GS Võ Tòng Xuân: Trọn đời tâm huyết giúp người nông dân bớt khổ
GS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học Việt Nam đầu tiên vừa được vinh danh tại Giải VinFuture 2023, tâm sự ông sẽ trích phần thưởng để lập quỹ học bổng hỗ trợ các sinh viên nghiên cứu về nông nghiệp
Chia sẻ với Báo Người Lao Động ngay sau khi nhận giải VinFuture, GS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học luôn đau đáu với nghiên cứu tìm giống lúa thích ứng với biến đổi khí hậu Việt Nam, người đã dành cả đời để giúp người nông dân bớt khổ, cho biết ông kính trọng tầm nhìn của giải thưởng VinFuture.
Giải thưởng không chờ công trình được nhiều trên tạp chí khoa học mới đánh giá mà thật sự đánh giá từ chỗ ý nghĩa thực tiễn của sáng kiến, mang lại lợi ích cho xã hội. "Công việc của tôi là nghiên cứu thực tế, ứng dụng vào thực tế và những ứng dụng ấy đáp ứng đúng yêu cầu của người nông dân" - GS Võ Tòng Xuân nói.
Lấy bằng TS nông học tại Nhật Bản, tháng 4-1975, GS Võ Tòng Xuân về Việt Nam, mang những kiến thức về đào tạo cán bộ nông nghiệp và giúp cho bà con nông dân. Ông chia sẻ mình thấm thía lời Bác Hồ nói năm 1947: "Nhân dân ta giàu thì đất nước ta giàu".
"Tôi tâm niệm nông dân giàu thì đất nước mới giàu được. Tôi khuyến khích nông dân càng làm nhiều giống lúa, xuất khẩu nhiều sẽ đạt chỉ tiêu GDP" - GS Võ Tòng Xuân nói.
Trăn trở tìm ra những giống lúa ngon nhất, phù hợp nhất với người Việt Nam, giúp người nông dân thay đổi cuộc sống, GS Võ Tòng Xuân cho hay gạo Việt Nam hiện nay đang đứng nhất thế giới, sản lượng rất ổn định. Quy hoạch để trồng lúa cũng thiết kế theo kiểu sống chung với biến đổi khí hậu. Điều đó giúp ông thấy mãn nguyện thực hiện được lời nói của Bác Hồ.
Tuy nhiên, điều GS còn trăn trở là nông dân làm còn manh mún, thương lái nhỏ lẻ chộp giật. Khó khăn cho người dân Việt Nam chính là không có đầu ra, phụ thuộc vào thương lái điều khiển giá thị trường.
GS Võ Tòng Xuân mong muốn có phương pháp nào đó như dồn điền, xây dựng ruộng quy hoạch để kiểm soát nông dân trồng lúa gạo theo đúng tiêu chuẩn, đẩy mạnh phân vi sinh hữu cơ. Từ đó, cây lúa phát triển tốt, đồng thời kháng được phần lớn sâu bệnh, tránh được dùng nhiều phân hóa học, tránh được sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất được nguồn gốc.
Chia sẻ về việc sử dụng tiền giải thưởng VinFuture, GS Võ Tòng Xuân cho hay ông sẽ lập thành quỹ Học bổng Nông nghiệp Võ Tòng Xuân. Quỹ đã được các học trò của ông thành lập từ năm 2022 nhưng chưa có kinh phí để duy trì quỹ.
"Nhiều nhà khoa học đang chạy theo cái mới mang tính thách thức toàn cầu. Nhưng tôi nghĩ, chính điều nội tại của dân mình mới cần phải lo. Lĩnh vực nông nghiệp hiện đang chưa được các nhà nghiên cứu quan tâm đúng mức. Tôi muốn lập quỹ học bổng để hỗ trợ các sinh viên nghiên cứu về nông nghiệp và để phổ cập hóa song ngữ tại các trường phổ thông Việt Nam".
Về lời khuyên dành cho các nhà khoa học trẻ Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân cho rằng trước hết phải xác định mình ở đâu và sẽ đi về đâu.Từ đó, có mục tiêu rất cụ thể và phải ấp ủ, đam mê, học thật nhiều để thực hiện những đam mê ấy.
GS Gurdev Singh Khush cho biết cảm xúc đầu tiên của ông khi nhận giải VinFuture là vô cùng hạnh phúc và biết ơn. Ông đã dành 40 năm để làm việc với các nhà khoa học và những nhà lãnh đạo của Việt Nam trong lĩnh vực phát triển lúa gạo. Nhờ sự kết hợp này, khi nhận được giải thưởng, cảm xúc biết ơn của ông là rất nhiều.
Trong tương lai, GS Gurdev Singh Khush khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà khoa học cũng như các nhà lãnh đạo của Việt Nam. "Mỗi khi các bạn cần tôi hỗ trợ, hợp tác trong lĩnh vực phát triển lúa gạo, tôi luôn sẵn sàng cung cấp sự trợ giúp để có thể phát triển lĩnh vực này sâu sắc hơn tại Việt Nam" - Chủ nhân giải thưởng VinFuture nói.
GS Gurdev Singh Khush chia sẻ ông và GS Võ Tòng Xuân đều có chung mục đích sử dụng số tiền này để đầu tư vào việc phát triển những giống lúa mới, những giống lúa tiềm năng trong tương lai. Ngoài ra, có thể hỗ trợ cho chương trình đào tạo cũng như phát triển năng lực về nông nghiệp cũng như về khoa học về lúa gạo tại Việt Nam thông qua hình thức trao học bổng.