GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng: Người thầy hiện đại cần thay đổi để thích ứng

Người thầy hiện đại là người thầy phù hợp với thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của kỷ nguyên số.

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, người thầy hiện đại cần thay đổi để thích ứng.

GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, người thầy hiện đại cần thay đổi để thích ứng.

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11), GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng cho rằng, kỷ nguyên số, hay còn gọi là cuộc cách mạng số hóa đang tác động sâu rộng tới với lĩnh vực giáo dục trên khắp thế giới. Việc ứng dụng công nghệ số và Internet vào giáo dục đã mang lại nhiều cơ hội và thách thức mới, ảnh hưởng không chỉ đến cách chúng ta giảng dạy, học tập, mà còn đến cơ cấu, nội dung, mục tiêu của giáo dục và cả người thầy.

Người thầy hiện đại phải như thế nào dưới góc nhìn của ông?

Theo tôi, người thầy hiện đại phải phù hợp với thời đại - thời đại của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, của kỷ nguyên số. Họ cần đủ tri thức để khuyến khích người học biết tận dụng các lợi ích của kỷ nguyên số nhưng không sa đà vào thế giới mạng để giải trí. Mỗi nhà giáo phải biết định hướng thế hệ trẻ sống có lý tưởng, có hoài bão và khát khao lập nghiệp. Hơn thế, người thầy vừa có kiến thức vững vàng, vừa có kỹ năng sư phạm tốt, trên hết là biết yêu thương và hướng thế hệ trẻ sống tử tế.

Bên cạnh cơ hội, giáo viên thời nay thường gặp những khó khăn, rào cản gì?

Mỗi giáo viên có những khó khăn khác nhau. Bên cạnh những áp lực từ nhiều phía thì đời sống của không ít giáo viên hiện nay vẫn còn khó khăn, thiếu thốn. Do đó, cần quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của người thầy, để họ yên tâm công tác.

Chất lượng giáo dục hiện nay không bị hạn chế bởi chương trình, sách giáo khoa như nhiều người thường nói. Thế hệ chúng tôi học ở Khu học xá Trung ương trong kháng chiến chống Pháp. Hồi ấy đâu có chương trình, cũng chẳng có sách giáo khoa, vậy mà lớp chúng tôi – những cá nhân xuất sắc như Hồ Ngọc Đại, Ma Văn Kháng… đều ghi nhớ đến tận hôm nay các kiến thức được học. Chúng tôi may mắn được học một đội ngũ các thầy cô giáo uyên bác và yêu nghề. Vậy nên, theo tôi cách tốt nhất là giúp các thầy cô nâng cao được chất lượng bài giảng, cập nhật kiến thức không ngừng.

Nhiều người cho rằng, nhà giáo trong thời chuyển đổi số phải thay đổi. Vậy họ phải chuyển đổi như thế nào cho phù hợp?

Đúng vậy, chuyển đổi số là sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động để thay đổi phương thức vận hành, văn hóa, từ đó tối ưu hóa hiệu suất làm việc để tạo ra giá trị mới cho mọi người. Học sinh, sinh viên ngày nay đều có điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop để phục vụ cho việc học. Các em có thể tự thu thập kiến thức trên mạng, thậm chí nhiều em còn biết tận dụng cả ChatGPT để học tập. Đối với các thầy cô, chuyển đổi số, ChatGPT là cơ hội tốt để tự nâng cao kiến thức cũng như chất lượng bài giảng.

Các tiến bộ công nghệ của kỷ nguyên số tạo điều kiện thuận lợi để người thầy không ngừng nâng cao kiến thức. Chỉ cần có ý chí muốn tiến bộ cùng với các phương tiện chưa bao giờ thuận lợi như ngày nay, giáo viên có thể tự nâng cao tri thức, chuyên môn phù hợp với sự nghiệp cao cả của mình. Bên cạnh tinh thần học suốt đời còn có vấn đề không kém phần quan trọng là người thầy cần biết tự nâng cao lòng yêu nghề, yêu trẻ, coi sự nghiệp đào tạo ra các thế hệ giỏi giang và tử tế là hạnh phúc lớn lao của đời mình.

Trước những biển đổi không ngừng của xã hội, giáo viên được ví như những “kiến trúc sư trí tuệ” để tạo ra thế hệ tương lai cho đất nước?

Giáo viên phải tự thay đổi để thích ứng với thời cuộc. Mỗi thầy cô không chỉ là những “kiến trúc sư trí tuệ” mà còn phải là những “kiến trúc sư tâm hồn” để tạo ra một thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về kiến thức và là những thanh niên yêu nước. Để làm sao các em sống có lý tưởng cao đẹp, có hoài bão lớn lao, biết sống tử tế với xã hội và mong ước có những cống hiến với quê hương, với dân tộc.

Ngày nay, việc học suốt đời đã trở thành thực tế, các tiến bộ công nghệ cho phép mọi người có điều kiện để học cái mà mình yêu thích nhất ở bất kỳ lứa tuổi nào. Vậy người thầy hiện đại cần có những kiến thức gì, kỹ năng gì, theo ông?

Tôi cho rằng, người thầy hiện đại cần bổ sung, cập nhật nhiều kiến thức, kỹ năng để không bị lỗi nhịp. Đặc biệt, cách dạy và học cũng thay đổi. Sự phát triển của các nền tảng học trực tuyến và lớp học ảo đã làm thay đổi cách giảng dạy và học tập truyền thống. Giờ đây, người học có thể truy cập vào các khóa học từ mọi nơi trên thế giới và tự quản lý thời gian học tập của họ. Điều này giúp phá vỡ rào cản không gian và thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho học tập liên tục.

Các ứng dụng di động giúp học viên dễ dàng truy cập tài liệu học tập, bài giảng và các tài liệu tham khảo. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập dựa trên nhu cầu và tự học. Bản thân nhà giáo cũng phải “chuyển mình” không ngừng, phải cập nhật kiến thức liên tục để có thể bắt kịp dòng chảy của thời đại. Giáo dục phải khơi tính tự học cho học sinh, rèn luyện cho người học tính tự chủ, kỹ năng tìm kiếm tri thức chứ không phải kiểu “thầy đọc, trò chép”.

Kỷ nguyên số tác động thế nào đến ngành giáo dục, thưa ông?

Kỷ nguyên số đã kết nối học sinh trên toàn thế giới. Các em có thể tham gia vào các khóa học quốc tế, dự án hợp tác, trao đổi kiến thức một cách dễ dàng, tạo nên một sự đa dạng về quan điểm và văn hóa. Đồng thời, kỷ nguyên số đã thay đổi cách chúng ta học tập và giảng dạy. Nó mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Để tận dụng được tiềm năng của kỷ nguyên số trong giáo dục, chúng ta cần xem xét cẩn thận cách áp dụng công nghệ và đảm bảo rằng không ai bị bỏ lại phía sau.

Có một số thành tựu quan trọng trong lĩnh vực giáo dục đã được đạt được trong kỷ nguyên số. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng còn nhiều thách thức và vấn đề phải đối mặt trong kỷ nguyên số, bao gồm việc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân, giải quyết bất bình đẳng trong việc tiếp cận công nghệ giáo dục. Ngoài ra, cần phải có sự giám sát và kiểm tra chất lượng liên tục để đảm bảo rằng ChatGPT đáp ứng các tiêu chuẩn giáo dục và mang lại giá trị thực sự cho học sinh và giáo viên.

Chung quy lại, để chuyển đổi số trong giáo dục thành công phải bắt đầu từ người thầy. Mong rằng, mỗi một nhà giáo đều nỗ lực, phấn đấu xứng đáng với lòng tin yêu không chỉ của thế hệ trẻ mà còn của các bậc phụ huynh và toàn xã hội. Bản thân tôi, mỗi năm đến dịp 20/11, trong tôi lại hiện lên hình ảnh từng thầy cô giáo cũ với tất cả lòng biết ơn và sự quý trọng.

Xin cảm ơn ông!

Nguyệt Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/gs-ngnd-nguyen-lan-dung-nguoi-thay-hien-dai-can-thay-doi-de-thich-ung-250346.html