Mỹ kích hoạt 'sức ép tối đa' nhằm đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về 0

Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa khôi phục chiến dịch gây 'sức ép tối đa' lên Iran, bao gồm các nỗ lực đưa xuất khẩu dầu mỏ của Tehran về bằng 0 để ngăn quốc gia thành viên OPEC sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Mỹ gây "sức ép kinh tế tối đa" lên Iran

Trước cuộc gặp với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Trump hôm 4/2 đã ký bản ghi nhớ tổng thống về việc tái kích hoạt chính sách cứng rắn của Washington đối với Iran đã được thực hiện trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông, theo Reuters.

Khi ký bản ghi nhớ, Tổng thống Trump mô tả đó là chính sách rất cứng rắn và cho biết ông phân vân không biết có nên thực hiện động thái này hay không. Ông Trump cho biết ông sẵn sàng đạt được thỏa thuận với Iran và bày tỏ mong muốn trao đổi với nhà lãnh đạo Iran.

"Với tôi, rất đơn giản: Iran không thể có vũ khí hạt nhân", Tổng thống Trump nói. Khi được hỏi Tehran đã đến gần vũ khí đến mức nào, ông Trump trả lời: "Họ quá gần rồi".

Tổng thống Trump đã cáo buộc người tiền nhiệm Joe Biden không thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt xuất khẩu dầu mỏ, điều mà ông cho rằng đã cho phép Tehran bán dầu mỏ để tài trợ cho chương trình vũ khí hạt nhân và lực lượng dân quân vũ trang ở Trung Đông.

Iran đang "tăng tốc đáng kể" làm giàu uranium lên tới độ tinh khiết 60%, gần với mức độ vũ khí khoảng 90%, người đứng đầu cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc nói với Reuters vào tháng 12 năm ngoái. Trong khi đó, Iran đã phủ nhận ý định phát triển vũ khí hạt nhân.

Bản ghi nhớ của Tổng thống Trump cũng đặt ra những yêu cầu khác, bao gồm ra lệnh cho Bộ trưởng Tài chính Mỹ gây "sức ép kinh tế tối đa" lên Iran, bao gồm các lệnh trừng phạt và cơ chế thực thi đối với những bên vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hành.

Bản ghi nhớ cũng yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao của Mỹ thực hiện một chiến dịch nhằm "đưa xuất khẩu dầu mỏ của Iran về mức 0".

Theo ước tính của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, xuất khẩu dầu mỏ đã mang lại cho Iran 53 tỷ USD vào năm 2023 và 54 tỷ USD một năm trước đó. Sản lượng dầu mỏ của Iran trong năm 2024 cũng ở mức cao nhất kể từ năm 2018, dựa trên dữ liệu của OPEC.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump đã kéo xuất khẩu dầu mỏ của Iran xuống gần bằng 0 sau khi áp đặt lại các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã tăng lên dưới thời Tổng thống Joe Biden khi Iran né tránh được các lệnh trừng phạt.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết rằng Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và các thành viên khác của OPEC có lượng dự phòng để bù đắp cho bất kỳ sự sụt giảm xuất khẩu dầu mỏ nào từ phía Iran.

Đẩy mạnh việc khôi phục lệnh trừng phạt

Trung Quốc không công nhận các lệnh trừng phạt của Mỹ và các công ty Trung Quốc là bên mua nhiều dầu nhất của Iran. Trung Quốc và Iran cũng đã xây dựng một hệ thống giao dịch chủ yếu sử dụng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc và một mạng lưới trung gian, tránh sử dụng đồng đô la Mỹ và tránh tiếp xúc với các cơ quan quản lý của Mỹ.

Ông Kevin Book, một nhà phân tích tại ClearView Energy, cho biết chính quyền Tổng thống Trump có thể thực thi luật Ngừng tích trữ dầu mỏ Iran (SHIP) năm 2024 để hạn chế một số thùng dầu của Iran.

Luật SHIP cho phép áp dụng các biện pháp đối với các cảng và nhà máy lọc dầu nước ngoài xử lý dầu mỏ xuất khẩu từ Iran thuộc diện vi phạm lệnh trừng phạt.

Ông Book cho biết động thái vào tháng trước của Tập đoàn cảng Sơn Đông nhằm cấm các tàu chở dầu bị Mỹ trừng phạt cập cảng của họ ở tỉnh miền đông Trung Quốc cho thấy phạm vi tác động của luật SHIP.

Tổng thống Trump đã chỉ đạo Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc làm việc với các đồng minh để "hoàn thành việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và hạn chế quốc tế đối với Iran", theo một thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và các cường quốc chủ chốt về dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này.

Khi ông Trump nắm quyền Nhà Trắng ở nhiệm kỳ đầu tiên, Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trong năm 2018 và Tehran bắt đầu từ bỏ các cam kết liên quan đến hạt nhân theo thỏa thuận này.

Chính quyền Tổng thống Trump sau đó đã cố gắng kích hoạt việc khôi phục lệnh trừng phạt theo thỏa thuận vào năm 2020, nhưng nỗ lực này đã bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác bỏ.

Anh, Pháp và Đức đã khẳng định với Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rằng họ sẵn sàng - nếu cần thiết - sẽ kích hoạt việc khôi phục tất cả các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran để ngăn chặn nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.

Các quốc gia kể trên sẽ mất khả năng thực hiện hành động kích hoạt như vậy vào ngày 18/10 khi Nghị quyết năm 2015 của Liên hợp quốc hết hạn. Nghị quyết này ghi nhận thỏa thuận của Iran với Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc, trong đó dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy các hạn chế đối với chương trình hạt nhân của nước này.

Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc, Amir Saeid Iravani, lên tiếng cho rằng việc kích hoạt lại áp dụng lệnh trừng phạt đối với Tehran sẽ là "phi pháp và phản tác dụng".

Đông Phong

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/my-kich-hoat-suc-ep-toi-da-nham-dua-xuat-khau-dau-mo-cua-iran-ve-0-d244398.html