GS Anh: Việt Nam cần chuẩn bị kế hoạch ứng phó Covid-19 vào mùa đông
Trao đổi với Zing, GS Sian Griffiths nói Việt Nam có thể tham khảo 'kế hoạch mùa đông' do chính phủ Anh mới công bố khi sắp bước vào tháng lạnh với nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn.
Giáo sư Sian Griffiths - thành viên cố vấn của Ủy ban Y tế Công cộng Anh (PHE) - nhận định Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ chính sách mới của Anh, để sẵn sàng đối phó trước nguy cơ các trường hợp nhiễm bệnh tăng đột biến vào mùa đông, khi virus có điều kiện lý tưởng để hoạt động.
Cụ thể, theo "kế hoạch mùa đông" mà Anh mới đưa ra, vaccine sẽ được xem là tuyến phòng thủ đầu tiên, với sự hỗ trợ của các biện pháp khác như xét nghiệm, cách ly và giám sát xã hội.
"Việt Nam cần theo đuổi chiến lược chính là tiêm chủng, áp dụng các biện pháp 'can thiệp không dùng thuốc' (NPIs), xét nghiệm và cách ly", bà Sian Griffiths nói. "Việc giải trình tự bộ gene virus để biết rõ biến chủng nào đang lây lan trong cộng đồng và có biện pháp ứng phó kịp thời cũng nên được lưu tâm hơn".
Bên cạnh đó, theo bà, quá trình mở cửa sắp tới tại TP.HCM cũng cần thận trọng, theo lộ trình từng bước có kiểm soát và liên tục đánh giá để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo an toàn, nhưng đồng thời tránh gây khó khăn cho người dân.
Kế hoạch mùa đông
Vào cuối tháng 8, khi mới gỡ bỏ hầu hết biện pháp phòng chống dịch bệnh, mỗi ngày, nước Anh có thêm 30.000 ca mắc Covid-19. Người dân xem đây là "cái giá của tự do".
Song chính phủ Anh coi chiến dịch tiêm chủng là một niềm tự hào. Ông Nadhim Zahawi, quốc vụ khanh chuyên trách vấn đề vaccine của Anh, cho biết số ca tử vong vào tháng 12/2020 “cao gấp 5 lần hiện tại”, từ đó cho thấy hiệu quả của vaccine ngừa Covid-19.
"Anh đang sống với Covid-19. Chúng tôi vẫn ghi nhận nhiều trường hợp mắc mới, nhưng tỷ lệ tiêm vaccine cao đồng nghĩa với việc ít người phải nhập viện và tử vong hơn", giáo sư Griffiths nói với Zing.
Tuy nhiên, bà lưu ý thành tựu này có thể đảo ngược trước nguy cơ về một làn sóng dịch nghiêm trọng vào thời điểm cuối năm. Theo chuyên gia, không chỉ Anh mà các quốc gia khác cần chuẩn bị sẵn sàng khi thời tiết lạnh hơn, kéo theo những trận cúm mùa và các bệnh hô hấp.
Gần đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo "kế hoạch mùa đông" nhằm ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới được dự đoán trong những tháng tới.
Chiến thuật này bao gồm "kế hoạch A" được cân nhắc theo cách tiếp cận toàn diện để giúp đất nước vượt qua mùa đông an toàn. Trong trường hợp tình hình đại dịch thay đổi bất ngờ, "kế hoạch B" có thể được kích hoạt để bổ sung thêm các biện pháp bảo vệ, Guardian đưa tin.
Nhìn chung, "kế hoạch mùa đông" của Anh có 5 trụ cột chính. Trước hết là chương trình tiêm chủng mở rộng. Nhóm đối tượng từ 12-15 tuổi sẽ được tiêm vaccine để đảm bảo trường học không bị đóng cửa.
"Việc đóng cửa trường học sẽ không xảy ra nữa, trừ khi mọi thứ trở nên thực sự tồi tệ", giáo sư Griffiths cho biết.
Bên cạnh đó, người trên 50 tuổi sẽ được tiêm thêm mũi tăng cường để đảm bảo nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất được bảo vệ khi mở cửa vào mùa đông.
Các biện pháp xét nghiệm và cách ly cũng được chú trọng. Trước đây, Anh áp dụng mô hình "bong bóng trường học", theo đó mỗi lớp học là một "bong bóng" hoàn toàn tách biệt nhau. Các lớp không chạm mặt nhau. Lối đi trong trường được thiết kế theo dạng một chiều để giảm thiểu học sinh tiếp xúc đối mặt.
Tuy nhiên, trong học kỳ còn lại, mô hình sẽ được thay thế bằng một chương trình xét nghiệm tăng cường. Trong khi đó, dịch vụ xét nghiệm nhanh sẽ tiếp tục được cung cấp miễn phí cho người dân, nhằm giúp tìm được người bệnh và xác định nhu cầu chăm sóc y tế của họ, tránh nguy cơ trở nặng.
Ngoài ra, các hạn chế đi lại vẫn được áp dụng để quản lý rủi ro ở biên giới. Đặc biệt, bộ trưởng Y tế Anh cho biết sẽ có một khoản ngân sách trị giá 5,4 tỷ bảng Anh cho Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) để tăng cường hệ thống y tế và chăm sóc xã hội, hỗ trợ phản ứng Covid-19 trong sáu tháng tới.
Cuối cùng, người dân dù tiêm chủng hay chưa đều cần có ý thức tự bảo vệ bản thân. Người dân phải "sống chậm" và cần ý thức rằng xung quanh mình lúc nào cũng có nguy cơ lây nhiễm.
Khó nhưng có thể
Cũng theo giáo sư Sian Griffiths, mặc dù khó khăn, việc mở cửa lại TP.HCM không phải việc bất khả thi.
Trên thực tế, trước thời điểm mở cửa, Anh là nước có số ca mắc cao hàng đầu ở châu Âu. Nhưng việc đi tiên phong trong phủ vaccine đã tạo nên sự khác biệt.
Tuy nhiên, để việc mở cửa trở lại diễn ra an toàn, bà Griffiths lưu ý 3 yếu tố chính cần đặc biệt lưu tâm. Thứ nhất là đẩy mạnh việc tiêm chủng càng sớm càng tốt. Chính sách sẽ hiệu quả hơn khi có các tầng lớp bảo vệ như vaccine.
Thứ hai là tránh mở cửa một cách ồ ạt, thiếu thận trọng mà cần tiếp tục thực hiện các biện pháp "can thiệp không dùng thuốc" như sát khuẩn tay, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và đảm bảo thông gió tốt.
Thứ ba, việc xét nghiệm và cách ly cần tiếp tục được tích cực triển khai để ngăn nguy cơ bùng phát ổ dịch trong cộng đồng.
Bà Griffiths cũng gợi ý TP.HCM có thể tính đến việc hạn chế phạm vi ra ngoài của người dân. "Ở xứ Wales và Scotland, người dân chỉ được phép ra ngoài trong một phạm vi nhất định từ nhà của họ", bà nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, chính quyền cần xem xét những thách thức khi mở cửa một phần hay hạn chế khoảng cách di chuyển, vì chúng có thể gây ra bất tiện khi hệ thống logistic và vận hành ở TP.HCM có liên kết với nhau giữa các đơn vị hành chính.
"Chúng tôi nhận thấy cách tiếp cận địa phương theo từng cấp rất khó khăn, vì người dân có thể phải vượt qua 'ranh giới' nếu trường học hoặc cơ quan ở khu vực khác", bà nói.
Ở phạm vi vùng, nhận định về việc có nên tiếp tục hạn chế đi lại giữa TP.HCM và các địa phương khác hay không, giáo sư Griffiths cho biết nếu tỷ lệ tiêm chủng ở một số tỉnh thành vẫn còn thấp, nó sẽ không cung cấp đủ khả năng bảo vệ cần thiết.
"Vì vậy, các hạn chế có thể cần phải duy trì, nhưng hơn hết cần tập trung vào việc cung cấp vaccine rộng rãi và tăng tỷ lệ miễn dịch", bà nói. "Thông điệp hàng đầu hiện nay vẫn là tiêm chủng cho nhiều người càng sớm càng tốt".