GS. TS Nguyễn Minh Đoan: Cần khẩn trương xây dựng chính sách, pháp luật về bộ máy sau tinh giản
GS.TS Nguyễn Minh Đoan, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, tinh gọn bộ máy nhà nước nói riêng, bộ máy các tổ chức khác nói chung ở nước ta là tất yếu khách quan và cấp thiết trong kỷ nguyên mới, đó cũng là điều mong mỏi của các tổ chức và người dân.

GS.TS Nguyễn Minh Đoan - Giảng viên cao cấp, Nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật Hành chính - nhà nước, Đại học Luật Hà Nội.
Chấm dứt tình trạng “đã vào không ra”
Chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy đã được Đảng, Nhà nước ta quan tâm triển khai từ rất lâu nhưng bộ máy lại có xu hướng ngày càng phình to và đó có phải là một trong những lý do để cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được tiến hành gần đây không, thưa ông?
- Cải cách, hoàn thiện bộ máy nhà nước và bộ máy của các tổ chức khác, trong đó có vấn đề tinh gọn, giảm biên chế các cơ quan, nhất là các cơ quan hành chính, giúp việc (bộ phận lớn nhất, có số lượng các cơ quan và nhân viên đông nhất) là việc làm thường xuyên có tính quy luật đối với Nhà nước và các tổ chức khác. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến vấn đề cải cách, tinh gọn bộ máy trong Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX, XII, XIII đều nhấn mạnh các nhiệm vụ cụ thể về tinh gọn tổ chức bộ máy hoặc nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể tổ chức bộ máy hệ thống chính trị trong giai đoạn mới thông qua rất nhiều các hoạt động khác nhau. Kết quả của những việc làm trên đã làm cho các bộ máy mạnh hơn, trong sạch, thống nhất, thông suốt hơn, các công việc của Nhà nước, của doanh nghiệp, của người dân được thực hiện nhanh hơn, lợi ích, nhu cầu của Nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức được đáp ứng ngày một tốt hơn, thuận lợi hơn…
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao việc cải cách, hoàn thiện bộ máy vừa qua ở nước ta đã đạt được nhiều thành công mà đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của bộ máy nhà nước, cũng như của các bộ máy khác trong hệ thống chính trị hầu như không giảm hoặc giảm không đáng kể, thậm chí ở một số cơ quan, đơn vị còn tăng lên. Và như vậy, điệp khúc “đã vào không ra”, “đã lên không xuống” lại tiếp tục diễn ra trong tổ chức bộ máy ở nước ta. Chúng ta vẫn giữ lại trong bộ máy một bộ phận người làm việc chưa có hiệu lực, hiệu quả, chưa đảm bảo tiêu chuẩn, chức năng, điều kiện trình độ của cán bộ, công chức, đó là điều đáng suy nghĩ.
Vì vậy, có thể nói, vấn đề cải cách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong kỷ nguyên mới là việc làm không chỉ mang tính quy luật mà còn có tính cấp thiết, bởi bộ máy nhà nước và bộ máy các tổ chức khác ở nước ta giai đoạn vừa qua không chỉ “cồng kềnh, nhiều tầng nấc, hiệu lực, hiệu quả thấp” mà có xu hướng ngày càng phình ra to, cồng kềnh hơn; kết quả thực hiện chính sách tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế còn rất hạn chế.
Tinh gọn bộ máy phải xuất phát từ những thay đổi chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước
Theo ông, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở nước ta trong kỷ nguyên mới cần lưu tâm đến những khía cạnh nào?
- Theo tôi, việc tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế trong kỷ nguyên mới phải quán triệt một số quan điểm như sau: Phải xuất phát từ những thay đổi chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước và các tổ chức trong kỷ nguyên mới; phải phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phải phù hợp với điều kiện thực tế của đất nước và xu hướng phát triển của kỷ nguyên mới; phải làm cho bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hơn đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của kỷ nguyên mới. Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, hoàn thiện bộ máy phải được tiến hành thường xuyên, liên tục theo sự thay đổi, phát triển của đất nước.
Vậy đâu là những giải pháp cần thiết để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở nước ta trong kỷ nguyên mới, thưa ông?
- Để hiện thực hóa những quan điểm, chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy với phương châm “nói đi đôi với làm”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, nâng cao uy tín lãnh đạo của Đảng, khả năng, hiệu quả quản lý, quản trị của Nhà nước và các tổ chức khác, tạo tiền đề, chuẩn bị về mọi mặt đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam cần tập trung vào một số giải pháp quan trọng.
Một là, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến bộ máy nhà nước nói riêng, bộ máy các tổ chức nói chung, tinh gọn bộ máy, cải cách hành chính và tinh giản biên chế. Việc cải cách, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong kỷ nguyên mới, trong đó tập trung “Xây dựng bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, vững mạnh”, hướng tới mục tiêu “quyền lực nhà nước là thống nhất, được phân công rành mạch, phối hợp chặt chẽ, kiểm soát hiệu quả; nền hành chính, tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền, hiện đại; bộ máy nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đặc biệt phấn đấu xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, kỷ cương, năng động, hiệu lực, hiệu quả, lấy kết quả phục vụ và mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp là tiêu chí đánh giá. Để làm được việc đó thì xây dựng thể chế phải là khâu đầu tiên, bởi “trong 3 “điểm nghẽn” lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, thì thể chế là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với những người trực tiếp chịu ảnh hưởng của tinh gọn, tinh giản như giới thiệu việc làm, vị trí làm mới cho họ, hỗ trợ kinh phí… để họ thấy việc tinh gọn, tinh giản như vậy vừa mang lại lợi ích cho Nhà nước, xã hội, vừa bảo đảm được lợi ích của họ, thể hiện tính nhân văn của chủ trương, chính sách.
Hai là, tiếp tục phân cấp, phân quyền cho địa phương, xã hội hóa một số hoạt động nhà nước để giảm tải cho bộ máy nhà nước. Phân cấp, phân quyền, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương, của cấp dưới sẽ làm cho bộ máy nhà nước vững mạnh không chỉ ở Trung ương mà còn ở cả các địa phương. Nguyên tắc tập trung dân chủ sẽ không thể phát huy tác dụng khi nó bị biến dạng thành tập trung quan liêu. Tiếp tục nghiên cứu để đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, cấp dưới theo hướng nâng cao năng lực và trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, cấp dưới giảm dần sự can thiệp của chính quyền Trung ương, cấp trên vào những công việc có tính chất địa phương. Tiếp tục xã hội hóa một số dịch vụ công, một số công việc mà xã hội thực hiện hiệu quả hơn so với Nhà nước thì Nhà nước nên chuyển giao cho xã hội. Nhà nước chỉ quản lý và điều tiết thu nhập thông qua chính sách thuế, quy định nghĩa vụ xã hội đối với các tổ chức và cá nhân khai thác, sử dụng các nguồn lợi xã hội và có thu nhập cao.
Ba là, đổi mới phương thức quản lý, quản trị, không ngừng nâng cao năng suất lao động trong hoạt động quản lý nhà nước, quản trị quốc gia. Bước vào kỷ nguyên mới, thực hiện Nghị quyết số 18 NQ/TW về tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị đã làm cho bộ máy được tinh gọn, biên chế giảm, công việc ở một số lĩnh vực không giảm, thậm chí nhiều lên. Điều này đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, quản trị, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ vào hoạt động của Nhà nước và các tổ chức khác. Để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế thì giải pháp nâng cao năng suất lao động trong hoạt động quản lý là vô cùng quan trọng, nó không chỉ giúp giảm bớt số lượng cán bộ, công chức, viên chức mà còn làm cho họ đỡ vất vả khi thực thi công vụ. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan, cung cấp dịch vụ công. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ vào quản lý, quản trị, tăng cường các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động công vụ. Điều này cần phải được quan tâm đúng mức có như vậy năng suất lao động mới cao được.
Tôi cho rằng, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của bộ máy nhà nước, bộ máy của các tổ chức khác trong hệ thống chính trị là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Đảng phải lãnh đạo sâu sát, Nhà nước và các tổ chức khác phải thực hiện kiên quyết. Để thực hiện đầy đủ, có hiệu quả những chủ trương, chính sách mà Đảng đã chỉ ra đòi hỏi phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp từ nhận thức, tư duy đến hoàn thiện chính sách, pháp luật, thể chế và các hoạt động thực tiễn.
Với sự sáng suốt của Đảng, sự nỗ lực của Nhà nước, các tổ chức khác, ở các cấp, các ngành, quyết tâm của những người đứng đầu, nhất là của Tổng Bí thư Tô Lâm, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tổ chức và Nhân dân nhất định cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế ở nước ta sẽ thành công.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
GS.TS. Nguyễn Minh Đoan: Cần tổ chức, phân định lại các đơn vị hành chính lãnh thổ theo hướng quy mô lớn hơn để giảm bớt số lượng các cơ quan. Phải cải cách triệt để, cương quyết, phải trao đủ quyền hạn cho các cấp có thẩm quyền trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức, quy định trách nhiệm của họ trong tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đồng thời, hạn chế các mối quan hệ có thể chi phối hoạt động công vụ.