GS.TS Trần Văn Nhung: 'Để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai cần sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị và xã hội'

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn. Tuy nhiên, khi đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc. Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Ngày 12.8.2024, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4.11.2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Một nội dung quan trọng được đề cập trong Kết luận 91-KL/TW là “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học”.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng đây là điều rất đáng mừng. Năm 2015, GS Trần Văn Nhung từng viết tâm thư gửi lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đề xuất việc cần phải có quốc sách đối với việc dạy và học tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam.

Thời điểm đó, ông đề xuất Bộ Chính trị sớm ban hành một chỉ thị tương tự Chỉ thị 58/CT-TW về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa” nhưng cho ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Ông cho rằng, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh trên đất nước ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục.

 GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (Ảnh: NVCC)

GS.TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT (Ảnh: NVCC)

Trí tuệ nhân tạo sáng chế ra máy dịch ngôn ngữ, nhưng chưa thay được con người

Theo GS Trần Văn Nhung, chưa bao giờ yêu cầu hội nhập quốc tế, hay cao hơn nữa là quốc tế hóa nguồn nhân lực và nền kinh tế lại bức thiết và trực tiếp như hiện nay, khi Việt Nam bước vào cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo (AI).

Càng ngày, chúng ta càng thấy rõ khả năng sử dụng ngoại ngữ và tiếng Anh của người Việt Nam đang là một trong những rào cản không nhỏ cho tốc độ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, đào tạo, xây dựng và củng cố quốc phòng, an ninh.

“Trí tuệ nhân tạo đã sáng chế ra máy dịch ngôn ngữ nhưng cũng chưa thay được con người và chuyên gia. Thực tế, chúng ta cũng đã cố gắng và làm được nhiều việc trong quá trình đưa ngoại ngữ nói chung, tiếng Anh nói riêng vào nhà trường và xã hội, nhưng đây là chỉ thị đầu tiên của Bộ Chính trị cho lĩnh vực cụ thể này”, GS Trần Văn Nhung nói.

GS Trần Văn Nhung cho rằng, đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học là vấn đề lớn và khó khăn, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi điều kiện sống, học tập và làm việc còn thiếu thốn. Tuy nhiên, khi đã có chỉ thị của Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị sẽ cùng vào cuộc. Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các bộ, ngành liên quan cũng sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết để thực hiện.

Cụ thể, căn cứ vào luật pháp, nghị quyết của Quốc hội, rút kinh nghiệm dạy và học tiếng Anh trước đây, Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai cụ thể việc xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thi cử, cơ chế, chính sách.

Ngoài ra, phải chú ý, quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và các bậc cha mẹ ở các vùng khó khăn. Ví dụ, học sinh ở các tỉnh biên giới giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia, hải đảo còn có nhu cầu nói tiếng Trung, Lào, Campuchia. Vì thế, cần tính toán rất cụ thể để bảo đảm kết quả và thắng lợi của chỉ thị này.

“Chương trình, sách giáo khoa, thi cử môn tiếng Anh đối với các trường ở thành phố lớn, các tỉnh có điều kiện sẽ thuận lợi hơn, có thể được nâng cao hơn vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở miền núi, có đồng bào dân tộc. Chúng tôi đề nghị Bộ GD-ĐT và các chuyên gia xem xét tăng cường tối đa việc tham khảo, sử dụng các chương trình và sách giáo khoa tiếng Anh quốc tế cho Việt Nam, hợp tác để mời thêm giáo viên Việt kiều và các nước”, GS Trần Văn Nhung nêu kiến nghị.

Ông nhấn mạnh, ngôn ngữ là công cụ phục vụ việc dạy và học, sinh hoạt, giao tiếp, làm việc. Vì vậy, việc đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai phải được hiện thực hóa và gắn chặt với việc nâng cao kiến thức, công ăn việc làm cho thế hệ trẻ và người lao động.

Bài học quý từ các quốc gia trên thế giới

Theo GS Trần Văn Nhung, những bài học kinh nghiệm thành công khi đưa tiếng Anh vào nhà trường, xã hội là ngôn ngữ thứ nhất hay thứ hai của các nước ASEAN, điển hình như Singapore, Malaysia, Philippines, Thailand, Myanmar hay Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... là bài học quý cho chúng ta.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhắc tới trường hợp Singapore như một ví dụ thành công điển hình ở ASEAN, châu Á và trên thế giới, nhờ luôn đề cao tiếng Anh, công nghệ thông tin và chủ trương quốc tế hóa nền khoa học và giáo dục.

Khi mới được tách ra khỏi Malaysia, Singapore chỉ là một làng chài nhỏ bé, đến nước uống cũng không có, phải mua của Malaysia. Vì thế, Thủ tướng Lý Quang Diệu xác định Singapore phải đi lên bằng “cái đầu”, bằng nguồn nhân lực và tài năng tầm quốc tế. Singapore có 3 nhóm người chính là Hoa, Ấn Độ và Mã Lai. Cả ba vẫn duy trì tiếng nói, văn hóa và bản sắc của mình, nhưng ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong hành chính và giáo dục là tiếng Anh.

Trong suốt 20 năm đầu khi mới thành lập nhà nước Singapore, ông Lý Quang Diệu chỉ đạo Bộ Giáo dục nước này dùng luôn (copy) sách giáo khoa phổ thông của nước Anh cho các trường học, nhất là đối với các môn khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ.

 Ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong giáo dục tại Singapore là tiếng Anh (Ảnh minh họa: discovery.org)

Ngôn ngữ chính thức được sử dụng chung trong giáo dục tại Singapore là tiếng Anh (Ảnh minh họa: discovery.org)

Không chỉ đối với giáo dục phổ thông mà ngay cả những trường đại học nổi tiếng hàng đầu của Singapore từ lâu đã sử dụng luôn chương trình giảng dạy về khoa học và công nghệ, sách giáo khoa và sách tham khảo bằng tiếng Anh, áp dụng việc thi cử và bằng cấp của các đại học đứng đầu thế giới như Harvard, MIT của Mỹ và Cambridge, Oxford của Anh.

Singapore đã coi tiếng Anh là chìa khóa để cạnh tranh và tránh tụt hậu. Nhờ kiên trì thực hiện chủ trương “nhiều tiếng nói, một ngôn ngữ” để đưa tiếng Anh vào trường học, ngày nay, Singapore có lợi thế lớn.

Khi được Chính phủ Việt Nam mời làm cố vấn, cố Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore cũng gợi ý: “Đại học Việt Nam nên có sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ..., bởi nếu chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu”. Ông còn cảnh báo thêm, nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này “không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu”.

Cũng trong thời gian đó Malaysia, nước láng giềng bên cạnh Singapore lại chủ trương dùng tiếng Malay là chủ yếu. Kết quả là rất nhiều học sinh, sinh viên nước này bỏ ra học nước ngoài, trong đó có nhiều thanh thiếu niên, con nhà giàu, khiến mỗi năm bị chảy máu ngoại tệ nhiều tỷ Đô la Mỹ và nguy hại hơn là chất lượng đại học đi xuống. Sau 22 năm làm Thủ tướng, ông Mahathir Mohamad đã rút ra bài học kinh nghiệm đắt giá về giáo dục và yêu cầu mọi người Malaysia hãy trở lại với tiếng Anh.

GS Trần Văn Nhung cũng nhắc tới câu chuyện của nền giáo dục Trung Quốc. Theo đánh giá của Trung Quốc và các nước, các tổ chức quốc tế, sở dĩ kinh tế Trung Quốc tăng trưởng liên tục bởi một nguyên nhân cơ bản là nguồn nhân lực của nước này có chất lượng cao. Để đạt được điều này, Trung Quốc đã hiện đại hóa, quốc tế hóa nền giáo dục nước mình trong việc thiết kế chương trình, sách giáo khoa, kiểm tra, đánh giá theo chuẩn mực quốc tế, đào tạo giáo viên và xây dựng cơ sở vật chất.

Trung Quốc chủ trương dùng tối đa các chương trình, sách giáo khoa hiện đại quốc tế và giảng dạy trực tiếp bằng tiếng Anh các môn khoa học, công nghệ; tăng cường mời giáo sư, chuyên gia, hiệu trưởng, viện trưởng là Hoa kiều hoặc người nước ngoài.

Từ năm 1978, sau chuyến thăm Mỹ về, nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã bắt đầu nhiều cải cách quan trọng trong phát triển kinh tế, trong đối nội đối ngoại, trong khoa học và giáo dục của Trung Quốc.

Đặng Tiểu Bình đã chỉ đạo: Muốn Trung Quốc phát triển và hội nhập quốc tế nhanh chóng thì nền giáo dục Trung Quốc phải được quốc tế hóa trước một bước, thanh niên, học sinh, sinh viên phải tăng cường học tiếng Anh, phải lập các trung tâm học và thi TOEFL, IELTS tại các thành phố. Bên cạnh đó, phải tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và gửi học sinh, sinh viên đi du học nước ngoài, theo phương châm 12 chữ vàng: “chi trì lưu học, cổ lệ hồi quốc, lai khứ tự do” (“khuyến khích du học, động viên về nước, đi về tự do”).

Chính vì vậy, nền giáo dục Trung Quốc đã tạo ra nguồn nhân lực vừa có quy mô lớn vừa có chất lượng cao, đủ sức lan tỏa và cạnh tranh trên toàn thế giới.

GS Trần Văn Nhung cho rằng, Chỉ thị 58-CT/TW năm 2000 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 36-NQ/TW năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đã được triển khai nhanh chóng, hiệu quả với nhiều ứng dụng phong phú, đa dạng trong toàn xã hội. Đây là bài học và kinh nghiệm quý cho chúng ta để đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai.

Ngoài ra, cần thí điểm để nhân rộng việc dạy các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng Anh, sau đó là các môn khoa học xã hội.

“Kinh nghiệm cho thấy, cha ông ta từ thời Pháp hay Mỹ rất thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh nhờ không chỉ học mà còn dùng ngoại ngữ để học các môn học. Chúng ta phải chấp nhận “mô hình khí động học” hay “mô hình mũi tên nhọn”, không thể dàn hàng ngang để cùng tiến lên trong giáo dục thì hệ thống mới phát triển được”, GS Trần Văn Nhung nêu quan điểm.

 GS Trần Văn Nhung cho rằng, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh trên đất nước ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục (Ảnh: Nhật Phương)

GS Trần Văn Nhung cho rằng, cùng với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, việc học, dạy và sử dụng tiếng Anh trên đất nước ta sẽ được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt và có những bước tiến ngoạn mục (Ảnh: Nhật Phương)

“Công thức” con người cần có trong thời cách mạng công nghiệp 4.0

Nói về tầm quan trọng của tiếng Anh, ngay trong tâm thư gửi lên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương Đảng vào năm 2015, GS Trần Văn Nhung nhìn nhận, khi nhấn mạnh vai trò của tiếng Anh, chúng ta không quên các ngoại ngữ khác. Ẩn sâu phía sau mỗi ngôn ngữ là một nền văn hóa và biết thêm được một ngôn ngữ như mở thêm được một “cửa sổ ra vườn hoa đầy hương sắc” bên ngoài. UNESCO cũng luôn chủ trương tôn trọng sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ.

Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ ngày nay, những công dân toàn cầu phải sử dụng tối ưu thời gian sống và làm việc của họ, nói riêng là cần phải học và sử dụng (những) ngoại ngữ nào. Chúng ta tôn trọng sự đa dạng và bình đẳng văn hóa, nhưng trên hết phải xuất phát từ chính quyền lợi chính đáng và thiêng liêng của dân tộc ta khi lựa chọn và quyết định ngoại ngữ thứ nhất.

“Theo tôi, đó là tiếng Anh, sau đó mới đến các thứ tiếng quốc tế khác. Vì chính các nước khi tiếng mẹ đẻ của họ trùng với một thứ tiếng quốc tế nào đó, ví dụ như tiếng Pháp, Đức, Nga, Tây Ban Nha, họ cũng đều coi tiếng Anh là ngoại ngữ số một”, GS Trần Văn Nhung nói.

Ông nhấn mạnh, hiện nay, thế giới đang bước vào kỷ nguyên cách mạng công nghiệp 4.0 và trí tuệ nhân tạo. Công nghệ thông tin và ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là hai công cụ như “hai chân” có tầm quan trọng chiến lược hàng đầu.

Ở nhiều ngành nghề, những công việc cũ sẽ mất đi, công việc mới sẽ ra đời. Những kiến thức cơ bản về toán học, tin học và tiếng Anh sẽ là hành trang cơ bản để các bạn trẻ “xoay xở” thời biến động AI, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”.

GS Trần Văn Nhung đề xuất “công thức” con người cần có trong thời cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, AI. Đó là: Con người Việt Nam thời cách mạng công nghiệp 4.0 = Sức khỏe tốt + Trái tim nhân hậu và yêu nước + Bộ óc tốt + Kỹ năng sống tốt + Tiếng Anh (và ngoại ngữ) + IT/ICT.

“Có điều rất đáng mừng là thế hệ trẻ nước ta, với tư duy tốt và ham học, nhanh chóng nắm bắt, ham thích IT/ICT và ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh, sẽ hào hứng đón nhận Kết luận 91-KL/TW để học tập và khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, AI hiện nay”, GS Trần Văn Nhung cho hay.

Hồng Hạnh - Nguyễn Liên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gsts-tran-van-nhung-de-dua-tieng-anh-thanh-ngon-ngu-thu-hai-can-su-vao-cuoc-cua-toan-he-thong-chinh-tri-va-xa-hoi-post391241.html