Greenwashing làm chậm quá trình phát triển bền vững

Greenwashing không chỉ lừa dối người tiêu dùng, làm suy yếu tính toàn vẹn của trách nhiệm bảo vệ môi trường mà còn làm chậm tiến trình hướng tới một tương lai bền vững hơn…

Greenwashing tạo ra một trở ngại đáng kể trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Greenwashing tạo ra một trở ngại đáng kể trong việc giải quyết biến đổi khí hậu.

Sự bền vững (sustainability) đang ngày càng trở thành trọng tâm chính trong chương trình nghị sự của nhiều chính phủ, kế hoạch hành động của doanh nghiệp và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Đến năm 2030, thị trường công nghệ xanh và phát triển bền vững toàn cầu dự kiến sẽ đạt giá trị 417 tỷ USD.

Nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường đã dẫn đến gia tăng số lượng các công ty tự định vị mình là xanh, bền vững hoặc có trách nhiệm. Nhiều thương hiệu tự quảng cáo mình là thân thiện với môi trường, không độc hại, không chứa nhựa, không chất thải, có thể phân hủy sinh học, có thể ủ phân và có thể tái chế.

Bên cạnh những nỗ lực thực sự để chống lại biến đổi khí hậu và giảm tác động đến môi trường, một xu hướng tiêu cực hơn đã xuất hiện: Greenwashing (Giả xanh) và đang tạo ra trở ngại đáng kể trong việc giải quyết biến đổi khí hậu

Người tiêu dùng khó có thể phân biệt được các chiến dịch giả xanh bất hợp pháp, ngụy trang thông tin sai lệch dưới dạng chủ nghĩa bảo vệ môi trường.

“Bằng cách đánh lừa công chúng tin rằng một công ty hoặc một tổ chức đang hành động để bảo vệ môi trường, greenwashing thúc đẩy tạo ra các giải pháp sai lầm cho cuộc khủng hoảng khí hậu, làm sao nhãng và trì hoãn hành động cụ thể, đáng tin cậy”, theo nhận định của UN.

TỪ CHIẾC KHĂN TẮM KHÁCH SẠN ĐẾN GREENWASHING

Thuật ngữ "Greenwashing" được nhà môi trường học Jay Westerveld đặt ra vào năm 1986 khi ông chỉ trích ngành công nghiệp khách sạn vì quảng bá việc tái sử dụng khăn tắm như một sáng kiến thân thiện với môi trường.

Nhiều khách sạn khuyến khích khách tái sử dụng khăn tắm để tiết kiệm nước, nhưng theo Westerveld nhận thấy những khách sạn này không thực sự nỗ lực giảm thiểu tác động tổng thể đến môi trường.

Ông cho rằng hành động tượng trưng và chi phí thấp này được sử dụng chỉ để đánh bóng hình ảnh của khách sạn mà không thực hiện các biện pháp bền vững có tác động rộng lớn, thực chất hơn như giảm tiêu thụ năng lượng và phát thải.

Kể từ đó, Greenwashing đã phát triển và lan rộng ra nhiều ngành công nghiệp, thời trang, năng lượng. Khi ngày càng nhiều người tiêu dùng tìm kiếm các thương hiệu phù hợp với giá trị của họ thì các công ty cũng gia tăng xu hướng tự thể hiện mình là thân thiện với môi trường, ngay cả khi hành động thực tế của họ không tương xứng với tuyên bố.

Greenwashing xuất hiện dưới nhiều hình thức, từ những tuyên bố phi thực tế đến các chiến thuật tinh vi có thể làm người tiêu dùng bối rối hoặc bị đánh lừa. Các doanh nghiệp thường sử dụng ngôn ngữ mơ hồ như “hữu cơ”, “thân thiện với môi trường” mà không có chứng nhận cụ thể. Một số công ty còn tự tạo chứng nhận giả mạo hoặc chỉ làm nổi bật một khía cạnh nhỏ của sản phẩm, như bao bì tái chế, trong khi bỏ qua các hành động gây hại khác.

Theo CNN, Greenwashing xuất hiện dưới 6 hình thức

Theo CNN, Greenwashing xuất hiện dưới 6 hình thức

Theo CNN, Greenwashing có 6 hình thức phổ biến như:

(1) Greencrowding là khi các công ty cùng nhau đặt ra các mục tiêu môi trường thấp để tránh phải thực hiện thay đổi thực sự. Họ thường trì hoãn hành động để giữ cho những mục tiêu này càng mơ hồ và không có tác động thực tế.

Ví dụ, Liên minh Chấm dứt Ô nhiễm Nhựa (AEPW) bao gồm những công ty lớn gây ô nhiễm như Shell, Dow Chemical và Procter & Gamble. Mặc dù các công ty này tuyên bố có mục tiêu khí hậu cao nhưng họ lại chỉ tập trung vào việc tái chế thay vì giải quyết nguyên nhân gốc rễ của rác thải nhựa là sản xuất nhựa.

(2) Greenlighting là một chiến thuật mà các công ty làm nổi bật một sáng kiến nhỏ thân thiện với môi trường để phân tán sự chú ý khỏi các hoạt động hoặc sản phẩm có hại khác trong công ty. ExxonMobil quảng bá rầm rộ về "nhiên liệu sinh học tiên tiến" từ tảo, mặc dù những nhiên liệu này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng sản lượng của họ.

(3) Greenshifting là khi các công ty đổ lỗi cho người tiêu dùng về vấn đề môi trường thay vì tự chịu trách nhiệm. Chẳng hạn, các công ty nước giải khát như Coca-Cola và Dixie Cup đã âm thầm lập tổ chức Keep America Beautiful để chuyển trách nhiệm từ chính họ sang vấn đề rác thải của người tiêu dùng.

(4) Greenlabeling là việc tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ thân thiện với môi trường trong khi thực tế không phải vậy. Kohl’s và Walmart đã bị kiện vì gán nhãn sai cho vải rayon độc hại là “làm từ tre thân thiện với môi trường".

(5) Greenrinsing là việc liên tục thay đổi các mục tiêu về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) trước khi các mục tiêu này có thể đạt được. Một báo cáo gần đây cho thấy Coca-Cola và PepsiCo thường xuyên điều chỉnh các tiêu chí của họ về việc giảm tiêu thụ nhựa nguyên sinh.

(6) Greenscamming là việc tạo ra các tổ chức vỏ bọc trông như các tổ chức cộng đồng, phi lợi nhuận hợp pháp. Những thành viên thực sự là những công ty có lợi từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên như khoan dầu, khai thác mỏ, hay đánh bắt quá mức, hoặc từ việc tài trợ cho các chiến dịch phủ nhận biến đổi khí hậu.

Một ví dụ nổi tiếng là Liên minh Đầm lầy Quốc gia, với hơn 60 công ty từ các lĩnh vực đô thị, tiện ích, và công nghiệp, bao gồm cả Exxon và Texaco, được thành lập nhằm lật ngược các quy định bảo vệ đầm lầy trong Đạo luật Loài nguy cấp của Mỹ.

GÂY MẤT LÒNG TIN, THOÁI LUI TIẾN BỘ MÔI TRƯỜNG

Theo đánh giá của UN, Greenwashing cản trở những nỗ lực thực sự để chống lại biến đổi khí hậu.

Khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người đang gây ra hiện tượng nóng lên toàn cầu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Để ngăn chặn những tác động thảm khốc, lượng khí thải phải được cắt giảm gần một nửa vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Greenwashing còn gây ra những hậu quả tiêu cực đáng kể, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với phong trào bền vững và tiến bộ môi trường.

Tác động tức thì nhất là làm mất lòng tin của người tiêu dùng. Người tiêu dùng bị lừa tin rằng họ đang ủng hộ một thương hiệu có trách nhiệm với môi trường. Điều này làm xói mòn niềm tin vào doanh nghiệp và thậm chí có thể dẫn đến sự hoài nghi về các tuyên bố bền vững trên toàn ngành đó.

Greenwashing có thể gây hại cho môi trường bằng cách trì hoãn các hành động cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu một cách hiệu quả. Các công ty tham gia vào Greenwashing có thể tránh được việc phải thực hiện các thay đổi lớn vì họ dễ dàng làm người tiêu dùng hài lòng với các nỗ lực bề ngoài. Điều này tạo ra ảo giác nguy hiểm về tiến bộ, làm chậm các cải cách môi trường thực sự và suy yếu những nỗ lực lớn hơn nhằm chống lại biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, Greenwashing còn làm biến dạng thị trường cho các doanh nghiệp thực sự bền vững.

Các công ty đầu tư vào các phương pháp thân thiện với môi trường thường phải đối mặt với chi phí cao hơn, vì các phương pháp sản xuất bền vững thường đắt đỏ hơn. Khi các đối thủ cạnh tranh sử dụng Greenwashing để tỏ ra bền vững mà không chịu các chi phí này, nó tạo ra một sân chơi không bình đẳng, khiến các công ty "xanh" chân chính mất lợi thế cạnh tranh.

Greenwashing gây ra những hậu quả tiêu cực đáng kể, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với phong trào bền vững và sự tiến bộ về môi trường.

Greenwashing gây ra những hậu quả tiêu cực đáng kể, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn đối với phong trào bền vững và sự tiến bộ về môi trường.

Greenwashing phổ biến ở nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng một số ngành trở nên đặc biệt tai tiếng với những hành vi "giả tạo" thân thiện với môi trường.

Ngành thời trang, đặc biệt là các thương hiệu thời trang nhanh (fast fashion), thường giới thiệu các bộ sưu tập thân thiện với môi trường được làm từ vật liệu tái chế, trong khi vẫn tiếp tục sử dụng các quy trình sản xuất hàng loạt gây hại cho môi trường. Những bộ sưu tập này thường chỉ đại diện cho một phần nhỏ của tổng sản phẩm của thương hiệu.

Trong nỗ lực tái định vị thành các doanh nghiệp bền vững, nhiều tập đoàn năng lượng đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, những khoản đầu tư này thường chỉ chiếm một phần nhỏ trong hoạt động tổng thể của họ, trong khi phần lớn lợi nhuận vẫn đến từ nhiên liệu hóa thạch.

Thực phẩm là ngành chứa đầy những tuyên bố môi trường gây hiểu lầm. Các thương hiệu thường sử dụng các từ ngữ như “hữu cơ,” “tự nhiên,” hoặc “bền vững” nhưng những thuật ngữ này thường không được quản lý chặt chẽ và có thể được áp dụng cho các sản phẩm vẫn có dấu ấn carbon đáng kể.

Ngoài ra, nhiều công ty làm nổi bật bao bì thân thiện với môi trường mà không đề cập đến tác động từ các phương pháp sản xuất hoặc nguồn nguyên liệu của họ.

Ở cấp độ toàn cầu, Liên Hợp Quốc đang đối phó với hiện tượng Greenwashing thông qua một số sáng kiến. Tổng thư ký Liên hợp quốc đã thành lập một Nhóm Chuyên gia Cấp cao để phát triển các tiêu chuẩn mạnh hơn cho những cam kết net-zero này, với 10 khuyến nghị nhằm nâng cao mức độ tin cậy từ các công ty, tổ chức tài chính, thành phố và khu vực. Những khuyến nghị này tập trung vào việc đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm trong suốt quá trình đạt được lượng phát thải net-zero.

Ngoài báo cáo, UN Climate Change đã công bố những công cụ nhằm triển khai các khuyến nghị của nhóm chuyên gia, cải thiện tính minh bạch và tăng cường độ tin cậy của các cam kết hành động khí hậu.

Năm 2023, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đã triệu tập Hội nghị Thượng đỉnh Khí hậu, nhấn mạnh rằng "Không còn chỗ cho những kẻ lùi bước, những kẻ Greenwash, đổ lỗi, hoặc chỉ tái công bố những thông báo cũ".

Vào Ngày Môi trường Thế giới vừa qua (5/6/2024), Tổng thư ký đã kêu gọi cấm toàn cầu quảng cáo nhiên liệu hóa thạch và kêu gọi ngừng hỗ trợ các công ty nhiên liệu hóa thạch trong việc Greenwashing. Những nỗ lực này là một phần của chiến lược chống lại các tuyên bố sai lệch và đảm bảo rằng các cam kết khí hậu dẫn đến tiến bộ thực sự và có thể đo lường.

Thái Chân

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/greenwashing-gia-xanh-cach-nhieu-doanh-nghiep-gia-tao-su-ben-vung.htm