Góp ý sách giáo khoa mới năm học 2024-2025: Khách quan, trách nhiệm

Theo lộ trình, 3 khối lớp cuối cùng đang học Chương trình giáo dục phổ thông 2006 gồm 5, 9 và 12 sẽ thực hiện chương trình mới kể từ năm học 2024-2025. Cùng với cả nước, ngành Giáo dục tỉnh Gia Lai cũng đang triển khai cho giáo viên tham gia góp ý trực tiếp các bản mẫu sách giáo khoa (SGK) đảm bảo khách quan, đúng tiến độ.

Từ khi nhận được ý kiến chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP. Pleiku và Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư), thầy Đinh Việt Thanh đã tập trung nghiên cứu, góp ý cho bản mẫu SGK môn Mỹ thuật lớp 5 của 3 bộ sách: Cánh Diều, Kết nối tri thức với cuộc sống và Chân trời sáng tạo (bản 1 và bản 2).

Là người đã giảng dạy bộ môn này 16 năm, cộng với việc từng tham gia góp ý bản mẫu SGK theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các khối 1, 2, 3, 4 những năm trước, thầy Thanh có phần thuận lợi hơn trong quá trình góp ý bản mẫu SGK lớp 5 mới lần này.

Thầy Đinh Việt Thanh-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK mới môn Mỹ thuật lớp 5 trên website của các nhà xuất bản. Ảnh: Mộc Trà

Thầy Đinh Việt Thanh-giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (phường Hoa Lư, TP. Pleiku) nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK mới môn Mỹ thuật lớp 5 trên website của các nhà xuất bản. Ảnh: Mộc Trà

Thầy Thanh chia sẻ: Qua nghiên cứu, tôi nhận thấy các bản mẫu SGK môn Mỹ thuật lớp 5 đều được biên soạn đảm bảo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và có sự kế thừa từ chương trình hiện hành, chẳng hạn như các hoạt động vẽ tranh, vẽ trang trí, vẽ theo mẫu, tập nặn tạo dáng, thường thức mỹ thuật… Tuy nhiên, ở chương trình mới, học sinh được tạo hình nhiều hơn với các sản phẩm thủ công, vật liệu dễ tìm, vật liệu tái chế; giúp các em phát triển kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình và chủ động, sáng tạo hơn trong học tập; đồng thời, tạo điều kiện cho giáo viên trong việc đổi mới phương pháp, hình thức dạy học cũng như chọn mục tiêu bài học phù hợp với năng lực của bản thân lẫn học sinh.

“Bên cạnh những ưu điểm trên, theo quan điểm của tôi, vài bản mẫu SGK Mỹ thuật có một số bài học phần gợi mở sáng tạo chưa phù hợp với chủ đề bài học; một số hình ảnh còn xa lạ với học sinh địa phương. Những nội dung này, tôi cũng đã góp ý cụ thể và gửi cho bộ phận tổng hợp. Mong rằng, trên cơ sở ý kiến của giáo viên, các nhà xuất bản sẽ có sự chọn lọc và điều chỉnh phù hợp”-thầy Thanh kỳ vọng.

Tương tự, cô Dương Hải Yến-giáo viên Ngữ văn, Trường THCS và THPT Kpă Klơng (xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) cũng đề cao tinh thần trách nhiệm khi góp ý bản mẫu SGK mới lớp 9. “Để góp ý được sát nhất, tôi dành thời gian đọc thật kỹ các bản mẫu. Trên cơ sở nghiên cứu và kinh nghiệm thông qua quá trình giảng dạy chương trình mới đối với lớp 7 và 8, tôi bắt đầu đối chiếu với mục tiêu cần đạt của chương trình tổng thể để xem bản mẫu SGK đó đã đảm bảo hay chưa. Ngoài ra, tôi cũng chú trọng đến phương diện từ ngữ sử dụng có dễ hiểu; hình ảnh, cách trình bày có phù hợp với học sinh hay không”-cô Yến chia sẻ.

Thầy Nguyễn Ngọc Sơn-Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Kpă Klơng-cho biết: Là đơn vị có 2 bậc học, vì vậy, Ban Giám hiệu nhà trường đặc biệt chú trọng đến việc tham gia góp ý bản mẫu SGK mới theo lộ trình. Năm nay, khi nhận được văn bản góp ý bản mẫu SGK lớp 9 và 12, nhà trường đã tổ chức họp với giáo viên để phổ biến văn bản; lựa chọn, phân công nhiệm vụ cho giáo viên có kinh nghiệm tham gia góp ý bản mẫu tương ứng với các bộ môn được giao; đồng thời, hướng dẫn, đôn đốc họ triển khai nhiệm vụ một cách khoa học, trách nhiệm và đảm bảo tiến độ thời gian theo yêu cầu của ngành.

Trường THCS và THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang) họp triển khai việc góp ý bản mẫu SGK mới năm học 2024-2025. Ảnh: M.T

Trường THCS và THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang) họp triển khai việc góp ý bản mẫu SGK mới năm học 2024-2025. Ảnh: M.T

Trao đổi với P.V, ông Trần Bá Công-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT-cho hay: Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, Sở đã lần lượt ban hành các văn bản về tổ chức nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK các lớp 5, 9 và 12 nhằm bảo đảm chất lượng các bản mẫu SGK biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời giúp giáo viên sớm tiếp cận với các bản mẫu này.

Theo đó, đối với lớp 5, Sở yêu cầu các phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục triển khai cho giáo viên (được chọn góp ý) nghiên cứu, góp ý bản mẫu SGK (định dạng PDF) qua website của các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết; cung cấp thông tin về tài khoản cho giáo viên tham gia góp ý để đăng nhập website và góp ý các bản mẫu SGK.

Đối với lớp 9, trên cơ sở số lượng giáo viên được phân bổ để góp ý các môn học/hoạt động giáo dục, các đơn vị chọn cử giáo viên có kinh nghiệm, trực tiếp giảng dạy các môn học/hoạt động giáo dục ở lớp 6, 7, 8 để giao tài khoản và hướng dẫn giáo viên sử dụng tài khoản đăng nhập vào website của các tổ chức, nhà xuất bản để thực hiện nghiên cứu, góp ý các bản mẫu SGK (định dạng PDF) từ ngày 22-11 đến 5-12. Riêng đối với lớp 12, Sở vừa có công văn yêu cầu các trường THPT tổ chức cho giáo viên dự kiến dạy lớp 12 năm học 2024-2025 góp ý SGK và gửi về Sở trước ngày 10-12.

“Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các nhà trường đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu SGK vào sinh hoạt tổ chuyên môn để chuẩn bị đề xuất lựa chọn SGK; thông báo cho tất cả giáo viên, cán bộ quản lý tìm hiểu, góp ý các bản mẫu SGK (định dạng PDF) đã được các tổ chức biên soạn SGK hoàn thiện, đưa lên mạng trước khi in và phát hành”-Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin thêm.

MỘC TRÀ

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/gop-y-sach-giao-khoa-moi-nam-hoc-2024-2025-khach-quan-trach-nhiem-post258049.html