Gương mặt đa diện của điệp viên Carmelo Borg Pisani
Carmelo Borg Pisani (10/8/1915 - 28/11/1942) là một nghệ sĩ người gốc Malta, cũng đồng thời là một tay phát xít Ý, đã bị kết án tử hình vì tội phản quốc vào năm 1942. Là một người theo chủ nghĩa dân tộc nên Pisani tin rằng cơ hội tốt nhất để Malta giành được độc lập là phải trục xuất người Anh, đồng thời hợp nhất đảo Malta với Ý.
Thuở thiếu thời
Sinh ra trong một gia đình theo chủ nghĩa dân tộc ở Senglea (Malta) vào ngày 10/8/1915, Carmelo Borg Pisani ghi danh theo học tại Trường trung học nghệ thuật Umberto I (ngôi trường nổi tiếng thân với người Ý) tại Valletta. Thời niên thiếu, ông đã tích cực tham gia mạng lưới các tổ chức thân Ý và thân phát xít ở Malta, đó là tổ chức Casa del Fascio do Giáo sư Umberto Biscottini đứng đầu, và tổ chức OGIE, qua đó ông có cơ hội tham gia các trại hè thanh thiếu niên ở Ý, chẳng hạn như trại Dux đặt ở Viareggio vào năm 1930, và một trại khác ở Rome năm 1932.
Sau đó Borg Pisani chuyển đến Ý để theo học Viện nghệ thuật Roma cùng với các nghệ sĩ nổi tiếng Malta đương thời như Emvin Cremona. Borg Pisani sống trong tổ chức Casa della Redenzione Maltese do chính phủ Ý tài trợ ngân sách, tại đó ông gặp gỡ những người bất đồng chính kiến gốc người Malta và cùng cáo buộc rằng chính quyền thực dân Anh đang cố tình hủy hoại “tinh thần Ý” của Malta.

Tiến sĩ Ganado trao bức tranh về Carmelo Borg Pisani cho Giám đốc điều hành Di sản Malta, ông Kenneth Gambin.
Borg Pisani cũng tin rằng cơ hội tốt nhất để phục hồi Malta về trạng thái ban đầu là trục xuất người Anh và tiến hành sát nhập hòn đảo Malta với Vương quốc Ý. Tại Rome, Borg Pisani giữ chức chủ tịch của Hội đồng thân hữu lịch sử Malta và tham gia vào Ủy ban hành động Malta được dẫn đầu bởi nhà hoạt động Carlo Mallia (đang sống lưu vong) của Đại học Malta. Trong vai trò giám đốc, Borg Pisani đã tham gia vào việc xuất bản tờ báo Malta theo chủ nghĩa phục quốc vốn bị cấm đoán bởi chính quyền thực dân Anh. Mặt khác, Borg Pisani còn là người ủng hộ cho chủ nghĩa phát xít. Năm 1935, Pisani đã không thành công trong lúc cố gắng làm tình nguyện viên cho chiến tranh phát xít ở Ethiopia.
Giữa thời điểm 1939 và 1940, Borg Pisani gia nhập Nhóm đại học phát xít (là chi nhánh sinh viên của đảng phát xít Quốc gia Ý, được thành lập vào năm 1920 và được tái cơ cấu vào năm 1927, nơi tập hợp tất cả các sinh viên Ý có nghĩa vụ phải đăng ký học ở đó lại với nhau) và sau đó là đảng phát xít quốc gia (PNF, là một đảng chính trị Ý, được Quốc trưởng Benito Mussolini sáng lập, nó biểu hiện chính trị của chủ nghĩa phát xít. Đảng này cai trị Italy trong giai đoạn 1922-1943 theo một hệ thống độc tài toàn trị).
Hoạt động gián điệp trong Thế chiến II
Ngày 10/6/1940, ngay sau khi Ý tham gia Thế chiến II, Borg Pisani đã từ bỏ quốc tịch Anh, trả lại hộ chiếu Anh thông qua đại sứ quán Mỹ (nơi đại diện cho các lợi ích của Anh ở Rome). Có một sự thực là Pisani chưa từng yêu cầu xin quốc tịch Ý dù sau đó ông phục vụ trong quân đội Ý. Pisani cũng viết thư xin Mussolini được làm tình nguyện viên nhưng bị quân đội Ý từ chối do ông bị cận thị nặng. May sao nhờ sự giới thiệu của một số người quan trọng gồm cả Giáo sư Umberto Biscottini mà cuối cùng Borg Pisani được nhận vào hàng ngũ của Blackshirts (Hắc Y - lực lượng dân quân phát xít Ý), và sau đó cũng gia nhập tổ chức tình báo quân sự SIM.
Cùng với Blackshirts, Borg Pisani đã tham gia vào cuộc chiếm đóng Kefallinia (Hy Lạp) của Ý, và bị thương ở đó. Cùng với các phần tử Malta bất đồng chính kiến khác, Borg Pisani tham gia nhiều trường quân sự ở Messina.

Carmelo Borg Pisani (ngoài cùng bên trái) cùng với các bạn ở Rome.
Ngày 18/5/1942, Borg Pisani tình nguyện tham gia một nhiệm vụ gián điệp đến Malta nhằm thăm dò động tĩnh về việc phòng thủ của Anh, đồng thời giúp chuẩn bị kế hoạch xâm lược hòn đảo của phe Đồng Minh (Chiến dịch Herkules). Ông đổ bộ lên vách núi Dingli ở Ras id-Dawwara và chuyển toàn bộ khẩu phần thức ăn của mình trong một hang động mà ông vốn rành rẽ từ lúc nhỏ. Vậy nhưng thời tiết khắc nghiệt thất thường và biển nổi sóng mạnh đã cuốn trôi toàn bộ những thứ giấu trong hang chỉ trong vòng 48 giờ, khiến Pisani không thể leo lên vách núi và buộc phải quay lại một chiếc thuyền tại đó.
Trước khi được một chiếc tàu tuần tra Anh giải cứu, Pisani được đưa tới Bệnh viện hải quân RNH Mtafa. Tại đó, Pisani được Tom Warrington (đại úy, một trong những người bạn thời thơ ấu) phát giác và tố cáo ông. Tình báo Anh đã ngay lập tức quản thúc Borg Pisani trong một ngôi nhà ở Sliema tới tháng 8/1952. Rồi sau đó Pisani được chuyển đến nhà tù Corradino và bị cáo buộc tội phản quốc.
Ngày 12/11/1942, Borg Pisani bị lôi ra tòa sau những cánh cửa nặng nề đóng kín, dưới sự chứng kiến của 3 quan tòa mà người đứng đầu là ngài George Borg - chánh án tòa án tối cao Malta, và được bào chữa bởi hai luật sư. Lời biện hộ của Pisani có đoạn ông khai rằng mình đã từ bỏ quốc tịch Anh bằng cách trả lại hộ chiếu và nhập tịch Ý (điều này cho phép Pisani được hưởng quy chế tù binh chiến tranh) và nó đã không được tòa án binh phê chuẩn. Ngày 19/11/1942, Borg Pisani bị tuyên án tử vì tội làm gián điệp, cầm vũ khí chống lại chính phủ và tham gia vào âm mưu lật đổ chính phủ.
Paul Borg (người anh trai của Borg Pisani cũng là một cha xứ) đã cố gắng mọi cách nhằm cứu mạng cho em mình bằng cách đệ đơn thỉnh cầu lên Thống đốc Malta là John Vereker (Tử tước Gort thứ 6) và khẩn cầu ông này sử dụng đặc quyền của mình để khoan hồng và đảo ngược bản án từ tử hình xuống tù chung thân.
Nhưng đơn thỉnh cầu đã bị bác kèm một dòng ghi chú cho thấy viên Thống đốc “không có lý do nào để can thiệp vào tiến trình pháp luật”. Borg Pisani bị hành quyết bằng hình thức xử giảo vào lúc 7 giờ 30 phút sáng ngày thứ Bảy, 28/11/1942. Có mặt tại buổi hành hình đó có Đức cha Felicjan Bolocca đã thực hiện những nghi thức tôn giáo cuối cùng và đi cùng tử tội đến bục xử tử. Xác của Borg Pisani ban đầu được chôn ngay bên trong nhà tù Corradino, giờ đây hài cốt được đặt trong nhà chứa ở nghĩa địa Paola.
Theo ông Mark Harwood (Giáo sư của Viện nghiên cứu Châu Âu) thì Borg Pisani có lẽ đã bị phản bội bởi chính những đồng đội phát xít Ý của mình, những người đã phái ông làm gián điệp ở Malta chỉ một mình (nơi mà Pisani rất dễ bị bắt và xử chết) có thể nhằm tìm kiếm một cuộc đảo chính tuyên truyền chống lại người Anh và người Malta vào đỉnh cao của cuộc chiến - song kế hoạch bất thành. Còn ông Frank Leighton (sĩ quan của Không lực Hoàng gia Anh) thì quả quyết: “Borg Pisani là nạn nhân cả tin của chủ nghĩa tuyên truyền phát xít Ý”.
Anh hùng hay kẻ tội đồ?
Nhiều tác giả quả quyết cho rằng Borg Pisani không phải là kẻ phản bội bởi ông có tầm nhìn riêng về Malta, một cái nhìn chính đáng như bất kỳ ai khác. Điều mà Carmelo Borg Pisani tin tưởng đó chính là khái niệm Italianita là một dấu ấn quốc gia. Cần phải biết rằng quốc đảo Malta là một phần của Vương quốc Sicily trước năm 1814 khi Malta trở thành thuộc địa của đế quốc Anh. Những năm sau đó đã nổi lên một phong trào nhằm xóa bỏ dấu ấn văn hóa này, điều này dẫn đến một phong trào phản kháng nó.
Một thực tế là lịch sử gần đây của Malta đã không dạy cho người dân sự thực này. Có thể một số người sẽ đồng ý hay bất đồng với mức án mà Malta áp cho Pisani, tuy nhiên Borg Pisani không phải là kẻ cơ hội phản bội tổ quốc vì mục đích cá nhân mà ông là người hành động theo lý tưởng và sẵn sàng hy sinh mạng sống. Về mặt pháp lý, cái gọi là sự phản bội có thể có hoặc không trong thực tế.
Sau khi Borg Pisani qua đời, người ta tìm thấy trong nhà tù đã giam giữ ông có một dòng chữ do ông viết: “Những kẻ hèn nhát và tôi tớ không được Chúa quý trọng”. Những lời trăng trối này đã được tiếp nối bởi nhiều người ủng hộ Pisani. Tại Ý, Borg Pisani được đích thân nhà vua Victor Emmanuel III trao Huy chương vàng dũng cảm quân sự (huy chương cao nhất của Quân đội Ý) chỉ vài ngày sau khi ông bị hành quyết.
Benito Mussolini gọi Pisani là “Liệt sĩ Malta” và đến tháng 11/1943 đã vinh danh Pisani bằng cách thành lập ra Hắc Y Tiểu đoàn ở Liguria - nơi mà những người Malta khác theo chủ nghĩa phục quốc đã chiến đấu. Còn học viện nghệ thuật nơi Borg Pisani từng theo học ở Rome một thời gian ngắn đã đổi sang tên mới là Học viện nghệ thuật Borg Pisani; hay những con phố ở Rome, Turin, Bari và Legnano vẫn mang tên ông. Năm 2010, một nhóm tân phát xít đã tưởng niệm cái chết của Pisani ngay trước đại sứ quán Malta ở Rome.

Chân dung điệp viên Carmelo Borg Pisani thời trẻ và giấy tờ tùy thân.
Borg Pisani rất được kính trọng ở Ý. Sử gia người Ý, Giulio Vignoli, viết rằng “Borg Pisani được coi là một trong những liệt sĩ “Risorgimento” (Thống nhất nước Ý) cuối cùng của chủ nghĩa phục quốc Ý, như những tên tuổi Cesare Battisti và Nazario Sauro. Đối với quê hương Malta của mình, Borg Pisani vẫn là nhân vật gây tranh cãi không ngớt. Nhiều người coi ông là kẻ bội phản Malta để chiến đấu cho phát xít Ý. Mặt khác, nhiều người cho rằng ông là anh hùng ái quốc - người muốn tìm ra cách thức tốt nhất cho Malta bằng cách thoát khỏi ách thống trị của Anh và thống nhất hòn đảo với nước Ý. Ông Norman Lowell, lãnh đạo đảng chính trị cực hữu Imperium Europa, một người hâm mộ Borg Pisani cuồng nhiệt được cho là đã hô vang “Borg Pisani có mặt!” để tưởng nhớ cựu điệp viên trong một buổi phỏng vấn trên truyền hình One.
Về phần mình, ông Henry Frendo (giáo sư về lịch sử hiện đại của Đại học Malta) quả quyết rằng Borg Pisani là người ủng hộ Ý như nhiều người khác. Tuy nhiên, khi chiến tranh bùng nổ, mọi thứ đảo chiều khi ông được người Ý giao nhiệm vụ làm gián điệp cho người Anh. Nhà báo Lawrence Grech cho rằng vào thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, Malta đã chịu nhiều đau khổ và mục đích Borg Pisani đến hòn đảo này là để kiểm tra khả năng phòng thủ của Anh tại Malta, việc này đã gây ra phản ứng trái chiều khiến ông bị bắt giữ làm tù binh chiến tranh. Ông Lawrence Mizzi từ Air Malta khẳng định rằng mình chỉ biết đến Borg Pisani khi ông bị treo cổ và lúc đó không thấy ai nói gì cả. Không ai được phép xem phiên tòa xét xử.