GS Võ Tòng Xuân: Chính phủ cần quyết định dứt khoát 'sống chung với COVID'

GS Võ Tòng Xuân kiến nghị với Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc cần có quyết định dứt khoát để đất nước sống chung an toàn với COVID-19.

Các nhà khoa học và trí thức chúng tôi rất cảm kích trước sự tận tâm và tận tình của Thủ tướng đã và đang điều khiển chiến dịch toàn quốc chống đại dịch COVID-19 hiện nay.

Mọi người Việt Nam chúng ta đã gần kiệt sức, cạn tiền, mà kế hoạch Bộ Y tế cho tư nhân đấu thầu nhập khẩu thêm 100 triệu bộ test kits vừa đắt tiền, vừa gây bức xúc cho xã hội, mà hiệu quả lại không rõ. Trong khi đó chúng tôi, nghe tin vui từ nhiều quốc gia trên thế giới nhất là từ Nhật Bản đã chuẩn bị "sống chung với COVID-19" bắt đầu từ 1/10/2021.

Đã có những quyết định sáng suốt, thật sự có lợi cho kinh tế nước ta.

Thí dụ như chủ trương “sống chung với lũ.” Trong những năm đầu thập kỷ 90, Đảng và Nhà nước chủ trương phải chống lũ hoàn toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long mặc dù các nhà khoa học đề nghị nên “sống chung với lũ” để miền Tây lấy phù sa về và nhân dân khai thác thủy sản.

Nhưng tại Hội nghị của Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong hai ngày 9 - 10/1/1996, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã chỉ đạo: “Phải coi lũ lụt ở Đồng bằng sông Cửu Long như một tài nguyên, cần lợi dụng, khai thác triệt để những lợi ích của nước lũ”. Đúng một tháng sau, Quyết định số 99/TTg ngày 9/2/1996 về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm (1996-2000) phát triển thủy lợi của ĐBSCL đã được phổ biến.

GS Võ Tòng Xuân.

GS Võ Tòng Xuân.

Một lần kế tiếp nữa là “sống chung với mặn.” Tại Hội nghị về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 26 – 27/9/2017, các nhà khoa học đã trình bày những thiệt thòi của nông dân trồng lúa theo chủ trương ngọt hóa và ngăn mặn khắp ĐBSCL.

Nông dân sản xuất lúa với nhiều rủi ro tại các vùng mặn ven biển vì lượng nước ngọt bấp bênh theo các con kênh đào tốn công quỹ hàng chục ngàn tỷ, giành lấy nước ngọt ít ỏi của vùng lúa đất phù sa bên trong. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thấu đáo được nỗi khổ này của nông dân, về thảo luận với các Thành viên Chánh phủ tại phiên họp Chánh phủ thường kỳ tháng 9/2017.

Chánh phủ đã biểu quyết thông qua NQ 120 ngày 17/11/2017, cho chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển kinh tế một cách thuận thiên nhiên, biến những trở ngại thành cơ hội, coi nước mặn là cơ hội phát triển thủy hải sản cho nông dân làm giàu.

Bây giờ nhân dân Việt Nam, qua những phát biểu của những chuyên gia chân chính trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đang tha thiết mong được “sống chung với COVID-19”.

GS Võ Tòng Xuân

Bây giờ nhân dân Việt Nam, qua những phát biểu của những chuyên gia chân chính trên các phương tiện truyền thông đại chúng, đang tha thiết mong được “sống chung với COVID-19”.

Các quốc gia tiên tiến đã hiểu rõ cơ chế lây lan và phát triển bệnh trong nội tạng của người mắc bệnh, họ cũng đã công bố trên các tạp chí khoa học ngành Y của thế giới những kết luận xác định cơ chế con virus phát triển lúc mới xâm nhập vào người dương tính như thế nào lần lần phát triển qua các triệu chứng như thế nào cho đến khi virus bắt đầu làm máu đông lại khiến bệnh nhân khó thở (vì thiếu ôxy), cho đến tử vong.

Nhờ các căn cứ khoa học như thế chánh phủ họ mới mạnh dạn cho quốc sách “sống chung với COVID-19.” Như vậy đối với Việt Nam, nếu mọi người dân đều được “bác sĩ hóa” cho hiểu rõ cơ chế gây bệnh đến tử vong như thế, để họ phải là người đầu tiên cảm thấy và biết mình đang ở đâu trong quá trình bệnh phát triển thì họ sẽ báo cho chuyên viên CDC tại địa phương hướng dẫn họ chữa trị. Trong giới hạn nhỏ, bác sĩ của chúng tôi đã giúp được hơn 36 hộ F0 trong chung cư Lê Thành, P. Tân Tạo, Q. Bình Tân, TP.HCM rất hiệu quả căn cứ trên phác đồ của Sở Y Tế TPHCM.

Dù Chính phủ đã có chủ trương “sống chung với COVID-19” an toàn, Thủ tướng cũng nhiều lần phát biểu về vấn đề này, cho thấy quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta cảm nhận rõ là các địa phương rất e dè, không mặn mà với chủ trương này.

Đại đa số các tỉnh thành cho đến thời điểm này vẫn khóa chặt các cửa ngõ, đóng kín cửa với người ngoài địa phương hoặc kiểm soát rất ngặt nghèo, test nhanh mọi người để tách F0 khỏi cộng đồng, khiến hậu quả nhỡn tiền là làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Doanh nghiệp và bà con nông dân sản xuất điêu đứng quá lâu và tiếp tục điêu đứng chưa biết đến khi nào.

Chúng tôi mong mỏi một quyết định dứt khoát chủ trương “sống chung với COVID-19” thật sớm, mang tính chất bắt buộc thực hiện với các địa phương trên toàn quốc. Quyết định đó sớm ngày nào tốt cho đất nước ngày đó. Đã có dịp được hội kiến với Thủ Tướng, tôi tin tưởng ở những vị Minh Quân nước ta.

Trân trọng kính chào Thủ tướng.

Võ Tòng Xuân

Nguồn VTC: https://vtc.vn/gs-vo-tong-xuan-chinh-phu-can-quyet-dinh-dut-khoat-song-chung-voi-covid-ar639088.html