Góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Quảng cáo và Luật Việc làm
Ngày 2/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội nghị đóng góp ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).

Các đại biểu tham gia góp ý dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, các đại biểu cơ bản thống nhất với nội dung dự thảo Luật, đánh giá dự thảo phù hợp thực tiễn, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý trên lĩnh vực quảng cáo.
Trưởng phòng Quản Văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh) Trần Thanh Thảo đề xuất tại khoản 21, Điều 1 dự thảo Luật về sửa đổi bổ sung điểm c, khoản 1, Điều 36 đối với quy định Đoàn người thực hiện quảng cáo, hội thảo, hội nghị, hội chợ, triển lãm, tổ chức sự kiện, vật thể quảng cáo, đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ trong Luật về thành phần hồ sơ và trình tự thông báo việc tổ chức đoàn người thực hiện quảng cáo giống như quảng cáo trên biển, bảng quảng cáo, băng rôn, nghĩa là phải có văn bản chứng minh tính hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm quảng cáo và phải có maket hoặc mô tả trang phục đoàn người thực hiện quảng cáo.
Đối với khoản 22, Điều 1 dự thảo Luật quy định sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 37 về quy hoạch quảng cáo ngoài trời, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về công tác tuyên truyền cổ động trực quan hoặc giao thêm thẩm quyền quản lý nhà nước về tuyên truyền cổ động trực quan trên địa bàn quản lý cho UBND cấp tỉnh, vì ở địa phương, không riêng ngành Văn hóa làm công tác tuyên truyền trực quan, các ngành khác cũng có thể thực hiện pano, băng rôn… và không có văn bản quy định nên có tình trạng khá tùy tiện. Ngành Văn hóa muốn tham mưu UBND tỉnh quản lý nhưng không có văn bản pháp lý làm cơ sở.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị cần cân nhắc bỏ hoặc có hướng dẫn, quy định chi tiết đối với cụm từ “Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng”. Đối với việc quảng cáo sản phẩm hàng hóa đặc biệt có liên quan sức khỏe con người và môi trường, đại biểu cho rằng cần phải có quy định cụ thể về việc thể hiện rõ nội dung quảng cáo trên bao bì; đối với quy định “Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam”, cần có quy định chi tiết vì mỗi vùng, miền có truyền thống lịch sử, văn hóa khác nhau, quy định chung chung rất khó để xác định. Ngoài ra, dự thảo Luật cần quy định rõ việc thông báo trước việc mình thực hiện hoạt động quảng cáo là thời gian nào, hình thức thông báo và thông báo cho ai, đề nghị bổ sung quy định phân biệt giữa nội dung quảng cáo với thông tin tuyên truyền trên các nền tảng xã hội, đề xuất chính sách khuyến khích quảng cáo sáng tạo…

Đại biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Đối với dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), đa số đại biểu cho rằng dự thảo Luật đã đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động việc làm trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh cả nước đang thực hiện quyết liệt công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại thị trường lao động và giải quyết các vấn đề xã hội liên quan.
Đóng góp quy định tại Điều 13 dự thảo Luật về Chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động là thanh niên, Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long Trần Công Khánh đề xuất cần bổ sung thêm đối tượng là dân quân tự vệ tại địa phương, thanh niên hoàn thành chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung thêm chính sách hỗ trợ việc làm cho người lao động trong bối cảnh già hóa dân số, sắp xếp tinh gọn lại bộ máy để phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội hiện nay.
Tại hội nghị, các đại biểu cũng đóng góp nhiều ý kiến đối với quy định chính sách hưởng trợ cấp thất nghiệp, trong đó đề xuất cân nhắc kỹ quy định tại Điều 44 về “Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 44 tháng thì không được bảo lưu”. Đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp, cần cân nhắc kỹ đảm bảo nguyên tắc “có đóng, có hưởng”. Đại biểu đề xuất xem xét Điều 45 quy định “hàng tháng người lao động phải trực tiếp đến tổ chức dịch vụ việc làm công nơi đang hưởng trợ cấp thất nghiệp để thông báo tìm kiếm việc làm”, cần bổ sung thêm hình thức trực tuyến để phù hợp với sự phát triển của cải cách hành chính hiện nay và thuận tiện cho người lao động. Ngoài ra, đại biểu đề xuất nên có chính sách khuyến khích việc làm về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, bổ sung hành vi cầm đối với hành vi lợi dụng dịch vụ việc làm đưa người lao động đi làm trái phép ở nước ngoài.