Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 7/7 - 12/7

Thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu chứng kiến mức biến động giá thấp nhất kể từ năm 2021; Brazil sẵn sàng các biện pháp bảo vệ xuất khẩu dầu thô... là những sự kiện nổi bật trên bức tranh thị trường năng lượng toàn cầu tuần qua.

Ảnh: OP

Ảnh: OP

Cùng PetroTimes điểm lại những sự kiện nổi bật tuần qua:

1. Tính đến tháng 7, thị trường khí đốt tự nhiên châu Âu đã chứng kiến mức biến động giá thấp nhất kể từ năm 2021, nhưng khi nhiệt độ mùa hè đạt đỉnh trong những tuần tới, nhu cầu dự kiến sẽ tăng và giá khí đốt chuẩn cũng sẽ tăng.

Theo ước tính của Bloomberg, trong những ngày gần đây, mức biến động lịch sử 10 ngày của giá khí đốt châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021.

2. Equinor đã phát hiện một mỏ khí đốt gần mỏ dầu Johan Castberg ở Biển Barents và sẽ đánh giá khả năng kết nối với mỏ Bắc Cực hiện đang hoạt động.

Equinor và các đối tác trong giấy phép thăm dò và khai thác đã phát hiện khí đốt tự nhiên tại Skred, trong một giếng khoan cách mỏ Johan Castberg 23 km về phía bắc và cách Hammerfest, một cơ sở xuất khẩu khí đốt lớn của Na Uy, 210 km về phía tây bắc.

3. Brazil đang chuẩn bị các biện pháp bảo vệ xuất khẩu dầu thô của mình trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thuế 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước này bắt đầu từ ngày 1/8.

Động thái này đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai quốc gia, trong bối cảnh Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng.

4. Saudi Aramco đang trong các cuộc đàm phán nâng cao để mua 2 triệu tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) mỗi năm từ dự án Commonwealth LNG tại Cameron, bang Louisiana, Mỹ, theo một báo cáo độc quyền của Reuters.

Thỏa thuận tiềm năng này sẽ củng cố thêm nỗ lực của Aramco trong việc mở rộng sang thị trường LNG toàn cầu, khi tập đoàn này đẩy mạnh đa dạng hóa hoạt động kinh doanh ra ngoài lĩnh vực xuất khẩu dầu thô.

5. Các ông lớn của Mỹ là ExxonMobil và Chevron, công ty năng lượng nhà nước Pertamina của Indonesia và các công ty khác từ hai quốc gia này dự kiến sẽ ký một biên bản ghi nhớ về việc Indonesia mua hàng hóa với giá trị 34 tỷ USD.

Ngoài các thỏa thuận và khoản đầu tư về năng lượng, biên bản ghi nhớ sẽ bao gồm các cam kết của Indonesia về việc mua đậu nành, ngô và bông của Mỹ, Pujo Setio, một quan chức cấp cao của Bộ Kinh tế Indonesia, nói với Reuters.

6. Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Libya (NOC) đã ký thỏa thuận với các ông lớn dầu khí BP và Shell để thăm dò và đánh giá tiềm năng dầu khí của một số mỏ tại quốc gia châu Phi này, đánh dấu một bước tiến nữa trong việc Big Oil quay trở lại Libya.

NOC đã ký biên bản ghi nhớ với BP để tiến hành các nghiên cứu đánh giá tiềm năng thăm dò và khai thác hydrocarbon tại các mỏ Messla và Sarir, cũng như tại một số khu vực thăm dò xung quanh.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/nhung-su-kien-noi-bat-tren-thi-truong-nang-luong-quoc-te-tuan-tu-77-127-729969.html