GS. Nguyễn Lân Dũng: Người trẻ phải học không ngừng, có năng lực thích ứng trong 'cơn bão' công nghệ
Theo GS. Nguyễn Lân Dũng, trong thế giới VUCA, người trẻ cần phải học và cập nhật liên tục, tiến tới có một năng lực thích ứng, phải sáng tạo và trong tư thế chủ động trước những vấn đề khó lường…
Khái niệm VUCA dùng để mô tả về thế giới “đa cực”, được xác lập khi thỏa mãn 4 điều kiện: Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity). Thế hệ trẻ hiện nay đã được sống trong thế giới công nghệ hiện đại, đắm mình trong môi trường số.
GS. NGND. Nguyễn Lân Dũng đã chia sẻ góc nhìn về những thuận lợi và thách thức mà người trẻ đang gặp phải trong thời đại này.
Thế giới chúng ta đang sống đầy biến động, thay đổi khó lường. Theo ông, giáo dục cần chuẩn bị gì cho con người để có thể sống với thế giới VUCA?
Tổ chức UNESCO dự báo, công nghệ thông tin sẽ làm thay đổi nền giáo dục một cách cơ bản và toàn diện, có hệ thống và mang tính hội nhập cao vào đầu thế kỉ 21.
Theo các chuyên gia, sự bùng nổ và phát triển về công nghệ giáo dục sẽ tạo ra những phương thức giáo dục phi truyền thống. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của nền giáo dục mang tính chuyển đổi sâu sắc vì con người (sự gia tăng tri thức và nhu cầu chia sẻ, tập trung hóa kiến thức và dịch chuyển năng lực…). Do vậy, cần phải nhìn nhận lại giá trị và ý nghĩa của việc dạy học trong sự phát triển vượt bậc của công nghệ.
Vậy sự bùng nổ của công nghệ ảnh hưởng thế nào đến năng lực kết nối toàn cầu của giới trẻ hiện nay?
Toàn cầu hóa là một cơ hội cho giới trẻ phát huy khả năng của mình, đồng thời đón nhận những luồng văn hóa mới. Tuy nhiên, giới trẻ cũng phải đối diện với những khó khăn, thách thức không nhỏ.
Hơn nữa, toàn cầu hóa đã và đang làm lu mờ những giá trị đạo đức của con người. Kinh tế số, chuyển đổi số còn là xu hướng tất yếu của Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới trong bối cảnh hiện nay. Nhưng để phát triển được nền kinh tế số, Việt Nam phải vượt qua một số thách thức, trong đó có thách thức về nguồn nhân lực.
"Thực tế cho thấy, yếu tố người thầy có vị trí quan trọng, tác động trực tiếp và tích cực nhất đến chất lượng giáo dục. Công cuộc đổi mới giáo dục có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ người thầy. Do vậy, điều quan trọng là phải làm sao để nâng cao chất lượng của đội ngũ thầy cô giáo".
Hiện nay, xảy ra tình trạng thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp; kỹ năng, tay nghề, thể lực và tác phong lao động công nghiệp còn yếu nên khả năng cạnh tranh thấp. Tại Việt Nam, cứ bốn lao động nam có việc làm thì một người đã qua đào tạo, tỷ lệ là 25%; trong khi ở nữ giới, tỷ lệ này là 20%. Rõ ràng, tỷ lệ này còn rất thấp, hơn nữa, bất bình đẳng giới còn thể hiện trong việc tiếp cận giáo dục và đào tạo trong lao động.
Tức là những rào cản mà giới trẻ đang gặp phải hiện nay khiến các em phải thay đổi?
Có người nói rằng, điều đáng sợ hơn của thế hệ trẻ hiện đại chính là sự hời hợt, làm gì cũng không thực sự đam mê, không tập trung sức lực. Tuổi trẻ là những nhà lãnh đạo trong tương lai của một quốc gia. Vì vậy, điều quan trọng là phải giáo dục người trẻ những giá trị tốt đẹp, thái độ chịu trách nhiệm cũng như khả năng thích ứng với mọi sự đổi thay. Thực tế cho thấy, giáo dục chính quy dường như không cung cấp được bộ kỹ năng đầy đủ, cần thiết như kỹ năng giao tiếp, sáng tạo, tư duy phản biện và một số kỹ năng mềm khác.
Trong bối cảnh đó, người trẻ cần nền giáo dục thế nào để trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao?
Để có một nền kinh tế bền vững thì một trong những yếu tố quan trọng là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nhân lực chất lượng cao cũng là nguồn lực chính quyết định quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội.
Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, cũng là chủ thể của sự phát triển. Hơn nữa, nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Tuy nhiên, thực tế có không ít doanh nghiệp đặc biệt chú trọng tới chiến lược kinh doanh mà quên đi việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Điều này khiến cho nguồn lực không đáp ứng nhu cầu phát triển của doanh nghiệp.
Theo tôi, các doanh nghiệp cần thiết đưa ra chiến lược phát triển nguồn nhân lực bên cạnh chiến lược kinh doanh mới mong phát triển bền vững.
Phát triển nguồn nhân lực là quá trình phát triển thể lực, trí lực, khả năng nhận thức và tiếp thu kiến thức tay nghề, tính năng động xã hội và sức sáng tạo của con người; nền văn hóa; truyền thống lịch sử…
Do đó, phát triển nguồn nhân lực tức là nâng cao năng lực xã hội và tính năng động của nguồn nhân lực. Đó là thể lực, nhân cách, sử dụng và phát huy hiệu quả nhất năng lực đó để phát triển đất nước.
Ông có khuyến nghị gì để đổi mới giáo dục thành công? Những vấn đề cốt lõi cần thay đổi là gì?
Thực tế cho thấy, yếu tố người thầy có vị trí quan trọng, tác động trực tiếp và tích cực nhất đến chất lượng giáo dục. Công cuộc đổi mới giáo dục có thành công hay không phụ thuộc rất lớn vào đội ngũ người thầy. Do vậy, điều quan trọng là phải làm sao để nâng cao chất lượng của đội ngũ thầy cô giáo.
Mục tiêu, phương hướng chung là đẩy mạnh việc thực hiện nhiệm vụ chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo, tiến tới tất cả giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Cán bộ quản lý giáo dục các cấp phải qua đào tạo về nghiệp vụ quản lý.
Xây dựng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Đồng thời, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn với yêu cầu khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, yêu cầu của cuộc CMCN 4.0.