GS Nguyễn Minh Thuyết: Học 2 buổi/ngày là cách giảm tải chương trình
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, học 2 buổi/ngày là cách giảm tải chứ không phải tăng khối lượng học tập.
Chiều 19/1, Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo thông tin về dự thảo chương trình 20 môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Giảm tải nhiều nội dung
GS Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - cho hay nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học quá tải là chương trình, sách giáo khoa và phương pháp giảng dạy.
“Sắp tới thực hiện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, vì vậy, việc sách giáo khoa có quá tải hay không cũng là yếu tố cạnh tranh giữa các bộ sách. Chương trình chỉ yêu cầu đến mức độ này nhưng sách lại dạy tăng kiến thức, gây nặng nề cho học sinh, đồng nghĩa việc sẽ không được lựa chọn", ông Thuyết nói.
Về việc giảm tải trong khi triển khai thực hiện chương trình mới, theo GS Thuyết, có rất nhiều cách như: Cắt bớt các bài tập lắt léo hoặc kiến thức khó, đánh đố không cần thiết với học sinh. Kiến thức này chỉ phục vụ một số cuộc thi.
GS Nguyễn Minh Thuyết nêu ví dụ ở môn Toán, chương trình mới sẽ bỏ bớt những kiến thức khó và chưa thiết thực như kỹ thuật phân tích đa thức thành nhân tử, số phức… Ở môn Lịch sử, cấp tiểu học dạy dưới dạng các câu chuyện lịch sử (ký ức lịch sử). Cấp THCS dạy thông sử theo tiến trình thời gian. Cấp THPT dạy theo chủ đề.
"Phương pháp giảng dạy của thầy cô cũng cần có sự thay đổi. Ví dụ trước kia, giáo viên nói từng chữ theo sách giáo khoa, nay để cho học sinh tư duy và vận động", GS Thuyết nói.
Theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, cấp tiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày. Trước câu hỏi vì sao chủ trương giảm tải nhưng học sinh lại học cả ngày, theo tổng chủ biên, đây cũng là cách thức để giảm tải chương trình. Hiện tại, 80% học sinh tiểu học học 2 buổi/ngày.
GS Nguyễn Minh Thuyết lý giải cùng một khối lượng nội dung học tập, khi tăng thời gian thực hiện thì việc học sẽ nhẹ nhàng hơn.
SGK không phải pháp lệnh
Cũng theo GS Nguyễn Minh Thuyết, khoảng tháng 4, Bộ GD&ĐT sẽ ban hành chương trình môn học. Theo Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình SGK của Quốc hội, nhiều tổ chức, cá nhân có thể biên soạn SGK theo ý tưởng của họ sao cho hiệu quả.
Về việc thiết kế sách giáo khoa, mỗi tổ chức, cá nhân có thể có ý tưởng riêng cho hiệu quả. Tuy nhiên, SGK không phải pháp lệnh như quan niệm trước, mà chỉ là tài liệu chính thức trong nhà trường để giáo viên chủ động sáng tạo. Do đó, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt trong giảng dạy.
Khẳng định đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình mới, GS Thuyết cho hay Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị chu đáo việc đào tạo nguồn nhân lực và tập huấn giáo viên.
"Chúng ta còn 3-4 năm để chính thức triển khai chương trình. Thời gian này cũng đủ để tạo ra đội ngũ người thầy dạy cho những môn học tích hợp mới”, ông Thuyết nói.
Về cơ sở vật chất, chương trình mới được xây dựng trên cơ sở phù hợp điều kiện thực tế của địa phương, không có đòi hỏi gì quá đặc biệt. Chương trình mới yêu cầu các trường trường tiểu học có tối đa 35 học sinh/lớp, 45 học sinh/lớp với cấp THCS và THPT. Nội dung về thiết bị dạy học chỉ là định hướng cho các trường thực hiện tốt hơn chương trình môn.