Gửi cơm, gửi cá
Chưa bao giờ, tìm hàng quán 0 đồng lại dễ dàng như thời đại dịch Covid-19. Khắp các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam, cứ nơi nào có dịch bệnh nơi đó có suất cơm tình nghĩa, ai cũng có thể nhận trong lúc đói lòng.
Hàng vạn người của các tổ chức, đoàn thể, đội nhóm… tham gia thiện nguyện “nhóm lửa” đầu tắt mặt tối từ sáng đến đêm để gửi các suất cơm đến những nơi phong tỏa, gửi các suất cơm đến tay những lao động nghèo, từ ông chạy xe ôm truyền thống đến bà bán vé số dạo, công nhân nghèo...
Hàng vạn điểm phát cơm miễn phí, như tại điểm phát cơm chay tại số 96 Nguyễn Chí Thanh, phường 2, quận 10, TP. Hồ Chí Minh (TP.HCM), mỗi ngày phát từ 500 - 1000 suất ăn, bao gồm: 1 phần cơm chay và 1 chai nước suối, sữa hoặc nước ngọt; có hôm là trái cây cho bà con bán ve chai, người khó khăn đến nhận. Điểm phát cơm miễn phí tại số 1 Nguyễn Trung Trực, phường Bến Thành, quận 1, TP.HCM, phát cơm miễn phí từ 11h trưa hàng ngày. Không chỉ được nhận cơm, người đến nhận cơm miễn phí ở điểm này còn được nhận thêm 1 bao lì xì bên trong có 20.000 đồng. Quán ăn Xích Lô (đường Trần Hưng Đạo, quận 1) tặng 1.200 suất cơm miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn. Nhà hàng Bò tơ 5 Sánh trên đường Quang Trung, quận Gò Vấp, toàn những nhân viên mới tuổi 20, chăm chú chuẩn bị những suất cơm miễn phí tặng cho nhân viên y tế, các chiến sĩ cắm chốt và người dân trong khu phong tỏa phòng chống dịch Covid-19…
Ở Quảng Ngãi, thứ 3, thứ 5 và chủ nhật hàng tuần, hàng trăm suất cơm được phát miễn phí đến người gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, trên địa bàn TP. Quảng Ngãi, tại địa chỉ 99 Lê Thánh Tôn.
Không chỉ gửi cơm tặng cho nhau, thiết thực hơn nữa là gửi cả cá. Chuyến xe đầu tiên chở 3 tấn cá nục đông lạnh và 1 tạ tép khô đã tới TP. HCM và sẽ còn tiếp tục các chuyến xe như vậy nữa đến Sài Gòn, do CLB Du lịch Quảng Bình quyên góp, với lý do gửi tặng rất đỗi giản dị chỉ là vì tình hình dịch bệnh ở TP. HCM kéo dài và còn diễn biến phức tạp. Người tại TP. HCM đang tìm mọi cách hỗ trợ nhau bằng nhiều hình thức, như: tủ lạnh cộng đồng, phiên chợ 0 đồng, các bếp ăn từ thiện... Cơm vì vậy chắc sẽ không thiếu, vậy góp cá để bữa cơm thêm ngon.
Và còn gửi cả… người. Dẫu cho đoàn tình nguyện viên hơn 300 cán bộ sinh viên Hải Dương được Bộ Y tế gửi đến hỗ trợ TP. HCM vừa qua, vô tình bị rơi vào “tiếng bấc tiếng chì”, eo xèo rất đáng tiếc, thì tinh thần vì nhau không hề giảm.
Hiện đã có 14 tỉnh, thành miền Bắc và miền Trung sẵn sàng cử lực lượng chi viện hỗ trợ TP. HCM chống dịch Covid-19. Ngoài cử lực lượng, các tỉnh này còn lên kế hoạch hỗ trợ TP. HCM về hệ thống xét nghiệm RT-PCR. Để chi viện cho TP. HCM, Bộ Y tế vừa huy động khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế tình nguyện. Đoàn hơn 50 bác sĩ của Đà Nẵng đã đến TP. HCM. Hà Nội vừa tặng hệ thống xét nghiệm PCR tự động, máy tách chiết và test, chẩn đoán Covid-19 cho TP. HCM. Hải Phòng hỗ trợ 1 hệ thống Realtime PCR cùng 22.000 khay thử xét nghiệm định tính kháng nguyên SARS-CoV-2 và điều động 100 cán bộ y tế gồm bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên xét nghiệm hỗ trợ công tác phòng, chống dịch ngay khi có yêu cầu của UBND TP. HCM…
Người miền Nam đã luôn “muốn gửi ra em một chút nắng vàng/ thương cái rét của thợ cày, thợ cấy/ nên cứ muốn chia nắng đều cho ngoài ấy/ có tình thương tha thiết của trong này”, như nhà thơ Bùi Văn Dung từng biểu đạt và đã được nhạc sĩ Phạm Tuyên phổ nhạc thành bài hát nổi tiếng: “Gửi nắng cho em”.
Và “ngoài ấy” - miền Bắc, miền Trung cũng luôn muốn gửi tình thương tha thiết cho “trong này” - miền Nam ruột thịt. Như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nói: “Từ những bài học từ lịch sử, mỗi khi đất nước ta gặp khó khăn, thách thức, luôn có nguồn sức mạnh rất lớn đến từ tinh thần đoàn kết, sự quả cảm, lòng nhân hậu và tình người”.