GS.TS Hoàng Xuân Cơ: Tiết kiệm năng lượng - Câu chuyện không chỉ riêng của nước nghèo [Bài 2]

Năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống cũng như phát triển kinh tế. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia....

Năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống cũng như phát triển kinh tế. Vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, đóng góp cho công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Nhất là trong thời đại có nhiều biến động về nguồn cung năng lượng thế giới, đến nỗi cả các nước phát triển cũng phải kêu gọi và áp dụng nhiều giải pháp tiết kiệm năng lượng.

Trên thực tế, các chính sách tăng giá năng lượng, hạn chế tiêu dùng, tìm kiếm nguồn cung mới… đã và đang được thực thi ở nhiều nước nhưng vẫn còn đó những nghi ngờ về tính hiệu quả và khả năng giải quyết được vấn nạn khan hiếm trong tương lai gần. Những cam kết của các nước đưa ra trong COP26 cũng là động lực để tất cả mọi người, mọi quốc gia phải chú ý đến việc tiết kiệm năng lượng, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch, giảm phát thải khí nhà kính để đến 2050 đạt phát thải ròng bằng không (Net zero emission of greenhouse gas).

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, để tiết kiệm năng lượng có hiệu quả cao phải tìm cách trả lời các câu hỏi như ai có thể tham gia tiết kiệm năng lượng? Tiết kiệm bằng cách nào? Làm thế nào để đánh giá được hiệu quả của các chương trình, các kế hoạch và các hoạt động tiết kiệm năng lượng. Dưới đây tôi xin trình bày một số ý kiến, bàn luận về các vấn đề này.

Để tập trung và giới hạn phân tích, năng lượng ở đây chỉ đề cập tới các loại như điện, than, xăng dầu, khí ga.

Về lý thuyết, tất cả những người trực tiếp hay gián tiếp tiêu thụ năng lượng đều có thể tiết kiệm được. Tuy nhiên, mỗi người, trên các cương vị khác nhau lại có khả năng tiết kiệm ở những mức khác nhau. Một cá nhân không giữ cương vị lãnh đạo nào thì họ có thể tự tiết kiệm khi dùng điện, dùng ga, dùng xăng dầu (bằng nhiều cách khác nhau) và họ còn có thể tác động để những người thân xung quanh cùng tiết kiệm năng lượng. Một cá nhân giữ trọng trách, cương vị lãnh đạo có thể chỉ đạo cơ quan mình thực hành tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là lãnh đạo cấp cao có thể xây dựng và vận hành một chiến dịch, một kế hoạch tiết kiệm năng lượng trên quy mô lớn từ cấp quốc gia, cấp tỉnh/thành phố trở xuống.

Nếu có chủ trương đúng, biện pháp , giải pháp tốt thì đây là cách tiết kiệm hiệu quả nhất. Những chủ trương như vậy đi kèm với đầu tư nguồn lực hợp lý, được theo dõi, giám sát, đánh giá liên tục nên hiệu quả có thể cân đong đo đếm được. Thật ra, báo chí đâu đó nêu một số gương tiết kiệm năng lượng nhưng thiếu đánh giá về khả năng mở rộng, thiếu tính toán hoặc tính chưa đúng, chưa đủ hiệu quả thì sẽ giảm tính phổ biến và khó noi theo.

Với cá nhân từng người thì có thể tự nghĩ ra hoặc áp dụng cách thức nào đó để tiết kiệm năng lượng, ví dụ như khi ánh sáng tự nhiên trong phòng khá tốt thì phải tắt đèn, giảm chi phí xăng dầu cho những chuyến đi không cần thiết, mua lắp những thiết bị tiêu tốn ít năng lượng… Nếu mở mạng internet ta có thể thấy rất nhiều giải pháp có thể áp dụng để sử dụng ít hơn năng lượng cho chính cá nhân mình. Do chúng ta luôn sống trong cộng đồng người nên mỗi người tiết kiệm một chút cộng lại sẽ là con số tiết kiệm đáng kể.

Có lẽ trong giai đoạn “khủng hoảng” năng lượng đang xảy ra ở nhiều nơi thì mỗi người phải nghĩ đến tiết kiệm ở mọi nơi, mọi lúc và kiên quyết thực hiện thì hiệu quả sẽ rất cao. Nói thì dễ nhưng không mấy người thực hiện nên những chiến dịch truyền thông về thực hành tiết kiệm rất có tác dụng nhắc nhở mọi người nhớ đến “bổn phận” tiết kiệm của mình.

Mỗi cá nhân khi có chuyên môn giỏi hay một tổ chức chuyên ngành có thể đưa ra những sáng kiến mang tính nghề nghiệp có thể đưa đến lợi ích tiết kiệm rất lớn.

Tôi nhớ một nhóm các nhà khoa học ở Viện nghiên cứu ở Dresden, CHLB Đức đã cố gắng thiết kế các loại nhà ở, nhà công sở tiết kiệm năng lượng và chính trụ sở của họ là một cơ sở điển hình. Khi chúng tôi đến thăm quan, cán bộ ở đấy dẫn đi khắp các phòng chỉ rõ những ý đồ thiết kế tiết kiệm năng lượng bằng cách tận dụng tối đa điều kiện tự nhiên, chỉ sử dụng điện chiếu sáng ở các phòng làm việc khi mà không thể tận dụng ánh sáng bên ngoài. Ở đó, hội trường có các tường xung quanh bằng kính (hay vật liệu nào đó) có thể cho ánh sáng tự nhiên lọt vào đủ để mọi người có thể làm việc. Tất nhiên, khi có mặt bằng đủ rộng thì có thể thiết kế như vậy và khi hỏi liệu bên ngoài có thể gây mất tập trung cho cán bộ làm việc bên trong hay không thì họ trả lời sẽ dùng loại “kính” đặc biệt có thể giảm khả năng tác động này. Tôi không biết loại “kính” đặc biệt này có “đắt” hơn nhiều so với kính thường không nhưng tác dụng tiết kiệm năng lượng khi dùng nó rất rõ ràng.

Một giải pháp khác cũng hiệu quả đó là giảm mức tiêu thụ xăng dầu trong tham gia giao thông, đặc biệt là giao thông đô thị là tăng cường hệ thống giao thông công cộng. Ở một số Thành phố như ở Thủ đô Viên của nước Áo, hệ thống giao thông công cộng rất tốt, người ta có thể sử dụng tàu điện, xe buýt đến các ga cần xuống rồi “thuê” một chiếc xe đạp đến chỗ làm việc hoặc nơi muốn đến một cách nhanh chóng và lúc về thì ngược lại. Vì vậy, tôi thấy ô tô cá nhân có vẻ ít và đường phố yên tĩnh hơn rất nhiều. Tất nhiên để làm được như vậy họ cũng đã phải có kế hoạch từ rất sớm, nghiên cứu đồng bộ cơ sở hạ tầng, kể cả dành làn đường riêng cho người đi xe đạp. Khi tôi đến Viên, bạn đồng nghiệp hướng dẫn tôi rất cặn kẽ về hệ thống giao thông công cộng, từ cách tra trên bản đồ các vị trí, cách chọn phương tiện, chọn ga đi, ga đến và cách “thuê” và “trả” xe đạp nhưng vì thời gian quá ngắn nên tôi chưa kịp thử nghiệm.

Còn ở Việt Nam, cụ thể ở đây là Hà Nội, bây giờ phương tiện, cơ sở hạ tầng giao thông công cộng đã có những cải tiến, nâng cấp rất đáng ghi nhận, xe buýt đi đúng tuyến, dừng đỗ đúng bến, trên xe có hệ thống điều hòa, tuyến xe mở thêm nhiều nên lên xe buýt không còn quá đông (bị đuổi xuống nhiều như trước kia) nên khá thuận tiện cho người sử dụng.

Hiện nay, tôi thường xuyên sử dụng xe buýt để đi làm, đi họp, đi chơi (có lẽ vì tôi có vé “già” miễn phí, lại được ưu tiên nhường ghế), và mặc dù còn bất tiện như mất thời gian nhiều hơn nhưng có phần nào “an ủi” là mình đã tiết kiệm cho cả mình và cho xã hội. Tôi luôn ủng hộ chủ trương phát triển hệ thống đường sắt đô thị và rất mong sớm được đi tàu điện ngầm ở Hà Nội hoặc Thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến phàn nàn về đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông rồi cũng qua và bây giờ đã có những phản hồi tích cực khi đưa vào sử dụng.

Một “sáng kiến” trở thành phong trào là chia sẻ phương tiện đi lại bằng cách thông báo lịch trình dùng xe của mình trên “mạng” để những người khác có thể cùng sử dụng. Khi sang thành phố Idiana (Mỹ), nhóm chúng tôi đã tìm được một nguồn tin như vậy và lêm một xe của một sinh viên đi từ Idiana đến Chicago với giá rất rẻ và góp phần tiết kiệm năng lượng nữa. Đây là điều Việt Nam nên học tập và hoàn toàn có thể thực hiện được. Thái Lan đã có ý định thử nghiệm cấm xe ô tô con đi với chỉ một người trên xe, không biết bây giờ ra sao, ý định này có đưa vào thực tế được không.

Có lẽ ở quy mô lớn hơn, tầm quốc gia, quốc tế cần phải đưa ra chương trình hành động, chương trình nghiên cứu có tầm vóc lớn, chẳng hạn chương trình chế tạo các sản phẩm, thiết bị tiêu thụ ít nhiên liệu, kể từ bóng đèn điện đến xe máy, tivi, ô tô,… Hay, như ở Việt Nam chúng ta chưa sản xuất được những thiết bị như vậy thì có thể chọn, cho phép nhập khẩu những chủng loại hàng hóa có khả năng tiết kiệm năng lượng khi sử dụng.

Hiện nay, xu thế chung trên Thế giới chuyển sang kinh tế tuần hoàn với nội hàm là tận dụng chất thải thành dạng “tài nguyên” phục vụ phát triển nên phải chăng đốt rác phát điện cũng là phương cách tiết kiệm năng lượng. Báo chí gần đây nêu tình trạng có vẻ “u ám” ở các nước phương Tây khi mùa Đông 2022-2023 sắp tới mà chưa chuẩn bị đủ năng lượng (than, dầu, khí đốt) đến nỗi phải kêu gọi người dân tiết kiệm, hạn chế tiêu dùng.

Thế nhưng, liệu tiết kiệm đến chừng mực nào khi mà năng lượng quá cần thiết không chỉ cho sản xuất mà còn cho cả cuộc sống, sinh hoạt của từng cá nhân mỗi ngày. Đặc biệt, đối với tầng lớp thu nhập thấp sẽ phải đối mặt như thế nào khi mùa Đông đang đến gần.

Có nhiều đặt câu hỏi: Mình tiết kiệm làm gì khi mà lãnh đạo nhiều nước đang cho phép sản xuất quá nhiều vũ khí, gây chiến tranh tàn phá, đổ xuống sông xuống biển bao nhiêu là tài nguyên, năng lượng và cả tính mạng của hàng nghìn, hàng chục nghìn người mỗi năm? Câu hỏi này thật khó trả lời và đôi khi phải “loại bỏ” khỏi đầu óc để tiến hành các hoạt động tiết kiệm nói chung và tiết kiệm năng lượng nói riêng.

Như vậy, có nhiều cách, nhiều hoạt động, nhiều chương trình tiết kiệm năng lượng ở quy mô khác nhau, từ cá thể, công đồng đến quốc gia, quốc tế. Vấn đề là, phải luôn nhắc nhau nghĩ về chủ đề này và tích cực tham gia để tiết kiệm càng nhiều càng tốt cả bây giờ và cả mai sau nữa.

Chúng ta thực hành tiết kiệm nhưng cũng phải đánh giá được hiệu quả tiết kiệm để thấy giá trị của công tác này và tiếp tục tìm kiếm giải pháp tiết kiệm hiệu quả hơn. Vậy đánh giá hiệu quả bằng cách nào, có khó khăn gì không cần phải đặt ra. Bởi vì, tiết kiệm có thể là thay đổi hành vi, là chuyển đổi cách nghĩ, là thay đổi cách thức đầu tư để sử dụng năng lượng nên nó vừa mang lại lợi ích và vừa đi kèm chi phí. Việc bóc tách đâu là lợi ích, đâu là chi phí cần làm thường xuyên mới có số liệu tính toán hiệu quả.

Đi xe buýt, phương tiện công cộng thì tiết kiệm thấy rõ nhưng tốn thời gian chờ đợi, thời gian di chuyển (khi phương tiện phải giảm tốc độ để dừng đỗ), trong khi thời gian này có thể dùng vào việc khác mang lại nhiều lợi ích. Khi đó, một người về hưu đi chơi, dùng phương tiện công cộng là hợp lý nhưng với người quan trọng đi làm thì thời gian là “vàng bạc” nên dùng xe riêng hiệu quả hơn. Một bà nội trợ đề ra “chính sách” tiết kiệm nói chung trong đó có tiết kiệm năng lượng thì phải ghi chép lại mọi khoản chi, mọi hoạt động từng ngày để cuối tháng, khi có phiếu trả tiền điện thì biết được hiệu quả (khi so với tháng chưa tiết kiệm) và công bố để mọi người đều biết.

Tôi biết có nhiều bà “chủ nhà” như vậy, và khi làm trong nhiều tháng, nhiều năm sẽ biết gia đình mình tiết kiệm được bao nhiêu. Khi một thành viên gia đình mua mới một phương tiện (xe ô tô con chẳng hạn) giá cao hơn nhưng tiết kiệm xăng hơn thì phải tính hiệu quả qua tính tổng chi phí đi lại cả năm của cả 2 loại xe và tính tổng trong nhiều năm theo cách tính chi phí-lợi ích (CBA) để so sánh. Nhiều người tính toán cho thấy hiệu quả tiết kiệm của xe mua mới mặc dù đắt hơn nhưng sẽ tiết kiệm hơn về lâu dài (hiệu quả kinh tế cao hơn). Nhiều khi mua một hàng hóa đắt hơn chút ít nhưng hiệu quả rất cao.

Lấy một ví dụ về yêu cầu của giáo sư dạy toán khi yêu cầu sinh viên tính hiệu quả mua trứng to và trứng nhỏ (giả thiết là cùng chất lượng), nếu mua trứng to đắt hơn trứng nhỏ 20% nhưng kích thước (đường kính) trứng to cũng tăng 20% và coi trứng hình cầu thì sinh viên sẽ tính ra ngay lượng trứng (tính bằng thể tích) có thể lớn gấp 1,728 lần (1,2x1,2x1,2). Lưu ý ở đây chỉ là ví dụ về phương pháp đánh giá hiệu quả tiết kiệm.

Các chương trình tiết kiệm năng lượng ở một số quốc gia được tính và công khai hiệu quả áp dụng cho từng thời kỳ nên rất thuyết phục đối với người quan tâm. Một chương trình được áp dụng ở Nhật Bản cho hiệu quả cao đáng được xem xét, áp dụng cho Việt Nam. Theo [1], chương trình này có tên Top Runner (xin để nguyên tiếng Anh vì khó dịch ra tiếng Việt) được xây dựng và vận hành rất công phu, huy động nhiều tầng lớp nhân dân tham gia và thu được hiệu quả rất cụ thể như sau:

“Nhu cầu năng lượng bình quân đầu người ở Nhật Bản giảm 8% trong giai đoạn 2007-2017
Trong giai đoạn 2007-2017, việc sử dụng năng lượng để sưởi ấm không gian cho mỗi ngôi nhà đã giảm 20% , trong khi nhu cầu sử dụng năng lượng cho nước nóng và thiết bị dân dụng cho mỗi ngôi nhà giảm tương ứng 22% và 19%
Mức tiêu thụ năng lượng sơ cấp của ô-tô chở khách và xe tải hạng nhẹ đã giảm 22% trong giai đoạn 2000 – 2018”
…..

Ở Việt Nam cũng đã có những đánh giá hiệu quả, chỉ ra những con số tiết kiệm rất đáng ghi nhận, chẳng hạn, trong bài viết đăng ngày 10/8/2022 của tác giả Linh Lê trên cổng thông tin của Bộ Công thương Việt Nam [2] đã chỉ ra: cả nước đã tiết kiệm được 66.781 tỷ đồng tiền điện trong giai đoạn 2010-2021 nhưng rất cần chỉ rõ cách tính con số này và mức tiết kiệm của từng hoạt động cụ thể.

Qua bài viết này, tôi xin đúc kết lại ở 3. Thứ nhất, tiết kiệm năng lượng nói chung là hoạt động mà mọi người có thể tham gia. Vì vậy, Nhà nước cần có chủ trương khuyến khích để người dân có thể tham gia.

Thứ hai, để tiết kiệm năng lượng có hiệu quả phải tìm kiếm phương pháp, xây dựng chương trình có tính khả thi, chuẩn bị các nguồn lực để có thể giải quyết các công đoạn. Cần thực hiện và vận hành tốt, liên tục theo thời gian.

Thứ 3, phải có cách đánh giá hiệu quả của từng hoạt động của từng chương trình tiết kiệm để mọi người thấy và tích cự tham gia.

[1]. Chương trình Top Runer: Giải pháp hữu hiệu trong tiết kiệm năng lượng tại Nhật Bản

https://special.nhandan.vn/nangluong_nhatban/index.html

[2]. Cả nước đã tiết kiệm được 66.781 tỷ đồng tiền điện trong giai đoạn 2010-2021

https://moit.gov.vn/tin-tuc/su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua/ca-nuoc-da-tiet-kiem-duoc-66.781-ty-dong-tien-dien-trong-giai-doan-2010-2021.html

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/gsts-hoang-xuan-co-tiet-kiem-nang-luong-cau-chuyen-khong-chi-rieng-cua-nuoc-ngheo-bai-2-72099.html