Góp ý về Đề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội

Sau khi nhận được Văn bản số 221/VPCP-TCCV ngày 8/1/2019 của Văn phòng Chính phủ về việc lấy ý kiến về Đề án thí điểm quản lý mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội và dự thảo Đề án kèm theo, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 168/BXD-PTĐT gửi Văn phòng Chính phủ.

Ảnh minh họa (Nguồn: Zing.vn)

Theo đó, Bộ Xây dựng cơ bản thống nhất mục tiêu thực hiện Đề án nhằm xây dựng bộ máy chính quyền đô thị TP Hà Nội tinh gọn, hoạt động hiệu quả; hợp nhất các cơ quan quản lý (chức vụ Bí thư, Chủ tịch); quản lý theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển và quản lý trong thời kỳ mới; Đề án được triển khai thực hiện phù hợp với Kết luận số 22-KL/TW ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020.

Thống nhất phương án 1, phương án xây dựng mô hình 2 cấp chính quyền gồm thành phố và quận, huyện, thị xã; một cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Đây là mô hình quản lý phù hợp với tính chất và chức năng của đô thị, đồng thời cũng đã được tổng kết thí điểm thực hiện trong nhiều năm chương trình “Không tổ chức thí điểm Hội đồng nhân dân tại các quận, huyện, phường”.

Bộ Xây dựng cơ bản ủng hộ các đề xuất đổi mới cơ chế, chính sách phân cấp giữa Chính phủ, các bộ ngành trung ương với chính quyền thành phố và giữa các cấp hính quyền TP Hà Nội, Bộ Xây dựng đề nghị cân nhắc, xem xét các nội dung sau:

Về điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chung thành phố, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng cấp quốc gia. Đề nghị UBND TP Hà Nội cần làm rõ các trường hợp điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung: Đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật của dự án đầu tư xây dựng trọng điểm (trong quá trình nghiên cứu chi tiết xuất hiện những yêu cầu phải được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung để đảm bảo tính pháp lý và tính thống nhất ở các cấp độ quy hoạch. Trường hợp có thể xem xét ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ sau khi có ý kiến của các Bộ chuyên ngành); Điều chỉnh chức năng sử dựng đất của các khu chức năng, có yếu tố ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, môi trường. Trường hợp này cần có ý kiến thống nhất chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trước khi ủy quyền phê duyệt cho UBND TP Hà Nội.

Về xã hội hóa trong công tác lập quy hoạch: Đối với trách nhiệm và thẩm quyền tổ chức lập quy hoạch phải đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, đảm bảo sự minh bạch, công khai của công tác lập quy hoạch.

Về nhà ở và thị trường Bất động sản: Hiện nay các nội dung đề xuất trong đề án về lĩnh vực nhà ở như ủy quyền cho phép điều chỉnh nhà ở Thương mại sang nhà ở xã hội; Ủy quyền quyết định lựa chọn chủ đầu tư đối với các dự án nhà ở xã hội, xây dựng lại chung cư cũ; Ủy quyền thẩm định, chấp huận đầu tư đối với các dự án 2500 căn đều được quy định tại các Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 100/2015/NĐ-CP về thi hành Luật Nhà ở. Do vậy đề nghị cần rà soát báo cáo Chính phủ xin phép về việc ủy quyền của Chính phủ cho UBND TP Hà Nội, trên cơ sở đó để điều chỉnh các Nghị định có liên quan.

Bên cạnh đó, các đề xuất phân cấp ủy quyền đối với các nội dung khác, Bộ Xây dựng cũng đề nghị xem xét tính thống nhất với các văn bản khác như: Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở, đồng thời có đánh giá 5 năm thi hành Luật Thủ đô để tránh trồng chéo giữa các Luật.

Khánh An

Theo

Link gốc:

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/quy-hoach-kien-truc/gop-y-ve-de-an-thi-diem-quan-ly-mo-hinh-chinh-quyen-do-thi-tai-tp-ha-noi.html