GS.TS. Furuta Motoo và hành trình nửa thế kỷ khám phá Việt Nam
Nhằm cung cấp thêm cho bạn đọc góc nhìn của một học giả nước ngoài về Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp với Sbooks phát hành cuốn sách với tiêu đề Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản của GS.TS. Furuta Motoo.

Bìa cuốn sách "Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản" của GS.TS Furuta Motoo
GS.TS. Furuta Motoo là một nhà nghiên cứu về Việt Nam kỳ cựu, thông thạo tiếng Việt. Bắt đầu nghiên cứu về Việt Nam từ cuối những năm 1960, đến nay ông trở thành chuyên gia hàng đầu về Việt Nam học ở Nhật Bản. Ông hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Nhật - Việt; Hiệu trưởng Trường Đại học Việt Nhật, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông là tác giả nhiều cuốn sách nghiên cứu về các vấn đề lịch sử của Việt Nam và đã được xuất bản ở Việt Nam trong những năm qua.
Trong cuốn sách, đất nước Việt Nam hiện lên khá sinh động về điều kiện tự nhiên, kinh tế, chính trị, văn hóa, lịch sử, truyền thống, quan hệ đối ngoại, con người... từ thời kỳ bắt đầu dựng nước cho đến cuối những năm 2010. Với khối lượng tư liệu đồ sộ, đề cập rất nhiều sự kiện suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, đặc biệt trong những thời điểm, giai đoạn quan trọng của đất nước, tác giả đã cung cấp những tư liệu và đưa ra những nhận định, đánh giá dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu nước ngoài rất đáng ghi nhận.
Trong Lời giới thiệu cuốn sách, GS.TSKH.NGND. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử, đánh giá cao kinh nghiệm cũng như tâm huyết của GS.TS. Furuta Motoo trong nghiên cứu những biến chuyển cực kỳ phong phú, sinh động, giàu bản sắc và cũng hết sức phức tạp trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt, ông cảm thấy bất ngờ trước những chi tiết thú vị và thực tế mà GS.TS. Furuta Motoo đã đưa vào cuốn sách như: mô tả thực tế việc nuôi lợn, gà ngay trong gian nhà bé nhỏ thời bao cấp; hay những việc đời thường như cách thức người Việt Nam tham gia giao thông, hình ảnh người thợ cắt tóc ôm gương cùng với đồ nghề bỏ chạy khi bị đội trật tự của chính quyền đến dẹp rồi lại quay về khi họ đi qua; hay việc cúng “nhập trạch” khi khai trương trụ sở - một biểu hiện của tâm lý trọng thị yếu tố tâm linh của người Việt,...
Các trang sách Việt Nam - Một góc nhìn từ Nhật Bản cho thấy rõ, GS.TS. Furuta Motoo đã miệt mài nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Việt Nam và viết lại từ chính sự dày công tìm hiểu trong suốt gần nửa thế kỷ của mình. Có thể coi cuốn sách này như một tổng kết các nghiên cứu của ông về Việt Nam khi đã ngoài tuổi thất thập và vẫn tiếp tục dành tình yêu cho Việt Nam thông qua những tìm tòi, nghiên cứu, kiến giải không ngừng nghỉ. Cuốn sách cũng sẽ bổ sung vào kho tri thức cho bạn đọc trong và ngoài nước nhiều kiến thức mới, góc nhìn mới giúp bạn đọc có thêm cái nhìn tổng quan, sinh động về lịch sử Việt Nam thông qua cách nhìn nhận của một Giáo sư người nước ngoài.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một người nước ngoài, có một số phân tích, nhận định, đánh giá của tác giả về những sự kiện, vấn đề lịch sử, nhân vật lịch sử mang ý kiến chủ quan, khác với quan điểm chính thống ở Việt Nam; một số dữ liệu, sự kiện lịch sử dựa theo tư liệu sưu tầm của tác giả, chưa hoàn toàn chính xác. Tôn trọng tác giả và để bạn đọc có thêm tài liệu trong việc tham khảo, nghiên cứu, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cố gắng giữ nguyên một số ý kiến của tác giả và khẳng định những ý kiến đó không phản ánh quan điểm của Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật.