Gót sen
Nói đến đôi bàn chân đẹp của người phụ nữ, người ta dùng từ 'gót sen'. Văn chương cũng thế: 'Gót sen thoăn thoắt dạo ngay mái tường' (Truyện Kiều). Nhưng gắn với tục 'bó chân' xưa kia để có mỹ từ 'gót sen' là cả pho sử khổ đau với người phụ nữ Trung Hoa!
Truyền thuyết kể tục bó chân có từ thời Hán Thành đế (51 TCN – 18 tháng 3, 7 TCN). Khi ấy có nàng phi Triệu Phi Yến mỗi lần múa cho vua xem thường dùng dải lụa bó vào đôi bàn chân nhỏ xinh đẹp thanh thoát của mình như cánh sen bay lượn. Hán Thành đế quá thích, xuống chiếu cho phụ nữ cả nước bó chân để có đôi bàn chân nhỏ đẹp. Khi tập tục bó chân hình thành, ai có được đôi bàn chân nhỏ gọn xem đó là nét đẹp kiêu sa. Nhà vua gọi đôi bàn chân của Triệu Phi Yến là “Kim liên tam thốn” (Gót sen ba tấc). Từ đó, các cung phi, mỹ nữ trong cung thi nhau bó chân, rồi lan tỏa ra dân thường. Người phụ nữ bó chân được đánh giá là thành phần đoan trang, hiền thục. Bó chân từ khi bé gái mới lên 5, lên 6 tuổi. Bàn chân ba tấc khoảng 7, 8 cm, nhỉnh hơn bao thuốc lá một tí, xem như đạt tiêu chuẩn “sen vàng”, lớn hơn tí được coi là “sen bạc”.(1)
Khi tôi đọc truyện Gót sen ba tấc của Phùng Ký Tài(2) (bản tiếng Việt của nữ dịch giả Phạm Tú Châu), mới thấy sự quái dị của tầng lớp thượng lưu và hành trình “bó chân” rùng rợn để được lấy chồng giàu của người phụ nữ xưa kia. Truyện với hai chủ đề chính: Thật giả trong mua bán tranh nghệ thuật và hủ tục bó chân. Không gian truyện xoay quanh gia đình Đồng Nhẫn An, nhân vật xếp vào hàng “Thiên Tân tứ tuyệt” – “tuyệt” ở đây chỉ loại người ăn chơi nổi tiếng với những quái chiêu khó ai làm được. Tất cả những phụ nữ trong nhà Đồng Nhẫn An từ vợ đến con gái, con dâu, người hầu đều thực hiện bó chân. Nhân vật chính về chuyện bó chân trong gia đình này là Qua Hương Liên.
Hương Liên là cô bé nhà nghèo, mồ côi cha mẹ từ bé, ở với bà. Khi mới lên 7 tuổi, bà đã bó chân cho Liên để sau có đôi bàn chân tuyệt đẹp, đạt đủ tiêu chí đôi gót sen tuyệt kỹ, làm cho mọi người say mê. Tác giả miêu tả từng bước bó chân để có đôi bàn chân dài khoảng 10cm – nhỉnh hơn điếu thuốc một tí, lúc nào cũng bó vải kín bít, trừ lúc vệ sinh, thay vải bó mới, với cái mùi khó chịu bốc ra thì có gì hấp dẫn trong đó mà Qua Hương Liên đã trở thành người thắng cuộc, nắm giữ mọi quyền hành trong gia đình nhà chồng? Đôi bàn chân của Liên trở thành cái thú hấp dẫn đến nỗi một hôm, lúc cô đang ngủ, có người lẻn vào phòng “nắn chân cô”, y “ấn mỗi bên tay một ngón vào hai ngón chân cái của cô, hai ngón tay khác vòng ra sau gót, những ngón tay còn lại khẽ xoa lòng bàn chân, nhưng cô không thấy buồn; ngược lại, thấy khoan khoái khôn tả. Sau đó người ấy đổi cách: ngón tay cái đặt trên mu bàn chân, mấy ngón kia vòng xuống dưới ép chặt lấy bốn ngón chân bị bẽ quặp vào lòng bàn chân, rồi thả ra, thả ra rồi ép chặt, cứ như thế, dường như có cách thức hẳn hoi […] Khi cô hé mắt ra chợt hết hồn. Chính ông bố chồng Đồng Nhẫn An! Lão già lim dim mắt, mặt như say…”.
Để có được đôi bàn chân nhỏ với hình dáng kỳ quái như vậy, người phụ nữ phải trải qua quá trình bó chân cực kỳ công phu và đau đớn. Tác giả tường thuật tỉ mỉ: “Quy trình bó chân được bà ngoại Qua Hương Liên tiến hành như sau: một cặp gà trống hoa mơ, giữa sân bày bàn thấp, ghế con, dao phay, kéo, hộp phèn, hộp đường, ấm nước, bông, giẻ rách, dây vải, kim chỉ... Bà mổ bụng hai con gà, nhanh chóng nhúng hai bàn chân bé Hương Liên vào bụng gà, lúc con gà còn giãy đành đạch, ngâm cho máu nóng ngấm đều, kéo chân ra lau sạch. Tách riêng ngón chân cái ra, bốn ngón chân còn lại bẻ gập về phía gan bàn chân, xương gãy “rắc”, lấy vải bó bốn ngón chân quặp vào lòng bàn chân thít chặt nhiều vòng, rồi lấy kim khâu kín, các cơ chân không nhúc nhích được. Những ngày tiếp theo, đôi bàn chân đứa bé sưng tấy lên, nhức nhối, đau đớn. Nhưng bà vẫn lạnh lùng đến ghê sợ bắt Hương Liên phải tập đi trong tình trạng đôi bàn chân đau buốt đến tận xương tủy, không đi thì bị đánh đập không thương tiếc, đánh để buộc phải đứng dậy mà đi. Bà còn nhặt ít mảnh bát vỡ, đập vụn ra, đệm dưới bàn chân khi bó lại. Hễ em bước đi, mảnh bát vỡ cứa nát chân em. Đến nỗi mấu cán chổi của bà có vụt đen đét như thế nào, Hương Liên cũng không chịu nhúc nhắc nữa. Bị đòn còn hơn chân bị cứa đau. Bàn chân nát bó kín trong đám vải vỡ mủ ra. Mỗi lần thay vải bó, bao giờ bà cũng phải lôi tuột cả máu mủ lẫn thịt thối. Thực ra đó là cách bó chân có từ lâu đời ở nông thôn miền Bắc. Thịt có rữa, xương có gãy mới có thể thay hình đổi dạng như ý muốn”.
Hủ tục bó chân để có “gót sen ba tấc” của người phụ nữ Trung Hoa kéo dài trên 2.000 năm làm trò tiêu khiển cho nam giới quả là hiện tượng quái dị có một không hai trong lịch sử loài người. Nhìn vào đôi bàn chân ấy mới thấy ghê rợn!
(1) Có tham khảo Phù Việt Trang – cand.com.vn/doi-song-van-hoa; (2) Phùng Ký Tài, sinh năm 1942, tiểu thuyết gia tên tuổi thuộc thế hệ thứ 5 của Trung Quốc. Gót sen ba tấc là chủ đề suy ngẫm lại về văn hóa. Tác phẩm nằm trong bộ ba tiểu thuyết của ông: Roi thần (1984), Gót sen ba tấc (1986) và Âm dương bát quái (1988).
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/got-sen-98375.html