GS.TS Võ Tòng Xuân: Người thầy dẫn đường, truyền cảm hứng

Không chỉ là một nhà khoa học, nhà nghiên cứu, GS.TS Võ Tòng Xuân còn là người thầy dẫn đường, truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ sinh viên trong việc theo đuổi ước mơ và cống hiến cho sự nghiệp khoa học và giáo dục.

GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân sinh ngày 6 tháng 9 năm 1940 tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Ông qua đời vào sáng ngày 19/8 tại TPHCM sau thời gian lâm bệnh nặng.

Ngày 22/8, hàng ngàn người nông dân, đồng nghiệp, các thế hệ học trò... đã tiễn đưa nhà khoa học, người thầy đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng.

Người thầy lớn của nhiều thế hệ nhà khoa học

TS. Luật sư Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Nam Cần Thơ xúc động chia sẻ, GS.TS, người thầy Võ Tòng Xuân đã có một cuộc đời và một sự nghiệp học thuật, nghiên cứu khoa học thật đáng ngưỡng mộ.

 GS.TS Võ Tòng Xuân. Ảnh: GDVN.

GS.TS Võ Tòng Xuân. Ảnh: GDVN.

GS Võ Tòng Xuân là một tấm gương sáng về lòng kiên trì, đam mê và trách nhiệm. Những nghiên cứu và dự án của GS mang lại lợi ích thiết thực cho hàng triệu người nông dân và giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của họ. Cùng với đó, những kiến thức quý báu mà GS truyền đạt không chỉ giúp cho các nhà khoa học Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung hiểu biết thêm về lĩnh vực nông nghiệp mà còn giúp hình thành những phẩm chất đạo đức và tinh thần làm việc cần thiết trong cuộc sống.

“Thầy là người dẫn đường, truyền cảm hứng cho cho nhiều thế hệ các nhà khoa học, sinh viên trong việc theo đuổi ước mơ và cống hiến cho sự nghiệp khoa học và giáo dục. Thầy đã có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo tại các cơ sở giáo dục và đào tạo khu vực phía Nam, đặc biệt là tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, từ năm 2013 đến nay,”, TS.LS Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Cụ thể, ở vai trò là Chủ tịch Hội đồng sáng lập Trường ĐH Nam Cần Thơ từ năm 2009 đến năm 2013, Hiệu trưởng Trường từ năm 2013 đến năm 2020, sau đó trở thành Hiệu trưởng danh dự, GS Võ Tòng Xuân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và phát triển của Nhà trường trong suốt thời gian qua.

GS.TS Võ Tòng Xuân đã đồng hành cùng Nhà trường từ khi mới viết đề án, thành lập Hội đồng sáng lập, cùng nhà trường vượt qua bao nhiêu khó khăn, thăng trầm để Trường Đại học Nam Cần Thơ có được vị trí đáng tự hào như ngày hôm nay.

Trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên. GS Võ Tòng Xuân đã có nhiều sáng kiến, giải pháp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên của Trường, giúp nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy của đội ngũ giảng viên nhiều thế hệ. Qua đó, đội ngũ cán bộ, giảng viên, nhân viên Trường luôn vững kiến thức, giỏi chuyên môn, trở thành các chuyên gia, các nhà nghiên cứu giàu kinh nghiệm, là những thầy cô tận tâm với học viên, sinh viên.

Trong sự nghiệp nghiên cứu và giảng dạy, với sự am hiểu sâu rộng về các lĩnh vực, GS Võ Tòng Xuân đã góp phần tích cực vào việc xây dựng và cải thiện chương trình đào tạo của trường theo xu hướng phát triển giáo dục hiện đại của Thế giới, nâng cao chất lượng dạy học của nhà trường.

Ở vai trò là một nhà khoa học, GS Võ Tòng Xuân đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tư vấn và hỗ trợ các nghiên cứu khoa học tại Trường. GS đã không chỉ chia sẻ kiến thức chuyên môn mà còn giúp giảng viên và sinh viên trong việc thiết kế và tham gia thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến sự phát triển bền vững của nông nghiệp và môi trường. GS có rất nhiều công trình nghiên cứu, giáo trình, sách, tài liệu tham khảo có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp không chỉ trong nước mà còn thế giới.

GS Võ Tòng Xuân còn giúp nhà trường xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa Trường Đại học Nam Cần Thơ và các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế thuộc các lĩnh vực về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học. Điều này không chỉ giúp Nhà Trường có cơ hội mở rộng hợp tác nghiên cứu và phát triển bền vững.

“GS.TS.NGND.AHLĐ Võ Tòng Xuân sẽ mãi là tấm gương sáng chói để toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên và học viên, sinh viên Nhà Trường tiếp tục học hỏi, noi theo, phấn đấu, vươn lên và phát triển trong tương lai”, TS. Luật sư Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

“Thầy đã tìm ra giải pháp giúp nông dân làm giàu rồi”

ThS Phan Văn Hiệp (Giảng viên khoa kỹ thuật - công nghệ, Trường Đại học Văn Hiến; Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ thông minh ITS) chia sẻ, anh được gặp GS Võ Tòng Xuân cuối năm 2019 trong lễ trao giải thưởng "Sáng tạo trong tầm tay" do Cục Công tác phía Nam - Bộ Khoa học và Công nghệ - tổ chức cho lĩnh vực nông nghiệp của vùng Đông Nam Bộ.

 GS Võ Tòng Xuân và chuyên gia Úc trao đổi về sản xuất lúa tại HTX An Phong (Đồng Tháp) - Ảnh: T.L.

GS Võ Tòng Xuân và chuyên gia Úc trao đổi về sản xuất lúa tại HTX An Phong (Đồng Tháp) - Ảnh: T.L.

Khi đó, ThS Hiệp là thí sinh dự thi với giải pháp "Máy sấy năng lượng mặt trời sấy nông sản, thực phẩm, dược liệu", còn GS Võ Tòng Xuân là 1 trong 5 giám khảo của cuộc thi. Rất khác các giám khảo còn lại, sau buổi gala trao thưởng, GS Võ Tòng Xuân đã tìm gặp ThS Hiệp và nói một câu mà anh đã khắc cốt ghi tâm "Thầy đã tìm ra được giải pháp để giúp nông dân mình làm giàu rồi Hiệp ơi".

Với ThS Hiệp, GS.TS Võ Tòng Xuân là một nhà khoa học trọn một đời đau đáu vì nông dân, và một người thầy luôn trăn trở về việc đào tạo được thế hệ các nhà khoa học kế cận cho đất nước.

Một kỷ niệm mà ThS Hiệp nhớ mãi, đó là trưa mùng 3 Tết năm 2020, GS Võ Tòng Xuân gọi cho anh khi GS đi ngang vùng trồng nấm rơm của An Giang trên quốc lộ 91 rằng: "Hiệp ơi, em phải xuống tìm cách sấy khô nấm rơm nhé. Nếu em làm được việc này thì em sẽ là ân nhân của hàng triệu nông dân miền Tây đó".

Ngay sau đó, GS Võ Tòng Xuân đã giới thiệu để ThS Hiệp đưa máy sấy xuống cơ sở của chú Năm Nghi, ông vua nấm rơm của miền Tây và GS trực tiếp đến sấy, đánh giá về chất lượng của nấm rơm sau sấy. GS Võ Tòng Xuân đã phân tích, góp ý từng chi tiết nhỏ để sản phẩm nấm rơm sấy đạt chất lượng cao nhất.

Ngày nhận giải thưởng Vin Future, GS Võ Tòng Xuân đã tâm sự rằng thầy rút kinh nghiệm của lần nhận Giải thưởng Ramon Magsaysay trước đây, lần này GS sẽ cấp học bổng cho hàng trăm kỹ sư nông nghiệp học lên cao học, nghiên cứu sinh để phục vụ cho nền nông nghiệp của đất nước.

“Thầy ra đi là mất mát lớn của đất nước, của biết bao thế hệ học trò, của hàng triệu nông dân Việt. Nhưng tôi tin những di sản thầy để lại sẽ tiếp tục được các thế hệ học trò phát huy. Tôi nguyện hứa với thầy sẽ cố gắng tận tâm nỗ lực để thực hiện ước mơ về máy sấy rẻ tiền, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với người nông dân mà thầy đã tin tưởng gửi gắm nơi tôi”, ThS Phan Văn Hiệp xúc động.

Mai Loan

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/tri-thuc-viet-toan-cau/gsts-vo-tong-xuan-nguoi-thay-dan-duong-truyen-cam-hung-2024298.html