GS Đặng Hùng Võ ám ảnh với làng nghề Mẫn Xá
Theo GS Đặng Hùng Võ nhiều địa phương chưa đủ quyết liệt khi xử lý các vấn đề ô nhiễm làng nghề, ô nhiễm môi trường cứ thế lan rộng và ngày một trầm trọng.
Người dân buộc phải chịu khổ
Làng Mẫn Xá, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh suốt nhiều năm nay là một "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường làng nghề ở các tỉnh phía Bắc. Được biết, ông cũng đã từng lên tiếng, bày tỏ nỗi trăn trở về vấn đề này. Vậy giờ đây, sau một thời gian dài, khi thấy tình trạng ô nhiễm tại đây chưa được cải thiện, người dân vẫn phải sống với khói bụi, từng ngày ăn những bữa cơm "chan tro, chan xỉ", cảm nhận của ông thế nào?
Tôi cảm thấy vô cùng đau xót, thấy dân mình sao lại khổ như thế. Cả người dân có lợi ích làng nghề và người dân không có lợi ích làng nghề đều đang phải sống trong một môi trường ô nhiễm khủng khiếp.
Đời sống tuy phát triển nhưng họ lại phải trả một cái giá quá đắt, phải đánh đổi bằng sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng. Sẽ có những người vì ô nhiễm mà sinh ra bệnh tật, chết yểu, cuộc sống vô cùng khổ sở.
Tôi nghĩ, người kiếm ăn được từ làng nghề có khi không ở đó, mà đa phần chỉ người dân tại các ngôi làng phải sống trong bầu không khí bẩn. Người kiếm tiền cứ kiếm, ai thu được lợi cứ thu. Còn những người khác thì phải chịu đựng ô nhiễm và những mất mát từ quá trình phát triển của chủ các cơ sở sản xuất.
Đó chính là dấu hiệu cho thấy có khoảng cách về giàu nghèo trong quá trình phát triển. Một bên bị bần cùng hóa, họ không có tiền để thay đổi cuộc sống của mình theo hướng tốt hơn, nên họ đành phải chịu. Khổ mấy cũng phải chịu.
"Làng tỷ phú" Mẫn Xá chìm trong khói bụi (Ảnh Toàn Vũ).
Người dân nhiều năm khốn khổ kêu cứu nhưng tình trạng ô nhiễm, những vụ vi phạm đổ trộm xả thải rõ như ban ngày vẫn không thể giải quyết dứt điểm, thực sự rất đáng lo ngại, thưa ông!
Có một điều tôi thấy rằng, nhiều địa phương chưa đủ quyết liệt khi xử lý các vấn đề ô nhiễm làng nghề. Ô nhiễm môi trường cứ thế lan rộng.
Thực tế cũng có một số trường hợp đơn lẻ đã thay đổi công nghệ trong sản xuất. Tuy nhiên, con số này không nhiều. Tình trạng ô nhiễm ở hầu hết các làng nghề hiện nay vì thế chưa được giải quyết. Những tồn tại như ở Mẫn Xá đã tiếp diễn quá nhiều năm rồi. Và còn có rất nhiều làng nghề khác cũng cùng chung cảnh ngộ này.
Nguy cơ gây hại do ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tới sức khỏe con người đã được các chuyên gia lên tiếng cảnh báo nhiều lần. Vậy tại sao, tình trạng này vẫn tồn tại, thậm chí là ngày một trầm trọng thêm, thưa ông?
Các làng nghề truyền thống bao giờ cũng sản xuất theo công nghệ cổ xưa, rất thô sơ. Quy trình, công nghệ thô sơ ấy đương nhiên sẽ gây ra ô nhiễm môi trường.
Theo góc nhìn của công nghiệp hiện đại thì cần giải quyết tình trạng ô nhiễm trên bằng các cách như thu gom, tập trung, xử lý xỉ thải, đảm bảo nguồn nước…. Tất cả những giải pháp này đòi hỏi phải đầu tư về xử lý môi trường. Tuy nhiên, vì sản phẩm của các làng nghề không đủ lãi để làm các việc đó nên họ bỏ mặc khâu này.
Các làng nghề như Mẫn Xá phải chăng đang mắc kẹt giữa bảo vệ môi trường và phát triển?
Về chủ trương, ta một mặt muốn giữ lại các làng nghề như một biểu tượng du lịch, hỗ trợ du lịch, một tự hào về nghề nghiệp xưa, sắc thái dân tộc. Chúng ta lâu nay ưa nhìn làng nghề dưới góc độ văn hóa như thế. Nhưng thực tế vì hoạt động theo công nghệ cổ nên làng nghề đã xả thải ra môi trường vô tội vạ dẫn đến hiện tượng ô nhiễm.
Tình trạng ô nhiễm này, nếu không xử lý và cứ để tiếp diễn từ năm này qua tháng khác thì người dân trực tiếp chịu hậu quả. Họ phải hít bầu không khí đó, uống nguồn nước đó.
Tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng khi các cơ sở sản xuất chỉ chú trọng thúc đẩy tăng sản lượng tại các làng nghề. Mà tăng sản lượng đồng nghĩa với ô nhiễm môi trường sẽ nhiều hơn. Không có giải pháp về xử lý, không có hạ tầng về môi trường thì chắc chắn nguồn đất, nguồn nước, không khí và con người sẽ phải chịu những tác động nguy hại.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta không xử lý được ô nhiễm thì không thể gọi là phát triển.
Bụi từ các lò đúc nhôm tràn vào nhà dân (Ảnh: Toàn Vũ).
Phải rà soát từng làng nghề một, xem nơi nào cần giải tán
Đã có những giải pháp nào trước đây về tình trạng này thưa ông?
Về mặt chủ trương, Nhà nước cũng đã có một khoản ngân sách để trợ giúp vấn đề môi trường của các làng nghề. Về cơ bản chính sách là đúng, nhưng theo tôi chưa đạt được thành tựu cần thiết để giải quyết tình trạng ô nhiễm hiện nay.
Việc thu xếp ngân sách thế nào cho từng làng nghề cụ thể, chuyện cổ vũ người dân có thể gom góp một phần nào đó từ lợi ích thu được vào câu chuyện môi trường… đến nay vẫn chưa rõ.
Sự phát triển của các cụm công nghiệp làng nghề với hệ thống xử lý xỉ thải được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm hiện nay. Tuy nhiên, mô hình này dường như chưa phát huy được hiệu quả. Theo ông, vì sao lại như vậy?
Ta có xu hướng muốn đưa các làng nghề thành các cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, các cụm công nghiệp ấy phải có cơ chế xử lý các chất thải, nước thải tập trung. Câu hỏi đặt ra, ai là người đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cụm công nghiệp này.
Hiện nay gần như không có ai cả. Bởi các nhà đầu tư lớn thì muốn đầu tư hạ tầng vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới. Người ta làm mới toanh và đầu tư vào những ngành nghề không gây ô nhiễm, còn bản thân làng nghề đang tồn tại và đang gây ô nhiễm nên không ai muốn đầu tư.
Đầu tư vào thì chi phí khá lớn, kéo theo giá cho thuê buộc phải tăng cao. Muốn giải quyết được những bất cập đang tồn tại, cần một sự đầu tư mạnh tay. Nhà nước thì không có đủ tiền để làm. Còn với những nhà đầu tư tư nhân, không có lợi ích thì không đời nào họ bỏ tiền ra. Giống như chúng ta mong muốn cải tạo các nhà chung cư cũ. Chính sách thì rất tốt nhưng chỉ triển khai được 1%.
Ngoài vấn đề lợi ích của các nhà đầu tư cụm công nghiệp làng nghề, còn bất cập nào nữa thưa ông?
Như đã nói, giá thuê ở nhiều cụm công nghiệp làng nghề còn quá cao. Nếu giá quá cao thì các chủ cơ sở vẫn phải bám lấy quy trình sản xuất cũ theo kiểu không có đầu tư cho môi trường.
Xỉ thải chất cao như núi ở Mẫn Xá (Ảnh: Toàn Vũ).
Trước thực trạng báo động như hiện nay thì điều cần làm trước tiên là gì thưa ông?
Tôi cho rằng, phải rà soát từng làng nghề một, để quyết định làng nghề nào, cơ sở sản xuất loại nào được giữ lại và nơi nào phải giải tán. Chúng ta cần phát triển công nghiệp hiện đại chứ không phải công nghiệp cổ như vậy.
Làng nghề có nhiều vai trò, trong đó chúng ta phải cân nhắc giữa văn hóa và kinh tế. Với những làng nghề được giữ lại, Nhà nước nên có chính sách trợ giúp. Chẳng hạn như trợ giúp về hạ tầng cho các cụm công nghiệp làng nghề. Từ đó, mức giá thuê hợp lý thì người dân mới mặn mà.
Chủ trương đề ra phải cụ thể chứ không nên chung chung cho mọi làng nghề. Phải nghiên cứu từng làng nghề một cách công tâm, khách quan độc lập, từ đó vạch ra lịch trình cụ thể.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mời quý vị độc giả xem thêm video: Giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề