấn đề đặt ra như ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông..., thành phố xác định các giải pháp phải rất thực tế và biện chứng, trong đó có những vấn đề được xác định giải quyết không chỉ trong một nhiệm kỳ. Đối với vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường, thành phố đang triển khai quyết liệt. Trước mắt, từ nay đến cuối năm, thành phố xử lý dứt điểm ô nhiễm sông Tô Lịch, tiếp đến là hệ thống các sông nội đô như sông Lừ, sông Sét, còn ở phía Bắc là sông Cầu Bây gắn với hệ thống Bắc Hưng Hải. Những nội dung này đều đã có kế hoạch gắn với các dự án cụ thể.

“Như các đại biểu đề cập, phát triển Thủ đô không chỉ là vấn đề môi trường, mà còn là văn hóa, lịch sử và nhiều yếu tố khác, nhưng thành phố xác định sẽ làm sạch các dòng sông, trước mắt làm sạch sông Tô Lịch. Đây là cam kết của lãnh đạo thành phố với nhân dân, một sản phẩm cụ thể để chứng minh rằng, tất cả mọi hoạt động của hệ thống chính trị đều vì mục tiêu nâng cao đời sống người dân về mọi mặt. Chính vì thế, tiêu đề của Báo cáo chính trị có nội dung "xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, nhân dân hạnh phúc"" - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội bày tỏ hy vọng, để đạt được mục tiêu lớn này, TP Hà Nội tiếp tục nhận được sự chia sẻ, ủng hộ, góp ý, đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo, lãnh đạo các trường trên địa bàn thành phố, cùng chung tay xây dựng Thủ đô của chúng ta đẹp hơn, phát triển hơn, xứng đáng hơn với vai trò, vị thế là Thủ đô của cả nước.

Trần Long - Ảnh: Quang Thái

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-lay-y-kien-dai-dien-chuc-sac-ton-giao-van-nghe-si-cac-nha-khoa-hoc-vao-du-thao-van-kien-dai.774676.html