GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Mai Trọng Nhuận:Lâm Ðồng có ngành kinh tế biển mới phù hợp xu hướng thế giới

Đến với 'Hội thảo về những định hướng phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng mới trong giai đoạn 2026 - 2030 và những năm tiếp theo' được tổ chức tại tỉnh vừa qua, GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội rất quan tâm đến ngành kinh tế biển mới với các yếu tố, điều kiện đã và đang xuất hiện. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc phỏng vấn giáo sư làm rõ vấn đề này.

Thưa giáo sư, với tham luận “Đẩy mạnh phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh sau sáp nhập ba tỉnh Lâm Đồng - Bình Thuận - Đắk Nông giai đoạn 2026 - 2030, tầm nhìn năm 2050” của giáo sư trình bày tại hội thảo, người nghe cảm thấy hân hoan và hy vọng trước một trung tâm kinh tế biển mới đầy tiềm năng…

GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Mai Trọng Nhuận. Ảnh: N. Lân

GS.TS. Nhà giáo Nhân dân Mai Trọng Nhuận. Ảnh: N. Lân

Lâm Đồng có rất nhiều điều kiện để trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh, khi hiện đang là tốp đầu của cả nước về điều kiện tự nhiên, thể hiện ở 3 mặt. Đó là có trữ lượng cá lớn; năng lượng tái tạo; du lịch biển và đảo, trong đó có du lịch cát. Còn về điều kiện địa hình, cũng rất khác biệt, khi có vùng nước trồi, biển ấm quanh năm với lợi thế tự nhiên quá tốt. Bên cạnh là điều kiện về mặt địa chính trị, khi giáp ranh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đặc biệt, vùng trung tâm kinh tế biển này có hậu phương khổng lồ trải dài lên đến cao nguyên có diện tích lớn nhất nước. Hậu phương đó có nguồn nguyên liệu đặc biệt cho phát triển kinh tế biển nhưng đồng thời cũng là thị trường tiêu thụ cho chính nó.

Điều đáng chú ý, phát triển trung tâm kinh tế biển của Lâm Đồng hiện nay đang phù hợp với xu hướng của thế giới, khi kinh tế biển đang đóng vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển toàn cầu. Đặc biệt là những ngành kinh tế biển mới, đấy là năng lượng tái tạo, là chế phẩm từ sinh học biển… Ngành này rất phù hợp cho việc ứng dụng công nghệ tiên phong như trí tuệ nhân tạo, chíp…Như vậy, hướng phát triển biển, Lâm Đồng đang đi cùng thế giới. Còn với Việt Nam thì Lâm Đồng có nhu cầu, hậu phương, lợi thế để phát triển.

Cảng cá. Ảnh: N. Lân

Cảng cá. Ảnh: N. Lân

Vậy trong ngành kinh tế chung ấy, ngành nào giáo sư đánh giá là tiềm năng nhất, vượt trội nhất trong xu thế này, thưa giáo sư?

Tôi quan tâm đến ngành công nghiệp chế biến xanh và tuần hoàn. Ngoài chế biến khoáng sản titan, vùng ven biển Lâm Đồng là nơi đủ năng lượng, đủ không gian an toàn, đủ nước để làm mát. Vì công nghiệp chế biến quặng nhôm cực kỳ tiêu tốn năng lượng và với năng lượng hiện có khu vực phía Tây của Lâm Đồng không đáp ứng được. Bởi lượng nước làm mát thiếu, chi phí vận chuyển cao. Bây giờ, thay vì vận chuyển bằng ô tô thì làm đường ống từ Gia Nghĩa xuống vùng ven biển. Quặng sau khi lọc cát... thả chạy theo đường ống về vùng biển cho chế biến, rồi xuất cảng luôn. Theo dự tính của tập đoàn nhôm tại Gia Nghĩa cho thấy cách làm trên mang lại hiệu suất tăng rất nhiều, giảm giá thành nên đơn vị sẵn sàng cạnh tranh với bất cứ quốc gia nào sản xuất nhôm, vì giá rẻ nhất thế giới rồi.

Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Mũi Né, Lâm Đồng. Ảnh: N. Lân

Nhiều khu nghỉ dưỡng cao cấp ven biển Mũi Né, Lâm Đồng. Ảnh: N. Lân

Thưa giáo sư, việc xây dựng đường ống dài hàng trăm km như thế liệu có khả thi không?

Về mặt công nghệ thì hoàn toàn khả thi. Làm đường ống thì thế giới làm rồi nhưng nếu làm đường ống từ Gia Nghĩa xuống vùng biển của tỉnh thì chưa ai dài bằng Lâm Đồng nhưng nếu vậy thì chúng ta chia làm 2 chặng. Như đường dây 500 kV hồi đó dài nhất thế giới, người ta sợ suy giảm điện nhưng Trung ương vẫn nhất quyết làm và thực tế đem lại giá trị quá tuyệt. Ở đây phải tính toán chênh lệch độ cao, trọng lực và cả những bí quyết công nghệ mà phải học, phải mua để đảm bảo khả thi. Khả thi thứ 2 là những điều kiện tiên quyết để sản xuất sản phẩm này ở vùng ven biển như không gian, điện, nước thì đã có.

Cái còn lại khó nhất là vốn ban đầu để làm đường ống, để xây dựng 3 nhà máy. Theo dự án tiền khả thi về việc xây dựng trên, cho thấy hiệu quả cao chắc chắn sẽ huy động được vốn xã hội.

Tiếp nữa là nghiên cứu công nghệ vận tải để chuyển bằng đường ống về với độ mịn bao nhiêu để không bám thành, không có hiệu ứng bề mặt thành bình, kích thước, tốc độ… Phải thử nghiệm. Khó đấy nhưng chắc chắn là khả thi về kỹ thuật, công nghệ.

Nội dung còn lại quan trọng không kém là thể chế chính sách. Phải có một loạt chính sách đi kèm để đường ống vận chuyển quặng chạy êm, không ảnh hưởng người dân sống xung quanh, không ảnh hưởng du lịch. Còn thị trường nhôm thì ngay với công nghệ hiện có, giá nhôm đã cho lãi. Cộng thêm giảm giá thành vận chuyển, nguồn điện đủ, nguồn nước làm mát đủ, không gian mặt bằng an toàn thì sản phẩm nhôm của Lâm Đồng có khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Vào vụ cá Nam ở cảng cá vùng duyên hải Lâm Đồng. Ảnh: N. Lân

Vào vụ cá Nam ở cảng cá vùng duyên hải Lâm Đồng. Ảnh: N. Lân

Nhiều đánh giá rằng Lâm Đồng có một vùng kinh tế độc đáo với các thế mạnh bổ trợ đa dạng, trải dài từ ven biển lên cao nguyên. Mô hình kinh tế này quá mới, quá lớn, theo giáo sư trên thế giới đã có chưa, chúng ta sẽ học tập từ đâu để đi đường tắt đến thành công?

Mô hình phát triển kinh tế này, Lâm Đồng nên học bài học hay của từng bộ phận ở các nước có yếu tố tương đồng. Ví dụ như Hàn Quốc tập trung vào công nghiệp, cảng xuất khẩu hướng ra biển; Nhật Bản mạnh về du lịch vừa xuất khẩu vừa kết hợp với phát triển hạ tầng logistics đi kèm. Riêng về du lịch thì có thể học du lịch biển của Hawaii; phát triển hạ tầng dịch vụ đi kèm với cảng thì phải tìm hiểu từ Singapore. Mô hình phát triển này, Lâm Đồng không lấy nguyên bản bất kỳ một nước nào mà hãy chọn lọc cái hay để tích hợp vào phát triển trung tâm kinh tế biển Lâm Đồng, vốn dĩ đã chứa đựng nhiều thế mạnh.

Việc triển khai có khả thi hay không thì hoàn toàn liên quan đến chính sách của tỉnh. Bởi Trung ương có hàng loạt chính sách liên quan đến phát triển trung tâm kinh tế biển như Nghị định 36, Nghị quyết 139, một loạt nghị định của Chính phủ, quy hoạch ngành. Khả thi nhiều hay ít là quyết định của tỉnh, nội bộ tỉnh. Đột phá này liên quan đến cấp tỉnh.

Bên cạnh những vấn đề đã nêu, theo giáo sư, vấn đề quyết định để trung tâm kinh tế biển mới trên sớm phát triển là gì?

Theo tôi, đó là con người. Vì vậy, các trường đại học trong tỉnh tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển. Cái gì mình không làm được thì liên kết với các trung tâm đào tạo ở TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Đầu tiên là đào tạo nhân lực lãnh đạo quản trị về trung tâm kinh tế biển, tiếp đến là đội ngũ chuyên gia mang tính dẫn dắt, thiết kế, rồi kỹ sư vận hành. Tôi tin, Lâm Đồng có biển, du lịch, nông nghiệp quá tuyệt vời, nếu quan tâm đến công nghiệp chế biến khoáng sản titan, nhôm thì sẽ dẫn đầu công nghiệp chế biến trong nước và cả vùng Đông Nam Á.

Chân thành cảm ơn giáo sư!

BÍCH NGHỊ

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/gs-ts-nha-giao-nhan-dan-mai-trong-nhuan-lam-ong-co-nganh-kinh-te-bien-moi-phu-hop-xu-huong-the-gioi-382036.html