Thăm và tri ân các văn nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho TP.HCM
Lãnh đạo thành phố đã đến thăm, tặng quà và lắng nghe chia sẻ của các văn nghệ sĩ tiêu biểu, có nhiều cống hiến cho nền văn học nghệ thuật của TP.HCM suốt thời gian qua.
Ngày 23-7, bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM đã đại diện Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam TP.HCM cùng Hội Nghệ sĩ Múa TP.HCM đã đến thăm, tặng quà các văn nghệ sĩ tiêu biểu: Họa sĩ Quách Phong (Quách Văn Phong); nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính; nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Triệu Hùng và nhà văn Đoàn Minh Tuấn.
Đây là hoạt động thăm hỏi ý nghĩa nhằm ghi nhận và bày tỏ sự trân trọng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ – những người đã cống hiến bền bỉ cho sự phát triển văn học nghệ thuật TP.HCM suốt 50 năm qua, đặc biệt là các văn nghệ sĩ từng tham gia cách mạng, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú...
Đến thăm nhà họa sĩ Quách Phong, bà Đinh Thị Thanh Thủy đã bày tỏ sự biết ơn và tri ân đối với người họa sĩ lão thành. Ông đã có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật cách mạng và hiện vẫn đang miệt mài thực hiện công trình tranh sơn mài về lịch sử Việt Nam.


Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM tri ân họa sĩ Quách Phong.


Bà Thủy tham quan tranh vẽ và thăm hỏi họa sĩ Quách Phong.
Tại đây, họa sĩ Quách Phong đã bày tỏ xúc động và cảm ơn lãnh đạo TP đã quan tâm mình cũng như những văn nghệ sĩ đã gắn bó với cách mạng và có nhiều đóng góp cho nền mỹ thuật TP.
Ở tuổi 90, họa sĩ Quách Phong vẫn miệt mài lao động nghệ thuật, đặc biệt là với dự án vẽ bộ tranh lịch sử Việt Nam xuyên suốt 4.000 năm dựng nước và giữ nước. Ông bắt đầu thực hiện bộ tranh từ năm 2009, với mong muốn ghi lại toàn bộ tiến trình lịch sử dân tộc bằng hội họa.
Ban đầu, tranh được thể hiện trên giấy, tuy nhiên về sau, ông chuyển sang thể hiện trên chất liệu sơn mài để đảm bảo độ bền và tính truyền tải lâu dài.
Tiếp đó, đoàn đã đến thăm nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính (1943), người được mệnh danh là “Vua chiến trường” bởi khả năng nắm bắt nhanh chóng các diễn biến của chiến tranh và kịp thời ghi lại qua ống kính.

Đoàn đến thăm, tri ân và tặng quà nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính cho biết ông xúc động trước sự tri ân của lãnh đạo TP, đồng thời kể lại một kỷ niệm không thể quên trong đời cầm máy.
“Năm 1972, tôi là phóng viên Báo Quân đội Nhân dân, tác nghiệp tại chiến trường trong Chiến dịch Mùa hè đỏ lửa.
Khi vượt sông, tôi đã bọc 10 cuộn phim vào túi nilon và ghi dòng chữ: "Nếu tôi hy sinh, ai nhặt được xin gửi về số 8 Phan Huy Ích – trụ sở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam". May mắn là tôi bơi giỏi và đã vượt sông an toàn. Những thước phim ấy sau này trở thành tư liệu vô giá” - nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính kể.
Sau đó, đoàn đã đến thăm nhà nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Triệu Hùng (1931), đảng viên có 65 năm tuổi Đảng (tính đến năm 2022).
Với nhiều đóng góp trong suốt quá trình công tác, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Triệu Hùng đã được Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Chiến thắng hạng Ba (tổng kết thời kỳ kháng chiến chống Pháp), Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba, hạng Hai và hạng Nhất; Huân chương Quân công hạng Ba (tổng kết thời kỳ phục vụ trong quân đội); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Lao động hạng Ba.



Đoàn đến thăm và tặng quà nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Triệu Hùng.
Tại buổi gặp mặt, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Triệu Hùng chia sẻ nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình tác nghiệp, đặc biệt là thời kỳ làm Trưởng Phòng Ảnh Báo Quân đội Nhân dân.
Sau khi nghỉ công tác tại báo, ông Nguyễn Triệu Hùng vẫn tiếp tục đóng góp tích cực cho giới nhiếp ảnh.
Đáp lời, bà Đinh Thị Thanh Thủy bày tỏ sự trân trọng đối với những cống hiến to lớn của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Triệu Hùng trong sự nghiệp nhiếp ảnh.
Cạnh đó, bà kỳ vọng ông tiếp tục giữ gìn sức khỏe, tiếp tục là điểm tựa tinh thần cho thế hệ văn nghệ sĩ trẻ hôm nay và mai sau.
Cùng ngày, đoàn đã đến thăm nhà văn Đoàn Minh Tuấn, người từng là thương binh, tham gia hai cuộc kháng chiến. Ông cũng là tác giả của nhiều kịch bản phim tài liệu, nghệ thuật rối được thực hiện tại Tiệp Khắc, Campuchia. Nhiều ký sự của ông từng được in ở Liên Xô, Trung Quốc và phát trên các đài truyền hình, phát thanh Đông Âu cũ.



Bà Đinh Thị Thanh Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy TP.HCM trò chuyện cùng nhà văn Đoàn Minh Tuấn.
Nhà văn Đoàn Minh Tuấn xúc động khi được đoàn đại biểu đến thăm.
Ông nhìn nhận những sự quan tâm từ lãnh đạo TP dành cho giới văn nghệ sĩ là nguồn động viên tinh thần to lớn, đặc biệt đối với những người cả đời sống, chiến đấu và sáng tạo vì nghệ thuật nước nhà.

Đoàn cùng chụp hình lưu niệm cùng gia đình nhà văn Đoàn Minh Tuấn.