GS Harvard gợi ý giải pháp chuyển đổi số trong giáo dục ở Việt Nam

Những nỗ lực ứng phó với dịch bệnh Covid-19 vừa qua và quyết tâm tiên phong chuyển đổi số thời gian tới của ngành Giáo dục Việt Nam đã được các tổ chức quốc tế như UNICEF, AUF, cùng giáo sư Trường ĐH Harvard ghi nhận, đánh giá cao.

Bên lề Hội nghị ASEAN - UNICEF về “Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”, bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam nhận định: “Những giải pháp được đưa ra nhanh, hành động khẩn trương, hiệu quả. Toàn bộ lực lượng của ngành Giáo dục được huy động để duy trì hoạt động học tập cho học sinh trong dịch bệnh Covid-19. Theo tôi, đó là một nỗ lực tuyệt vời”.

Trong khi đó, Giáo sư Jean-Marc Lavest, Giám đốc Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) cho rằng ngành Giáo dục Việt Nam đã phân tích khá tốt bối cảnh, nhờ đó, có sự chuẩn bị cũng như bước đi đúng đắn.

Hội nghị ASEAN - UNICEF về “Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”.

Hội nghị ASEAN - UNICEF về “Chuyển đổi kỹ năng số các hệ thống giáo dục trong toàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á”.

Đồng quan điểm, Giáo sư Fernando Reimers, Trường Đại học Havard cho biết, GS đã cộng tác với nhiều cộng sự ở nhiều nước trên thế giới để thực hiện một nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về những bài học thực tiễn mà nền giáo dục các nước đã làm tốt trong đại dịch để các nước khác có thể học hỏi.

Kết quả, theo GS Reimers, “Chúng tôi đã chọn Việt Nam làm ví dụ để các nước khác có thể học hỏi kinh nghiệm”.

GS Reimers đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong việc tìm kiếm những cách thức học tập mới và sử dụng những công cụ khác nhau như công nghệ trực tuyến, truyền hình, truyền thanh, học liệu để đảm bảo việc học sinh không bị gián đoạn việc học.

Đồng thời, trong đại dịch này, Việt Nam đã nỗ lực trong các sáng kiến và hành động để hướng tới cả những học sinh khó có thể tiếp cận nhất. Đồng thời, xem thách thức này như một cơ hội để thay đổi những ưu tiên, cân bằng lại chương trình học, để nhìn lại và cùng nhận định những kỹ năng nào là cần thiết, theo đó, tập trung vào các kỹ năng nhận thức và kỹ năng cảm xúc xã hội.

Khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường tính đoàn kết, tương trợ lẫn nhau giữa các nước, GS Reimers bày tỏ: “Tôi rất vui mừng được nhìn thấy Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo trong khu vực khi khởi xướng, cùng các Bộ trưởng Giáo dục các nước tìm kiếm những giải pháp hiệu quả cho khu vực. Đây là thời điểm mà tất cả chúng ta cần thể hiện trách nhiệm với trẻ em và sự giáo dục của trẻ em”.

Bà Rana Flowers, Trưởng Đại diện UNICEF Việt Nam cho rằng, chính vì những khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19, Việt Nam cần thúc đẩy hơn nữa học tập trực tuyến trong thời gian tới. Bởi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra như vũ bão trên thế giới. "Mọi thứ không còn như xưa nữa” - bà Rana Flowers nói.

Giáo viên và học sinh đều cần những kỹ năng mới

Để quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đi đến thành công, GS Reimers lưu ý, cần ghi nhớ rằng, chuyển đổi kỹ thuật số không phải là điểm đến mà là công cụ dẫn tới điểm đến.

“Tôi mong rằng Việt Nam tiếp tục củng cố quá trình tìm hiểu đâu là những năng lực mà học sinh cần được phát triển và sử dụng khung năng lực đó để thực hiện quá trình chuyển đổi kỹ thuật số này”, GS Reimers nói.

GS gợi ý, đây là lúc nên nghĩ đến những kỹ năng cần phát triển như: khả năng tự định hướng, sáng kiến, khả năng tự nhìn nhận, khả năng hợp tác, khả năng xử lý vấn đề,…

Bà Rana cũng cho rằng, đổi mới giáo dục phải là cuộc đổi mới sâu rộng, không để mất đi thế mạnh của những môn học truyền thống, song cần bổ sung, tích hợp những nội dung mới để “xóa mù” công nghệ cho trẻ em và đảm bảo các em được trang bị những kỹ năng mới.

Theo bà Rana, phải đổi mới công tác dạy học của giáo viên, không còn lớp học giáo viên nói và học trò nhắc lại. Đây sẽ là một thay đổi, cải cách rất lớn,để thành công, đòi hỏi vai trò chủ động của giáo viên.

“Muốn làm những điều này cần sự vào cuộ̣c của Chính phủ, khu vực tư nhân, cũng như cha mẹ học sinh. Chúng ta cũng cần internet để trẻ em có thể tiếp cận giáo dục trực tuyến. Tất cả những nỗ lực này nhằm đảm bảo không có trẻ em nào bị bỏ lại phía sau”, bà Rana Flowersnói.

GS Jean-Marc Lavest (AUF), một yếu tố quan trọng nữa là bài giảng. Cần chuyển từ bài giảng trực tiếp sang bài giảng trực tuyến. Đây cũng là khó khăn trong hành trình chuyển đổi số và đòi hỏi sự tham gia của nhiều cơ quan hữu quan.

Huyền Linh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/khoa-hoc/gs-harvard-goi-y-giai-phap-cho-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-o-viet-nam-682244.html