Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần bổ sung Chánh án, Viện trưởng Viện KSND vào diện chất vấn

Nhiều đại biểu đề nghị bổ sung quy định đại biểu HĐND chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND và Thủ trưởng cơ quan thi hành án các địa phương.

Chiều 16/5, Hội LHPN Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013.

Góp ý về nội dung dự thảo, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho rằng, cần xem lại cụm từ “trực thuộc” tại khoản 2, Điều 9 của dự thảo.

Khoản 2, Điều 9, dự thảo Nghị quyết:

2. Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên tổ chức mình; được tổ chức và hoạt động thống nhất trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; cùng với các tổ chức thành viên khác của Mặt trận hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Theo ông Trường, từ “trực thuộc” theo giải thích của nhiều từ điển là “chịu sự lãnh đạo trực tiếp vào một chủ thể cấp trên”.

Câu hỏi đặt ra với địa vị pháp lý là một chủ thể trực thuộc thì tổ chức và hoạt động của 5 tổ chức (gồm Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam) có còn bảo đảm được những đặc trưng bản chất của mỗi tổ chức. Đó là thành lập tự nguyện, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của thành viên, hội viên và hoạt động trên nguyên tắc hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động trong MTTQ Việt Nam không?

Toàn cảnh hội nghị chiều ngày 16/5

Toàn cảnh hội nghị chiều ngày 16/5

Đồng quan điểm, ông Đặng Đình Luyến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng dự thảo Nghị quyết sử dụng cụm từ "trực thuộc" là chưa chính xác; chưa thống nhất với các quy định khác trong dự thảo nghị quyết về mối quan hệ của các tổ chức Chính trị - xã hội với MTTQ Việt Nam là tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.

Ông Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo sửa lại như sau: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHPN Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức Chính trị - xã hội, là các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam.”

Trong khi đó, TS. Nguyễn Văn Pha, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, cụm từ “trực thuộc" MTTQ Việt Nam là vấn đề rất mới. Đây là chủ trương của cơ quan có thẩm quyền nhằm tinh gọn bộ máy tổ chức của MTTQ Việt Nam và các tổ chức Chính trị- xã hội.

Theo ông Pha, khái niệm “trực thuộc” thông thường được hiểu là mối quan hệ cấp trên - cấp dưới trực tiếp và thường được sử dụng trong quan hệ hành chính, kinh tế. Vì thế, ông đề nghị cần cân nhắc thấu đáo khi sử dụng từ này để đảm bảo tính chất cốt lõi của tổ chức Mặt trận là tự nguyện, hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động giữa các thành viên” (khoản 2 Điều 4 Luật MTTQ Việt Nam).

Cần có cơ chế giám sát Chánh án TAND

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đề nghị cần có cơ chế giám sát đối với các cơ quan tố tụng.

Khoản 2 Điều 115 Hiến pháp sửa đổi, bổ sung như sau:

“2. Đại biểu Hội đồng nhân dân có quyền chất vấn Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên khác của Ủy ban nhân dân và người đứng đầu cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân. Người bị chất vấn phải trả lời trước Hội đồng nhân dân”.

Ông Đặng Đình Luyến cho rằng, dự thảo không còn quy định đại biểu HĐND được chất vấn Chánh án TAND các địa phương nữa. Ông Luyến đề nghị Cơ quan soạn thảo nêu rõ lý do vì sao không giao cho đại biểu HĐND chất vấn.

Nếu không giao cho đại biểu HĐND chất vấn, thì sẽ thay thế hình thức chất vấn Chánh án TAND các địa phương bằng hình thức giám sát gì? Cơ quan, cá nhân nào có thẩm quyền thực hiện giám sát hoạt động của Chánh án TAND thay cho hình thức đại biểu HĐND chất vấn.

Ông Nguyễn Văn Pha cũng đề nghị tiếp tục quy định đại biểu HĐND có quyền chất vấn Chánh án TAND, Viện trưởng Viện KSND khoản 2 Điều 115 của Hiến pháp 2013.

Bên cạnh đó, người đứng đầu cơ quan thi hành án cũng cần được đưa vào là đối tượng chất vấn của đại biểu HĐND. Bởi thi hành án là khâu cuối cùng của quá trình tố tụng, một bản án dù hay, dù đúng đến đâu mà khâu thi hành án không tốt thì bản án đó cũng vô nghĩa, ông Pha nói.

Thanh Hiếu

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/gop-y-sua-doi-hien-phap-can-bo-sung-chanh-an-vien-truong-vien-ksnd-vao-dien-chat-van-post1742928.tpo