GS Việt được người dân châu Phi tri ân, đặt tên đường

Với tài năng và y đức, GS Nguyễn Bửu Triều không chỉ được kính trọng trong nước mà còn được người dân Guinea đặt tên đường để tưởng nhớ, tri ân.

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều trút hơi thở cuối cùng lúc 22 giờ 52 phút ngày 16/7 tại Bệnh viện Việt Đức, nơi ông đã dành trọn cuộc đời gắn bó và cống hiến, hưởng thọ 102 tuổi. GS Nguyễn Bửu Triều là biểu tượng của y đức, là người tiên phong đưa kỹ thuật nội soi tiết niệu về Việt Nam, đào tạo lớp thầy thuốc ngoại khoa đầu ngành, tạo dựng nền tảng y học hiện đại.

 Giáo sư Nguyễn Bửu Triều dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ môn Ngoại. (Ảnh: MOH).

Giáo sư Nguyễn Bửu Triều dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Bộ môn Ngoại. (Ảnh: MOH).

Người cuối cùng của thế hệ bác sĩ ngoại khoa đầu tiên Việt Nam

Nguyễn Bửu Triều sinh ngày 3/2/1923 tại Huế, trong một gia đình hoàng tộc có truyền thống Nho y. Cha ông là lương y, dạy con rằng: “Y là lý – nghề cẩn trọng và bao dung”. Ông là người cuối cùng ra đi trong thế hệ bác sĩ đầu tiên ngoại khoa Việt Nam.

Năm 1939, ông vào Trường Đại học Y Dược Đông Dương (Hà Nội), trở thành sinh viên nội trú tại Bệnh viện Bảo hộ (nay là Việt Đức). Tại đây, ông được học trực tiếp từ những bậc thầy như GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, sớm định hình lý tưởng cứu người làm kim chỉ nam suốt sự nghiệp

Khi kháng chiến Pháp nổ ra, bác sĩ trẻ Triều xung phong vào chiến khu, giữ chức Đội trưởng Đội điều trị III – tiền thân Bệnh viện Quân y 103. Tại Chiêm Hóa (Tuyên Quang), ông đã cứu chữa hàng nghìn thương binh trong điều kiện gian khổ.

Chiến trường không chỉ rèn kỹ năng y thuật mà còn tôi luyện phẩm chất nhân cách sâu sắc của ông, sự kiên định, khiêm nhường và tận tâm chăm lo người bệnh.

Từ năm 1956, ông về Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Đại học Y Hà Nội. Ông từng giữ các vị trí chủ chốt như: Chủ nhiệm Khoa Tiết niệu (từ 1958); Chủ nhiệm Bộ môn Ngoại Trường Đại học Y Hà Nội (1980–1998); Phó Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam; Chủ tịch đầu tiên Hội Tiết niệu – Thận học Việt Nam (2000–2010).

Trong thời gian được cử sang Guinea (châu Phi) làm trưởng đoàn chuyên gia y tế, Giáo sư Nguyễn Bửu Triều đã thực hiện nhiều ca phẫu thuật thành công, góp phần cứu sống hàng loạt bệnh nhân tại địa phương. Sự tận tụy và tài năng của ông để lại ấn tượng sâu sắc đến mức người dân nơi đây đã đặt tên một con đường là “Đường Bửu Triều” như một cách tri ân vị bác sĩ đến từ Việt Nam.

Người mở lối cho ngành tiết niệu – nam học nước nhà

GS Nguyễn Bửu Triều được biết đến như một trong những người tiên phong đặt nền móng cho phẫu thuật Tiết niệu và Nam học hiện đại tại Việt Nam. Ông là người đầu tiên đưa kỹ thuật phẫu thuật nội soi tuyến tiền liệt về nước, trực tiếp triển khai, giảng dạy và đào tạo đội ngũ bác sĩ kế cận trên khắp cả nước. Nhờ đó, hàng chục nghìn bệnh nhân đã được điều trị thành công bằng những phương pháp tiên tiến, an toàn và ít xâm lấn hơn.

Với tư duy đổi mới và tinh thần học thuật nghiêm cẩn, ông cũng góp phần phát triển nhiều kỹ thuật điều trị sỏi tiết niệu, u xơ tiền liệt tuyến và các dị tật tiết niệu sinh dục nam giới, những lĩnh vực vốn rất phức tạp và đòi hỏi trình độ chuyên môn cao.

Không chỉ là thầy thuốc giỏi, GS Triều còn là một nhà nghiên cứu khoa học bền bỉ. Ông đã công bố nhiều công trình y học ứng dụng quan trọng, đồng thời là người hướng dẫn trực tiếp hàng loạt luận án tiến sĩ y học có giá trị thực tiễn cao, trong đó có nghiên cứu về dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục nam, đóng góp to lớn cho nền y học Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời làm nghề và giảng dạy, ông luôn nhắc học trò một điều giản dị mà sâu sắc: “Y là nghề nhân văn, cần học mãi, đọc mãi, sống mãi với đạo làm người". Đó cũng chính là triết lý sống, hành nghề và làm thầy mà ông gìn giữ suốt hơn 70 năm cống hiến không ngơi nghỉ.

GS Triều còn là chủ biên nhiều sách giáo khoa, tài liệu chuyên khảo về ngoại tiết niệu và phẫu thuật nội soi, trở thành tài liệu quan trọng trong giảng dạy và đào tạo thế hệ sau, giúp hàng chục nghìn bệnh nhân được cứu sống và phục hồi nhờ kỹ thuật nội soi tiên tiến, ít xâm hại.

Người thầy của những người thầy

Gia tài lớn nhất của GS Nguyễn Bửu Triều không chỉ dừng lại ở danh tiếng chuyên môn, mà còn ở di sản con người, hàng trăm học trò trở thành thầy thuốc, giáo sư, lãnh đạo các bệnh viện Việt Nam.

GS Trần Bình Giang, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và từng là học trò của GS Triều cho biết, GS Triều được tôn vinh là “người thầy của những người thầy”, vì trực tiếp đào tạo lớp giáo sư, chuyên gia ngoại khoa hàng đầu.

Một học trò từng chia sẻ, được đứng vào ekip mổ nội soi cùng ông và chỉ cần nhìn qua ống kính nội soi đã là niềm tự hào lớn, vì như “phép màu” được truyền cảm hứng trực tiếp từ thầy.

Không chỉ truyền kỹ năng, GS Triều còn là tấm gương về y đức, khiêm nhường và tâm huyết. Học trò ông kể lại, sau ca mổ, ông thường bước ra trong trạng thái mệt mỏi, áo ướt đẫm, nhưng vẫn chuyện trò nhẹ nhàng với học trò. Sự tận tụy đó khiến thế hệ sau thương kính vô hạn.

Ở tuổi 98, GS Triều được mổ ruột thừa, ca phẫu thuật do chính học trò GS Giang thực hiện. Hôm sau, ông đã ngồi dậy, đùa rằng: “Đây là ân nhân của tôi”, khiến cả phòng bệnh xúc động trước khiêm nhường vô bờ.

GS Nguyễn Hữu Tú chia sẻ, GS Triều không chỉ truyền kiến thức, mà còn truyền nguyên tắc đạo đức y khoa, phẩm chất "lương y như từ mẫu". GS dành thời gian hướng dẫn luận án tiến sĩ, hỗ trợ các ca mổ khó, kể cả khi đã ngoài 80 tuổi. Khi tham gia giảng dạy, sự chỉn chu, nghiêm khắc, song đầy cảm hứng của ông vẫn in đậm trong tâm trí học trò: “làm nghề y là để phục vụ, mang lại hy vọng cho người bệnh”.

Sáng 21/7, hàng trăm người thân, đồng nghiệp, học trò và những thế hệ bác sĩ trẻ đã đến Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông (TP Hà Nội) tiễn đưa Giáo sư - Bác sĩ - Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong sổ tang, Tổng Bí thư Tô Lâm xúc động viết: “Vô cùng thương tiếc Giáo sư, Bác sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Bửu Triều, nhà khoa học, tận tâm với ngành y tế Việt Nam, đã có nhiều đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tấm gương sáng ngời về đạo đức "Lương y như từ mẫu". Cả cuộc đời giáo sư đã cống hiến cho sự nghiệp cao cả vì sức khỏe của nhân dân. Sự ra đi của giáo sư là sự mất mát to lớn cho đất nước, cho ngành y tế và gia đình. Chúng tôi xin chia sẻ với gia đình về sự đau thương to lớn này. Xin tri ân những tình cảm của giáo sư với gia đình tôi”.

Mai Nguyễn

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/gs-viet-duoc-nguoi-dan-chau-phi-tri-an-dat-ten-duong-post1556607.html