Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013
Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã công bố dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 để tổ chức lấy ý kiến Nhân dân trong 30 ngày. Báo Pháp luật Việt Nam mở chuyên mục 'Góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013' để ghi nhận ý kiến của Nhân dân.

Luật sư Bùi Bảo Ngọc - Công ty TNHH Akari Law Việt Nam.
Luật sư Bùi Bảo Ngọc - Công ty TNHH Akari Law Việt Nam:
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp để đáp ứng yêu cầu tinh gọn bộ máy
“Tính đến thời điểm hiện tại, Hiến pháp 2013 ban hành được 12 năm, có nhiều giá trị vẫn còn nguyên vẹn. Bản Hiến pháp này mang nhiều thành tựu, là nỗ lực của các nhà lập pháp, các chuyên gia cùng với sự đóng góp ý kiến của các cơ quan, tổ chức, Nhân dân, mang tính trí tuệ Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng trước yêu cầu cấp thiết tinh gọn bộ máy hiện nay, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013”, Luật sư Ngọc nêu quan điểm.
Theo đó, khoản 1 Điều 110 Hiến pháp 2013 quy định: “Nước chia thành tỉnh, TP trực thuộc Trung ương; Tỉnh chia thành huyện, thị xã và TP thuộc tỉnh; TP trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện, thị xã và ĐVHC tương ứng; Huyện chia thành xã, thị trấn; thị xã và TP thuộc tỉnh chia thành phường và xã; quận chia thành phường”.
Do thay đổi về sắp xếp bộ máy hành chính, sắp tới các tỉnh được sáp nhập, bỏ cấp huyện, sáp nhập nhiều xã, phường dưới sự quản lý của cấp tỉnh nên cần thiết phải sửa đổi Hiến pháp để đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới.
“Với trọng tâm là sắp xếp bộ máy hành chính tại địa phương mà vẫn đạt được năng suất hiệu quả, nhanh chóng, tiết kiệm ngân sách nhà nước, phù hợp với yêu cầu Kết luận đề ra thì chúng tôi tán thành việc sửa đổi, bổ sung tập trung chủ yếu vào Chương IX Chính quyền địa phương. Cụ thể, chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 110 như sau:
“1. Các ĐVHC của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được phân định như sau: Nước chia thành tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
Tỉnh, TP trực thuộc Trung ương chia thành xã, phường, thị trấn và ĐVHC tương đương; ĐVHC - kinh tế đặc biệt do QH thành lập.
2. Việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới ĐVHC phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương và theo trình tự, thủ tục do luật định”. Việc sửa đổi khoản 1 Điều 110 trong Hiến pháp là căn cứ pháp lý để sáp nhập, tinh gọn thành 2 cấp chính quyền tại địa phương. Sửa đổi nêu trên đáp ứng được yêu cầu sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã, bãi bỏ cấp huyện theo tinh thần các kết luận của Trung ương”, LS Ngọc nêu.
Cũng theo LS Ngọc: Mô hình thí điểm chính quyền đô thị được đề xuất chấm dứt, để tăng tính phân cấp, nhiệm vụ, quyền hạn của UBND được rõ ràng, rành mạch cần cải cách quy định về HĐND, UBND tại cấp xã theo hướng tinh gọn hơn, theo đó gợi mở sửa đổi Điều 111 như sau: “1. Chính quyền địa phương được tổ chức ở các ĐVHC của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2. Chính quyền địa phương gồm có HĐND và UBND được tổ chức ở ĐVHC phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, ĐVHC - kinh tế đặc biệt do QH quy định”.
“Việc sửa đổi, bổ sung một số điều Hiến pháp là để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới”, Luật sư Bùi Bảo Ngọc nói.