'Gương thần' không chỉ trong cổ tích
Đề cập đến 'gương ma thuật' hay 'gương thần', có lẽ xuất hiện trong tâm trí của hầu hết mọi người là câu nói 'Ai là người đẹp nhất?' trong chuyện cổ tích 'Nàng Bạch Tuyết' của anh em nhà Grimm, hay chiếc gương hình bầu dục đen có thể triệu hồi các linh hồn của John Dee, pháp sư và là cố vấn của Nữ hoàng Elizaeth I nước Anh. Mới đây, người ta còn phát hiện một chiếc gương cổ bí ẩn có thể phản chiếu những hình ảnh kỳ diệu.
“Gương thần” bị bỏ quên
Tại hầu hết các viện bảo tàng trên thế giới, ngoài việc trưng bày một phần nhỏ trong bộ sưu tập đồ sộ, những người phụ trách còn phải liên tục làm việc ở phía sau, kiểm tra những chiếc hộp và thùng cũ để tìm các món đồ quý hiếm có thể bị cất giấu quá kỹ hoặc dán nhãn sai.
Trong một lần như vậy, khi đang xem xét các đồ tạo tác trên kệ ở phòng sau, Tiến sĩ Hou-mei Sung thuộc bộ phận phụ trách nghệ thuật Đông Á tại Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati (Mỹ) đã khám phá một đồ vật vô cùng giá trị. Đó là chiếc “gương ma thuật” có từ thời nhà Hán ở Trung Quốc (202 TCN – 220 CN).
Khi bị ánh sáng mặt trời chiếu lên, gương dường như trong suốt và để lộ những ký tự hoặc một thiết kế trang trí. Được bảo tàng chính thức mua lại vào năm 1961, chiếc gương vô danh đã nằm im một khoảng thời gian dài trước khi tính năng độc đáo của nó được phát hiện.
Trước khi gương hiện đại ra đời, những người giàu có thường sử dụng đồ đồng đánh bóng để soi nhân dạng, chỉnh trang phục trước khi xuất hiện trước mọi người.
Có niên đại ít nhất vào năm 2900 trước Công nguyên, gương đồng dần trở nên phổ biến khi các thợ thủ công trong triều đại nhà Hán tìm ra cách sản xuất hàng loạt. Gương có sáng và rõ hay không đều phụ thuộc vào bậc thầy về đánh bóng bề mặt. Đó là công đoạn cực kỳ khó.
Trên thực tế, bí mật của gương bắt đầu từ mặt phản chiếu của những tấm đồng mỏng. Khi kim loại được đúc và đánh bóng, nó sẽ phồng lên một chút, khó nhận thấy. Cũng có một vài sai sót nhỏ khi một “hỗn hống thủy ngân” (mercury amalgam) được phủ lên bề mặt gương.
Mặc dù, người dùng nhận thấy gương đồng hoạt động khá tốt trong việc phản chiếu hình ảnh của họ, nhưng mọi thứ thay đổi khi mặt sáng bóng của nó bắt và phản chiếu ánh sáng chói.
Khi ánh sáng từ gương phản chiếu lên tường, những điểm không hoàn hảo tạo ra những điểm tối có thể nhìn thấy được, phần nào giống với những hình ảnh ở mặt sau, khiến chủ nhân nghĩ rằng, ánh sáng thực sự đang chiếu qua gương. Khi các nhà sản xuất gương tìm ra điều này, họ đã tìm cách kiểm soát sự không hoàn hảo và phản xạ của chúng.
TS Sung tìm thấy trên gương ở bảo tàng có sáu ký tự tiếng Trung Quốc (南無阿彌陀佛), nghĩa là Nam Mô A Di Đà Phật, và hình ảnh phản chiếu cho thấy Đức Phật được bao phủ trong các tia hào quang rực rỡ.
Chiếc gương thần ở Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati có đường kính 21,6cm, có lẽ được treo trên tường của một ngôi đền hoặc hộ gia đình quý tộc như vật trang trí về tôn giáo.
Sung cho biết, do nhỏ hơn những chiếc gương ma thuật trong truyền thuyết, nên có thể nó đã bị gạt sang một bên, cho rằng không có giá trị lịch sử. Bà tin rằng, các bảo tàng, nhà sưu tập nghệ thuật và nhà đấu giá khác có thể có nhiều thứ giá trị hơn thế mà không biết.
“Gương thần” trong truyền thuyết
Một trong những đồ vật nổi tiếng được trưng bày trong Phòng Khai sáng của Bảo tàng Anh là chiếc gương obsidian gắn liền với John Dee, pháp sư và là người bạn tâm giao của Nữ hoàng Elizabeth I.
Người ta biết rất ít về việc Dee sở hữu chiếc gương như thế nào, nhưng qua một nghiên cứu trong năm 2021, các chuyên gia thuộc Đại học Cambridge đã lần theo dấu vết của obsidian (đá thủy tinh núi lửa) đến Mexico, nơi các thầy tu Aztec thường đeo chúng trong các nghi lễ.
Chúng được liên kết với Tezcatlipoca, thần Obsidian và ma thuật, theo tiếng Nahuatl có nghĩa là “Gương khói”. Mặc dù, những kẻ chinh phục thường cho mình có đẳng cấp cao hơn người Aztec, nhưng họ luôn tôn trọng sức mạnh huyền bí ở địa phương và “gương thần” của John Dee là một ví dụ điển hình.
“Hỡi gương thần trên tường! Ai là người đẹp nhất?”. Những từ này lần đầu tiên xuất hiện trong tuyển tập Truyện cổ Grimm, được xuất bản vào năm 1812 bởi anh em nhà Grimm (Jacob và Wilhelm) trong ấn bản đầu tiên với tựa đề tiếng Đức Sneewittchen (Bạch Tuyết).
Chiếc gương này là một “kẻ mách lẻo” - nó nói với bà mẹ kế của Bạch Tuyết rằng nàng là người đẹp nhất, rằng nàng đã bị bảy chú lùn che giấu… Nhưng rồi nàng đã sống sót sau âm mưu giết hại bằng quả táo tẩm độc của bà hoàng.
“Chiếc gương thần” có nhiều dạng khác nhau trong hàng trăm bản dịch và chuyển thể của câu chuyện cổ tích nổi tiếng - một số hình Mặt trời hoặc Mặt trăng, một số thì bị vỡ ở phần cuối, nhưng vai trò chủ yếu của nó là trả lời các câu hỏi của hoàng hậu một cách trung thực. Vì vậy, nó là “ma thuật” đối với nữ hoàng độc ác nhưng không phải đối với Bạch Tuyết.
Đâu là “gương thần” thực sự?
Trong những chiếc gương trên, chiếc nào xứng đáng với danh hiệu “gương thần”? Có vẻ như phiên bản của Trung Quốc đủ điều kiện nhất vì nó có thật, đang được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati và có thể thực hiện phép thuật theo lệnh, và “phép thuật” được giải thích trên cơ sở khoa học.
Gương thần của John Dee được sử dụng trong các nghi lễ ma thuật, trong khi phiên bản Trung Quốc mang tính chất trang trí tôn giáo hơn. Chiếc gương ma thuật của anh em nhà Grimm chắc chắn là chiếc gương huyền diệu nhất và nổi tiếng nhất… nhưng nó cũng ít thực tế nhất.
Theo Tiến sĩ Sung, Bảo tàng Nghệ thuật Cincinnati hiện thuộc số ít các viện trên thế giới sở hữu loại gương ma thuật này. Chỉ có hai nơi khác lưu giữ hiện vật quý hiếm theo chủ đề Phật giáo trên, bao gồm Bảo tàng Nghệ thuật New York và Bảo tàng Quốc gia Tokyo. Tuy nhiên, cả hai đều là những gương thuộc thời kỳ Edo của Nhật Bản và không lâu đời bằng hiện vật mới được phát hiện của Trung Quốc.
Bà hy vọng phát hiện này sẽ “truyền cảm hứng cho du khách tìm hiểu thêm về nhiều tác phẩm nghệ thuật châu Á hiếm có trong bộ sưu tập của bảo tàng”.
Theo Mysteriousuniverse
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/guong-than-khong-chi-trong-co-tich-post603457.html