Gùi tre và hồn núi rừng của người S'tiêng
Từ những thanh tre, nứa thô mộc, qua đôi bàn tay khéo léo của người S'tiêng, những chiếc gùi mộc mạc ra đời không chỉ để là đồ vật sử dụng trong cuộc sống thường nhật, mà còn gùi theo cả ký ức văn hóa, tinh thần cộng đồng và nét đẹp nguyên sơ của núi rừng đại ngàn. Nghề đan gùi truyền thống không chỉ là nghề mưu sinh, mà còn là bản sắc văn hóa độc đáo, đậm chất nghệ thuật đang được gìn giữ và hồi sinh trong dòng chảy hiện đại của người S'tiêng ở tỉnh Bình Phước.

Một nghệ nhân đan gùi của huyện Bù Đăng truyền dạy nghề cho các học viên. Ảnh: Hồng Lam
Vật dụng gắn bó cả đời của người S’tiêng
Đến các bản làng, phum sóc thuộc diện vùng sâu, vùng xa, biên giới của tỉnh Bình Phước như Bù Gia Mập, Lộc Ninh hay Bù Đăng..., chúng ta không khó để bắt gặp hình ảnh những người đàn ông, phụ nữ S’tiêng đeo chiếc gùi trên lưng, bước đi nhịp nhàng trên con đường đất đỏ bazan. Đối với người dân tộc S’tiêng, gùi là một vật dụng quan trọng, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày. Chiếc gùi là người bạn thân thiết, đồng hành với họ từ thuở thơ ấu cho đến lúc già nua. Gùi dùng để mang lúa, sắn, củi, thảo dược, thậm chí cõng cả con thơ khi qua rừng, vượt suối. Trong lễ hội, chiếc gùi lại xuất hiện như một biểu tượng văn hóa, gắn liền với những điệu múa dân gian, lời hát kể khan trầm hùng của dân tộc.
Người S’tiêng quan niệm: “Không có gùi, không phải là người của rừng”. Câu nói nghe mộc nhưng đầy tự hào ấy phần nào thể hiện vai trò đặc biệt của gùi trong đời sống và tâm hồn của đồng bào. Mỗi chiếc gùi là kết tinh của hiểu biết về thiên nhiên, sự kiên nhẫn và mỹ cảm dân gian. Đó không chỉ là sản phẩm thủ công mà là một “đứa con tinh thần” mang dấu ấn riêng của người làm ra nó.
Người S’tiêng xưa cũng có câu: “Trai lớn phải biết đan gùi, gái khôn phải biết đội gùi đi rẫy”. Nghề đan gùi vốn do đàn ông đảm nhiệm, truyền từ đời này sang đời khác. Họ không học nghề qua sách vở mà học bằng cách ngồi bên cha, bên ông, quan sát rồi làm thử. Mỗi sợi lạt tre được chuốt mỏng, ngâm nước, uốn cong theo đường gân tay, tất cả đều cần sự tỉ mẩn, khéo léo và cả cảm hứng sáng tạo. Ông Điểu Oanh, một nghệ nhân đan gùi ở thôn 1, xã Thống Nhất, huyện Bù Đăng, năm nay đã 70 tuổi, đôi bàn tay đã lấm tấm đồi mồi vẫn thoăn thoắt đan từng mắt lưới. Ông kể: “Gùi không chỉ để gùi lúa đâu, mà còn gùi văn hóa của mình. Tui dạy cho con cháu đan gùi để chúng nhớ mình là người S’tiêng, phải giữ lấy nghề của cha ông”.
Nguyên liệu đan gùi thường là tre, lồ ô hoặc nứa - những loại cây mọc đầy trên nương rẫy. Trước khi đan, tre phải được chẻ nhỏ, vót mịn, phơi khô, rồi ngâm nước vài ngày để dễ uốn. Sau đó là công đoạn đan mắt, tạo vành, gắn quai, trang trí hoa văn. Mỗi chiếc gùi có thể mất từ 3 đến 5 ngày để hoàn thiện. Đặc biệt, người S’tiêng còn gắn thêm những sợi cườm, dây rừng nhuộm màu, tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho từng sản phẩm. Không chỉ mang giá trị vật dụng, chiếc gùi còn là một phần không thể thiếu trong nghệ thuật biểu diễn và nghi lễ của người S’tiêng.
Trong lễ hội mừng lúa mới, người phụ nữ thường gùi thóc về nhà trong những chiếc gùi đan mới, như biểu tượng của sự sung túc, no đủ. Trong những điệu múa dân gian, chiếc gùi được đeo sau lưng, hòa cùng nhịp chiêng, nhịp kèn K’buốt tạo nên sự hài hòa giữa con người và đất trời. Gùi cũng gắn với nghệ thuật kể khan, một hình thức diễn xướng dân gian độc đáo của người S’tiêng. Trong các khan kể về lịch sử tộc người, thần núi, thần sông hay truyền thuyết khởi nguyên, chiếc gùi xuất hiện như một biểu tượng văn hóa trung tâm, là hiện thân của sự cần cù, kiên cường và gắn bó cộng đồng.

Một số vật dụng thường ngày của người S’tiêng. Ảnh: Hồng Lam
Giữ nghề giữa lằn ranh mai một
Sự phát triển của đời sống hiện đại khiến nghề đan gùi đứng trước nguy cơ mai một. Những chiếc ba lô, túi vải công nghiệp dần thay thế gùi trong sinh hoạt thường ngày. Thanh niên ngày nay ít người còn muốn học đan gùi vì cho rằng, nghề này cực nhọc, thu nhập thấp và “lỗi thời”. Nhiều nghệ nhân già yếu, mang theo bí quyết xuống suối mà chưa kịp truyền dạy lại cho lớp trẻ.
Ông Điểu Lon, Tổ trưởng Tổ làng nghề đan lát của sóc Bom Bo cũng rất trăn trở về nghề đan gùi truyền thống của dân tộc mình, ông cho biết: “Ở sóc Bom Bo, những người biết đan gùi cũng còn rất ít và đã lớn tuổi, người trẻ thì không thích học đan gùi, vót nan thường bị đứt tay, rất đau nên chỉ có ít người biết đan gùi”. Ông cũng bộc bạch, việc dạy người trẻ đan gùi để giữ nghề truyền thống là trách nhiệm của mình nên ông đã dạy những người con trai của mình đan gùi và đang tích cực vận động những người trẻ trong sóc tham gia lớp học nghề đan gùi.
Tuy vậy, vẫn còn đó những điểm sáng. Nhiều địa phương ở Bình Phước đã đưa nghề đan gùi vào chương trình bảo tồn văn hóa dân tộc. Các lớp truyền dạy đan gùi cho thanh thiếu niên được tổ chức định kỳ ở các xã vùng sâu, vùng xa như: Lộc Hòa (huyện Lộc Ninh); An Khương, Thanh An (huyện Hớn Quản); Bù Gia Mập, Phú Nghĩa, Đa Kia (huyện Bù Gia Mập); Bình Minh, Đoàn Kết, Thống Nhất, Phước Sơn (huyện Bù Đăng)... Một số nghệ nhân còn sáng tạo đưa gùi vào sản phẩm du lịch cộng đồng, gùi mini để bàn, gùi trang trí, gùi làm quà lưu niệm, mang đến sức sống mới cho nghề truyền thống. Tổ trưởng Tổ làng nghề đan lát của sóc Bom Bo Điểu Lon cho biết: “Ngày xưa, gùi giúp mình mưu sinh. Giờ, gùi còn là niềm tự hào. Mỗi khi có du khách hỏi mua gùi, mình vui lắm. Không chỉ vì có thêm thu nhập, mà vì biết rằng văn hóa của mình đang được người khác trân quý”.
Giữa những thách thức của thời đại mới, nghề đan gùi của người S’tiêng ở Bình Phước vẫn âm thầm tồn tại như một nhịp đập bền bỉ của ký ức dân tộc. Chiếc gùi không chỉ là phương tiện lao động, mà còn là biểu tượng của bản sắc, trí tuệ và tâm hồn người S’tiêng. Mỗi sợi tre, sợi nứa đan vào nhau như sợi dây kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và thiên nhiên, giữa văn hóa truyền thống và sự phát triển bền vững. Khi chúng ta nâng niu một chiếc gùi, cũng là lúc ta nâng niu một phần di sản của đại ngàn, nơi có những con người thầm lặng đan đời mình vào từng mắt gùi, gùi theo cả một nền văn hóa không thể lãng quên.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/gui-tre-va-hon-nui-rung-cua-nguoi-stieng-post491703.html