Greenland cấm quyên góp chính trị từ nước ngoài do lo ngại ông Trump

Greenland đã thông qua luật cấm nước ngoài đóng góp cho các đảng phái chính trị, khẳng định quyền tự quản trong bối cảnh lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn mua lại hòn đảo này.

Một góc nhìn vào tháng trước từ Nuuk, thủ đô của Greenland.

Một góc nhìn vào tháng trước từ Nuuk, thủ đô của Greenland.

Greenland là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, và các quan chức đã nhiều lần nhấn mạnh rằng nó không phải để bán. Các nhà lãnh đạo ở Nuuk, thủ đô của Greenland, cũng nói rằng người dân của họ không muốn trở thành một phần của nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi được hỏi, đã từ chối loại trừ khả năng “gây sức ép về quân sự hoặc kinh tế” để theo đuổi việc mua hòn đảo này.

Trong một tuyên bố trước khi dự luật được thông qua, chính phủ Greenland cho biết dự luật này nhằm mục đích bảo vệ “sự toàn vẹn chính trị” của đất nước và nó cần phải được xem xét trong bối cảnh các đại diện của một “siêu cường quốc bày tỏ sự quan tâm đến việc tiếp quản và kiểm soát Greenland”. Tuyên bố này không chỉ đích danh Mỹ.

Trong một tuyên bố riêng phản hồi về dự luật, Chủ tịch đảng Dân chủ Jens-Frederik Nielsen nói rằng ông Trump đã phát biểu theo cách chỉ có thể được hiểu như “một mối đe dọa đối với sự độc lập chính trị của chúng ta”. Ông kêu gọi "Chúng ta phải tự bảo vệ mình".

Luật mới cấm các đảng phái chính trị, bao gồm cả các chi nhánh địa phương và thanh niên, nhận tiền quyên góp từ những người đóng góp ẩn danh hoặc nước ngoài. Động thái này diễn ra trước cuộc tổng tuyển cử mà Thủ tướng Greenland Múte Bourup Egede hôm 4/2 đề xuất tổ chức vào ngày 11/3.

Donald Rothwell, giáo sư tại Đại học Quốc gia australia và là chuyên gia về luật các vùng cực, cho biết “về mặt lịch sử, rất ít người quan tâm đến các cuộc bầu cử Inatsisartut (Quốc hội) của Greenland”, ngoài chính quyền Copenhagen. Tuy nhiên, do thu hút được sự quan tâm đặc biệt thời gian gần đây, “có thể hiểu lý do mà Quốc hội Greenland phải thận trọng trước sự can thiệp của nước ngoài”.

Ông Rothwell nói thêm rằng Donald Trump Jr., con trai Tổng thống Trump, đã đến thăm Greenland vào tháng 1, thu hút sự chú ý của toàn cầu. Điều đó “cho thấy Greenland có thể dễ bị tổn thương như thế nào trước ảnh hưởng chính trị tiềm ẩn của nước ngoài”.

Hòn đảo lớn nhất thế giới, Greenland, là nơi sinh sống của khoảng 56.000 người, hầu hết sống ở 20% diện tích đất không bị băng bao phủ. Sau hơn 200 năm dưới sự cai trị của Đan Mạch, chế độ tự trị bắt đầu ở Greenland vào năm 1979. Đan Mạch duy trì quyền kiểm soát chính sách đối ngoại và quốc phòng, trong khi các nhà lãnh đạo Greenland chịu trách nhiệm về các vấn đề đối nội.

Ông Trump ban đầu bày tỏ sự quan tâm đến việc mua Greenland trong nhiệm kỳ Tổng thống đầu tiên của mình và gần đây đã vực dậy ý tưởng này. Ông viết trên mạng xã hội vào tháng 12/2024 rằng “quyền sở hữu và kiểm soát Greenland là điều tuyệt đối cần thiết”, trích dẫn “mục đích an ninh quốc gia”.

Mỹ vốn đã có một căn cứ quân sự trên đảo. Greenland cũng là nơi có trữ lượng khoáng sản đất hiếm chưa được khai thác, rất cần thiết để sản xuất pin ô tô điện.

Kế hoạch kiểm soát Greenland đã được một số người bảo thủ ca ngợi như một sự hồi sinh của “vận mệnh hiển nhiên” - một thuật ngữ thế kỷ 19 mô tả niềm tin rằng Mỹ đã được Chúa định sẵn là sẽ mở rộng khắp Bắc Mỹ, vốn được sử dụng để biện minh cho sự di dời một cách tàn bạo người Mỹ bản địa.

Mặc dù Thủ tướng Egede nhấn mạnh tầm quan trọng của “mối quan hệ đối tác mạnh mẽ” với Washington, nhưng trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tháng trước, ông cũng cho biết Greenland không muốn trở thành một phần của Mỹ.

“Chúng tôi không muốn trở thành người Đan Mạch. Chúng tôi thậm chí không muốn trở thành người Mỹ”, ông nói. “Chúng tôi muốn trở thành người Greenland”.

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/greenland-cam-quyen-gop-chinh-tri-tu-nuoc-ngoai-do-lo-ngai-ong-trump-post182471.html