Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân
Ngày 20/5, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Quang cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe thông báo dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này tập trung vào 8/120 điều của Hiến pháp năm 2013, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng về sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ; hoàn thiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo hướng gần dân, sát dân, phục vụ nhân dân tốt hơn.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu đã tích cực nghiên cứu nội dung, tham gia đóng góp nhiều ý kiến cụ thể, chất lượng. Các đại biểu đồng tình, thống nhất cao với dự thảo Nghị quyết, khẳng định việc sửa đổi Hiến pháp là cần thiết để đưa đất nước ngày càng phát triển, giàu mạnh.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Thái Bình Vũ Thanh Vân phát biểu.
Ông Nguyễn Bá Côn, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận) cho biết, hoạt động lấy ý kiến nhân dân về sửa đổi Hiến pháp lần này là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện sự dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân. Ông nhất trí với chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, sắp xếp cơ quan của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Góp ý vào nội dung của dự thảo, ông Trần Bá Côn cho rằng, nên bỏ từ "phát huy", "tăng cường" tại khổ số 2, khoản 1, Điều 9, đây là những từ mang tính khẩu hiệu, cần khẳng định Mặt trận Tổ quốc là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, thể hiện quyền làm chủ của nhân dân. Còn tại khoản 1, Điều 110, ông Côn cho rằng, cần nêu rõ các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương là cấp gì để cụ thể, mang tính luật định.

Bà Đỗ Thị Lý, Trưởng ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình phát biểu.
Góp ý vào Điều 115 của dự thảo, bà Đỗ Thị Lý, Trưởng Ban Pháp chế, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình cho rằng, ngoài việc giữ nguyên quyền được chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chủ tịch Ủy ban nhân dân, các thành viên của Ủy ban nhân dân, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quy định tại Khoản 2, cần mở rộng thêm đối tượng chất vấn là Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự. Điều này thể hiện việc kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, lập pháp, hành pháp và tư pháp, bên cạnh đó còn thể hiện vai trò của đại diện cử tri, có ý kiến với các vụ án, vụ việc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm phát biểu.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình Phạm Văn Nghiêm và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vũ Thanh Vân đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của các đại biểu với những ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn và có chất lượng. Những ý kiến này sẽ được Mặt trận Tổ quốc tỉnh tổng hợp đầy đủ, báo cáo cấp có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.