'Grab đầu tư 500 triệu USD vì nhìn thấy nhiều tiềm năng ở Việt Nam'
Grab vừa công bố khoản đầu tư 'khủng' 500 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Báo Công Thương điện tử đã có cuộc phỏng ông Jerry Lim - Giám đốc Grab Việt Nam - về quyết định này và chiến lược đầu tư của Grab tại Việt Nam trong tương lai.
Khi mà hệ thống về pháp luật, chính sách của Việt Nam đối với các ứng dụng công nghệ chưa rõ ràng thì quyết định đầu tư một con số “khủng” 500 triệu USD vào thị trường liệu có quá mạo hiểm, thưa ông?
Chúng tôi luôn xem Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng nhất cho danh mục đầu tư của Grab tại Đông Nam Á. Quyết định đầu tư vào thời điểm này được công bố vì chúng tôi nhìn thấy nhiều tiềm năng ở thị trường Việt Nam.
Thị trường Việt Nam có dân số khá trẻ và tương đối cởi mở với công nghệ, luôn hào hứng với các sản phẩm mới và công nghệ mới. Khi vào Việt Nam, Grab không chỉ đầu tư vào dịch vụ cốt lõi từ trước đến nay đó là kết nối di chuyển, mà còn đầu tư vào những lĩnh vực mà chúng tôi đã đạt được những thành tựu trong thời gian vừa qua như: giao nhận thức ăn, giao nhận hàng hóa hay thanh toán điện tử. Đây là những lĩnh vực mà chúng tôi đã và sẽ tiếp tục đầu tư trong thời gian tới cũng như một số lĩnh vực khác mà chúng tôi đang tìm kiếm cơ hội, ví dụ như chăm sóc sức khỏe hay là dịch vụ đi chợ dùm (Grocery).
Mặc dù cho đến nay, Nghị định thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP hiện tại chưa rõ ràng và chưa có quyết định cuối cùng, nhưng chúng ta có thể thấy trong những tháng vừa qua, tinh thần của nghị định đang được thay đổi và đang dần trở nên rõ ràng hơn. Chúng tôi vẫn đang đợi quyết định cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Điều thú vị nhất là vừa qua, Thủ tướng Chính phủ có ban hành Đề án 999. Chúng tôi rất vui mừng vì đây là một đề án tích cực. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã khuyến khích tinh thần sáng tạo của các doanh nghiệp bằng cách các doanh nghiệp có thể tự do triển khai các ý tưởng sáng tạo của mình thông qua mô hình sand box.
Chính phủ Việt Nam cũng rất ủng hộ những ý tưởng đổi mới sáng tạo về các ý tưởng xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, xây dựng Trung tâm Khởi nghiệp quốc gia tại Hòa Lạc, Trung tâm ươm mầm công nghệ, hay Dự án về đô thị thông minh… Đây là những tín hiệu rất tích cực.
Phải chăng khoản đầu tư này như một sự cam kết lâu dài của Grab với thị trường Việt, thưa ông?
Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao của Grab ở khu vực Đông Nam Á. Nếu thị trường Singapore không còn nhiều dư địa cho các giải pháp đột phá, thì Việt Nam vẫn còn rất nhiều cơ hội với cơ cấu dân số trẻ và tỷ lệ sử dụng smartphone cao.
Grab đã đạt được tốc độ tăng trưởng ấn tượng tại Việt Nam cũng nhờ sự ủng hộ của người dân và Chính phủ. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa ra những giải pháp và dịch vụ mới để giải quyết các vấn đề sáng tạo và đem lại lợi ích cho người dân. Chúng tôi muốn hiểu thêm về nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam và các yêu cầu của Chính phủ để đem đến những giải pháp tốt nhất cho Việt Nam. Do đó, khoản đầu tư 500 triệu USD là sự khẳng định rõ ràng nhất về cam kết đầu tư lâu dài của Grab tại Việt Nam.
Trước hết, hiện mảng kinh doanh chính của Grab vẫn là kết nối di chuyển thông qua ứng dụng Grab. Trong tương lai, nếu Nghị định 86/NĐ-CP có sự thay đổi và cho phép các ứng dụng gọi xe mở rộng hoạt động thì Grab sẽ đầu tư để tiếp tục phát triển ra các tỉnh, thành phố khác, ngoài 5 thành phố mà Grab đang hoạt động hiện nay. Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn lực tài chính để sẵn sàng triển khai.
Cho tới nay, Grab đã giúp cải thiện cuộc sống của hàng trăm ngàn đối tác tài xế với tổng thu nhập tích lũy gần 1 tỷ USD, đồng thời hỗ trợ hàng triệu người dân tiếp cận với các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua quan hệ đối tác chiến lược với Moca. Thu nhập ròng của các đối tác kinh doanh GrabFood tăng đến khoảng 300% chỉ sau 2-3 tháng tham gia nền tảng. GrabFood hiện hoạt động tại 15 tỉnh, thành phố và hy vọng trong tương lai, chúng tôi có thể tăng độ phủ của GrabFood tới tất cả các tỉnh, thành phố khác trên khắp Việt Nam.
Tương tự, đối với lĩnh vực thanh toán, hiện 90% giao dịch tại Việt Nam vẫn thanh toán bằng tiền mặt. Tuy nhiên, nền tảng Grab ghi nhận khoảng 35% giao dịch không tiền mặt, đây là một tỷ lệ rất cao so với thị trường. Do đó, Grab tiếp tục đầu tư phát triển các giải pháp công nghệ tài chính để thúc đẩy quá trình phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam thông qua hợp tác với ví điện tử Moca.
Thứ hai, Grab muốn tập trung đầu tư vào những lĩnh vực kinh doanh mới như dịch vụ đi chợ giùm, đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay hay dịch vụ về nông nghiệp và chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi đang nghiên cứu và tìm cơ hội để đưa thêm những dịch vụ mới này vào nền tảng Grab. Đồng thời, Grab sẽ đầu tư vào các startup và doanh nghiệp với giải pháp có thể tích hợp vào nền tảng của Grab.
Thứ ba, Grab sẽ tập trung đầu tư vào nhân tài và đội ngũ lao động của Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố tập trung phát triển hạ tầng để đầu tư đổi mới công nghệ cho đến năm 2020, bao gồm mục tiêu có 1 triệu nhân lực thành thạo công nghệ số vào năm 2020. Grab đã thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại TP.HCM vào năm 2017. Đến nay, trung tâm đã có khoảng 120 kỹ sư người Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ kỹ sư để giúp Việt Nam đạt được mục tiêu trên.
Ngoài ra, Grab cũng đang làm việc các trường đại học về đào tạo nhân tài công nghệ. Trong thời gian tới, Grab sẽ phối hợp với Microsoft để cung cấp các chương trình đào tạo trực tuyến nhằm góp phần nâng cao hiểu biết cho người dân, đặc biệt là giới trẻ về tài chính và kỹ thuật số.