Greenpeace kêu gọi EU ngừng đầu tư vào các dự án khí đốt của Mỹ

Trong lúc các nhà lãnh đạo và doanh nghiệp châu Âu đang thúc đẩy nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ, một báo cáo mới của Greenpeace USA, Earthworks và Oil Change International đã cảnh báo về những rủi ro khí hậu và tài chính liên quan đến 5 dự án xuất khẩu LNG lớn, dự kiến triển khai tại vùng Vịnh nước Mỹ, hầu hết trong số đó vẫn đang chờ quyết định đầu tư cuối cùng.

Greenpeace kêu gọi EU ngừng đầu tư vào các dự án khí đốt của Mỹ. Ảnh AFP

Greenpeace kêu gọi EU ngừng đầu tư vào các dự án khí đốt của Mỹ. Ảnh AFP

“Những gì chúng tôi phát hiện rất rõ ràng - bất kỳ khoản đầu tư nào tiếp theo vào LNG đều đi ngược lại mục tiêu bảo vệ khí hậu”, ông Andres Chang, chuyên gia nghiên cứu cao cấp của Greenpeace USA và là tác giả chính của báo cáo, cho biết.

“Việc phát triển ồ ạt hạ tầng LNG dọc bờ biển Texas và Louisiana đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, môi trường và sinh kế của các cộng đồng ven biển. Nhưng ảnh hưởng không dừng ở đó. Nếu các dự án này được triển khai, chúng tôi tin rằng chúng sẽ khiến các mục tiêu khí hậu toàn cầu trở nên xa vời hơn”, ông nói thêm.

Báo cáo tập trung phân tích 5 dự án LNG lớn tại Mỹ gồm: Venture Global CP2, Cameron LNG Giai đoạn II, Sabine Pass Giai đoạn V, Cheniere Corpus Christi LNG Midscale 8-9 và Freeport LNG mở rộng. Kết luận đưa ra là cả 5 dự án đều không đáp ứng tiêu chuẩn khí hậu, căn cứ theo mô hình đánh giá lợi ích công về xuất khẩu LNG do Bộ Năng lượng Mỹ công bố năm 2024. Mỗi dự án đều làm tăng lượng khí thải nhà kính, trì hoãn quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và góp phần gia tăng sử dụng nhiên liệu hóa thạch toàn cầu - từ đó cản trở việc thực hiện các mục tiêu trong Thỏa thuận Paris và làm trầm trọng thêm các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Ngoài ra, báo cáo cũng chỉ ra rằng, các giấy phép xuất khẩu được cấp trong nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump có thể bị thu hồi, nếu chính quyền Mỹ trong tương lai có lập trường khác.

Trước sức ép từ ông Trump và nguy cơ bị áp thuế rộng rãi, Ủy ban châu Âu đang thúc đẩy kế hoạch tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ. Ủy ban này cũng đang xem xét khả năng đầu tư công trực tiếp của EU và các nước thành viên vào các cơ sở xuất khẩu LNG ngoài châu Âu - bao gồm cả 5 dự án nói trên - theo Kế hoạch Hành động Năng lượng Giá cả Phải chăng được công bố vào tháng 2/2025.

“Việc tăng nhập khẩu LNG từ Mỹ sẽ khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào Mỹ, đặt EU và các nước thành viên vào thế dễ bị ảnh hưởng chính trị từ ông Trump. Các lãnh đạo châu Âu cần chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, và làm chủ tương lai năng lượng của mình bằng cách đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo, an toàn và hòa bình. Cấm toàn bộ các dự án nhiên liệu hóa thạch mới trong EU là bước đi đầu tiên cần thiết - thay vì tài trợ cho các dự án ở nước ngoài”, ông Thomas Gelin, chuyên gia vận động khí hậu và năng lượng của Greenpeace EU, nhấn mạnh.

Một hệ quả khác từ áp lực của ông Trump là việc một số quốc gia thành viên EU và các nhà hoạch định chính sách kêu gọi nới lỏng quy định về khí methane của EU - bộ quy định vừa mới được thông qua vào năm ngoái - để có thể tiếp tục nhập khẩu khí LNG từ Mỹ, dù loại khí này có mức phát thải methane rất cao.

“Báo cáo này bổ sung thêm bằng chứng cho thấy việc rót tiền vào LNG từ Mỹ là lựa chọn thiếu sáng suốt đối với các công ty bảo hiểm, nhà đầu tư, hay người mua”, Tiến sĩ Dakota Raynes, Giám đốc cấp cao phụ trách Nghiên cứu, Chính sách và Dữ liệu tại Earthworks nhận định. “EU và các đồng minh châu Á của Mỹ cần ghi nhớ điều này, nhất là khi Tổng thống Trump đang gây áp lực, buộc họ phải tăng mua LNG từ Mỹ, bằng cách đe dọa đánh thuế rộng rãi. Với những quốc gia đã cam kết bảo vệ khí hậu như EU, việc thận trọng trước cái giá khí hậu của LNG từ Mỹ là hết sức cần thiết”, ông lưu ý.

Hiện tại, một số công ty năng lượng châu Âu đã ký hợp đồng dài hạn mua LNG từ 4 trong số các dự án được đề cập trong báo cáo. Các hợp đồng này kéo dài qua cả mốc năm 2035 - thời điểm mà châu Âu buộc phải dừng sử dụng khí đốt hóa thạch, nếu muốn giữ đúng lộ trình cam kết khí hậu toàn cầu. Trong danh sách này có các công ty như SEFE và BASF (Đức), GASTRADE S.A. (Hy Lạp), DTEK (Ukraine), TotalEnergies (Pháp), PKN Orlen (Ba Lan), Galp (Bồ Đào Nha) và Equinor (Na Uy) - nhiều công ty trong đó có vốn nhà nước, một phần, hoặc toàn bộ.

Ông James Hiatt, người sáng lập kiêm Giám đốc tổ chức For a Better Bayou, nhận định rằng việc phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch trong thời gian dài đã gây ra nhiều hệ lụy cho cộng đồng, bao gồm ô nhiễm, các vấn đề sức khỏe con người và những bất ổn về kinh tế.

Ngành dầu khí, dù biết rõ tác động tiêu cực từ nhiều thập kỷ trước, vẫn mở rộng hoạt động với sự hỗ trợ tài chính lớn từ cả khu vực công và tư nhân. Ông nhận định đây là vấn đề mang tính hệ thống. Báo cáo mới công bố, theo ông Hiatt, là lời cảnh báo cần xem xét lại hướng phát triển hiện tại, đẩy mạnh đầu tư vào các giải pháp năng lượng bền vững, có lợi cho cộng đồng.

Greenpeace kêu gọi các nhà lãnh đạo EU không ký thêm bất kỳ hợp đồng LNG dài hạn nào mới, đồng thời từ bỏ đề xuất đầu tư tài chính trực tiếp vào các cơ sở xuất khẩu khí đốt. Thay vào đó, EU cần ban hành lệnh cấm đối với tất cả các dự án nhiên liệu hóa thạch mới, chấm dứt mọi khoản đầu tư công vào hạ tầng nhiên liệu hóa thạch, và thống nhất lộ trình kết thúc sử dụng khí đốt chậm nhất vào năm 2035.

Nh.Thạch

AFP

Nguồn PetroTimes: https://nangluongquocte.petrotimes.vn/greenpeace-keu-goi-eu-ngung-dau-tu-vao-cac-du-an-khi-dot-cua-my-729959.html