GV có nhiều áp lực, cho phép dạy thêm thầy cô lấy đâu thời gian nghỉ ngơi?
Giáo viên là lao động đặc biệt, ký hợp đồng lao động với nhà nước và phải hoàn thành công việc cũng như trách nhiệm của mình.
Việc tổ chức các lớp học thêm, học thêm vẫn là một vấn đề nhạy cảm và gây tranh cãi. Dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, lấy ý kiến góp ý.
Khó phân biệt được giữa tự nguyện và ép buộc trong dạy thêm, học thêm
Trong dự thảo, tại điều 3 có quy định rõ dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đông Phương, nguyên cán bộ Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng đây là quy định hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, tuy nhiên để thực hiện sẽ gặp khó khăn.
Dạy thêm, học thêm nên mang tính chất tự nguyện nhưng thực tế, nhiều giáo viên đã chuyển một số nội dung đáng lẽ phải dạy trên lớp sang các giờ học thêm. Điều này dẫn đến việc những học sinh không tham gia học thêm sẽ không nắm được kiến thức đầy đủ, khi đó, lời kêu gọi học thêm dường như ngầm hiểu là không thể từ chối.
Tiến sĩ Lê Đông Phương chỉ ra, trên thực tế, hoạt động dạy thêm rất đa dạng và không phải lúc nào cũng vi phạm quy định. Ở nhiều nơi, giáo viên tổ chức dạy thêm miễn phí cho những học sinh yếu hoặc vì lý do đặc biệt nào đó không tiếp thu được bài trên lớp. Những giáo viên này dành thời gian để giúp học sinh theo kịp chương trình, đặc biệt là ở các vùng khó khăn, nơi điều kiện kinh tế hạn chế và sự quan tâm của gia đình còn thiếu. Đây là hoạt động rất đáng khen ngợi và cần được khuyến khích.
Trong khi đó, ở những khu vực kinh tế phát triển hơn, dạy thêm thường nhằm mục đích nâng cao kiến thức hoặc rèn luyện kỹ năng thi cử, nhưng đôi khi lại là việc mang nội dung bài giảng ở trường vào các buổi học thêm tại nhà. Điều này làm cho học sinh tham gia học thêm có lợi thế hơn trong các kỳ kiểm tra, tạo ra sự không minh bạch trong hoạt động dạy thêm, học thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho rằng, mặc dù dự thảo quy định cấm giáo viên gây áp lực, nhưng giáo viên có thể sử dụng những “nghệ thuật” tinh vi mà không để lại bằng chứng cụ thể. Điều này khiến việc thực hiện quy định trở nên khó khăn và khó kiểm soát.
Việc nới lỏng quy định về dạy thêm và học thêm có thể dẫn đến sự hiểu ngầm rằng giáo viên được "cởi trói" và có thể tổ chức dạy thêm một cách thoải mái hơn. Dù không thừa nhận ép buộc học sinh, giáo viên vẫn có nhiều cách tinh vi để tạo áp lực, chẳng hạn như sử dụng "luật tẩy chay ngầm".
Chỉ cần những hành động nhỏ như thường xuyên gọi học sinh lên bảng, giáo viên có thể khiến học sinh cảm thấy bị phân biệt, phụ huynh cũng khó có thể kết luận rằng giáo viên đang kỳ thị con mình. Giáo viên có nhiều cách để thuyết phục phụ huynh cho con đi học thêm, phụ huynh thường không có đủ bằng chứng để phản ánh điều này.
Ngoài ra, việc cân bằng giữa dạy chính khóa và dạy thêm, học thêm đang đặt ra áp lực lớn đối với giáo viên, đặc biệt là giáo viên tiểu học. Giáo viên phải làm việc với cường độ rất cao, từ 7 giờ sáng để đón học sinh cho đến 5 giờ 30 chiều mới tan học. Buổi tối, nhiều giáo viên còn phải chấm bài và soạn bài. Nếu phải dạy thêm nữa, họ sẽ không còn đủ năng lượng, dẫn đến việc phân tán sự tập trung, làm giảm hiệu quả giảng dạy trên lớp.
Theo Tiến sĩ Phương: “Giáo viên đã quá tải và bận rộn với công việc giảng dạy chính khóa, việc cho phép họ dạy thêm thay vì để họ có thời gian nghỉ ngơi đang là mâu thuẫn trong quản lý hệ thống giáo dục hiện nay.
Giáo viên đang phải chịu áp lực lớn, cần thời gian để nâng cao trình độ và tham gia các hoạt động chuyên môn khác. Việc cho phép họ dạy thêm không chỉ làm gia tăng gánh nặng mà còn làm trầm trọng thêm mâu thuẫn này. Trước khi ban hành bất kỳ quy định nào về dạy thêm, học thêm, mâu thuẫn này cần được giải quyết triệt để”.
Tiến sĩ Lê Đông Phương nhấn mạnh, chỉ khi giáo viên hoàn thành tốt công việc giảng dạy theo hợp đồng lao động, lúc đó mới nên xem xét việc dạy thêm. Nếu công việc chính chưa hoàn thành, việc dạy thêm không nên được khuyến khích
Không nên dạy thêm để tránh xung đột lợi ích
Ông Hoàng Anh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Giáo dục EdLab Asia cũng phân tích, việc giáo viên dạy thêm cho học sinh đặt ra vấn đề về tính công bằng. Một số giáo viên chỉ dạy sơ sài trên lớp và dành phần lớn nội dung quan trọng cho các lớp học thêm, tạo ra sự bất bình đẳng trong học tập và thi cử. Giáo viên có thể ra đề thi dựa trên nội dung đã dạy thêm, gây áp lực cho học sinh phải tham gia.
Theo ông Hoàng Anh Đức, rất khó xác định việc học thêm có thực sự là tự nguyện hay không. Trước đây, nhiều giáo viên vừa dạy chính khóa vừa ra đề thi, thậm chí sử dụng đề thi đã ôn luyện trong lớp học thêm. Điều này làm cho việc quyết định có nên học thêm trở nên mơ hồ, khi sự bắt buộc không rõ ràng nhưng lại có sức ép ngầm đối với phụ huynh và học sinh.
Dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm đã bỏ yêu cầu giáo viên không được dạy thêm cho chính học sinh chính khóa.
Theo Tiến sĩ Lê Đông Phương, việc giáo viên dạy thêm cho chính học sinh của mình tạo ra xung đột lợi ích. Khi giáo viên dạy thêm, liệu có đảm bảo rằng họ không lợi dụng điều này để mang lại lợi thế về kiến thức và điểm số cho học sinh đi học thêm, đổi lại những lợi ích cá nhân? Điều này đi ngược lại trách nhiệm giáo viên phải hoàn thành trong giờ dạy chính khóa, như đã được quy định trong hợp đồng lao động với nhà trường.
Việc cho phép giáo viên dạy thêm cho học sinh của mình được đưa ra, cho thấy sự thiếu nhất quán trong tư duy quản lý. Điều này làm tái diễn xung đột lợi ích và gây bất ổn cho hệ thống giáo dục.
Tiến sĩ Phương bày tỏ, không nên cho phép giáo viên trường công dạy thêm cho bất kỳ đối tượng nào. Giáo viên là lao động đặc biệt, ký hợp đồng lao động với nhà nước và phải hoàn thành công việc cũng như trách nhiệm của mình. Việc cho phép giáo viên dạy thêm sẽ làm họ phân tâm, không toàn tâm toàn ý vào công việc chính là giảng dạy trên lớp.
Tiến sĩ Lê Đông Phương đưa ra giải pháp, coi dạy thêm như một dịch vụ có điều kiện, không cho phép giáo viên đóng vai trò kép vừa là giáo viên, vừa là người dạy thêm. Những người tổ chức dạy thêm nên là những cá nhân kinh doanh giáo dục, có thể đăng ký với chính quyền dưới hình thức lao động tự do hoặc doanh nghiệp giáo dục.
“Nếu giáo viên cảm thấy có nhu cầu dạy thêm và có đủ năng lực, chúng ta nên học theo mô hình của các nước trên thế giới, coi việc dạy thêm như một nghề có đăng ký. Giáo viên nên rời trường công và đăng ký làm việc tại các trung tâm gia sư, trung tâm luyện thi, hoặc trung tâm văn hóa dạy thêm, nơi họ có thể tập trung vào việc này mà không tạo ra xung đột lợi ích.
Nếu giáo viên cho rằng thu nhập ở trường không đủ và muốn kiếm thêm thu nhập, giáo viên có thể mở lớp riêng hoặc làm việc tại các trung tâm dạy thêm mà không cần đóng vai giáo viên trường công. Điều này sẽ giúp cả người dạy và người học thoải mái, đồng thời giá cả cho việc dạy thêm sẽ được điều chỉnh theo thị trường, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác”, thầy Phương nói.
Tập trung vào chương trình GDPT 2018 trước khi nghĩ đến chuyện dạy thêm, học thêm
Ông Hoàng Anh Đức cho hay, hiện nay, chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, một chương trình tập trung vào phát triển năng lực học sinh hơn là việc chỉ học thuộc lòng. Tuy nhiên, sự chuẩn bị và khả năng triển khai của giáo viên, nhà trường và các cơ sở vật chất vẫn chưa đạt đến độ “chín” cần thiết.
Thời điểm này, chúng ta cần tập trung nguồn lực vào việc triển khai và cải tiến Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cần rà soát, cải tiến liên tục để đảm bảo chất lượng giáo dục thay vì ưu tiên dạy thêm, học thêm.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới việc không cần dạy thêm, mà tập trung vào phát triển năng lực cho học sinh, để các em học từ thực tiễn chứ không phải học theo khuôn mẫu. Việc này cần được triển khai trong nhà trường, thay vì tại các trung tâm dạy thêm. Nếu cần tổ chức các giờ học bổ trợ, nhà trường có thể thực hiện thông qua các giờ chuyên đề, phân hóa theo năng lực học sinh và phải công khai, minh bạch cho phụ huynh lựa chọn.
Theo bà Vũ Thu Hương, phụ huynh là người quyết định việc cho con đi học thêm nhưng nhiều người không hiểu rõ về giáo dục và dễ bị tác động bởi giáo viên. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần cung cấp đầy đủ thông tin cho phụ huynh thông qua các sách hướng dẫn hoặc cổng thông tin điện tử để họ có cơ sở đưa ra quyết định. Nếu Bộ chỉ đẩy trách nhiệm cho phụ huynh mà không cung cấp thông tin rõ ràng, quyền lực trong giáo dục có thể bị lạm dụng.
Trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh cần có kỹ năng phân tích để làm tốt các đề thi, kể cả với các tác phẩm ngoài sách giáo khoa. Điều này tạo ra tâm lý lo lắng cho cả phụ huynh và học sinh, dẫn đến việc cho con đi học thêm để nắm bắt mọi “bí kíp” từ các thầy cô.
Bên cạnh đó có một thực tế là nhiều hoạt động bị cấm trong giờ học chính khóa hoặc ở nhà, nhưng học sinh lại thực hiện trong lớp học thêm mà không ai kiểm soát. Trong lớp học thêm, giáo viên có thể chỉ cần học sinh giữ trật tự mà không quan tâm đến việc các em có thực sự học hay không. Nhiều lớp học thêm quá đông đúc, không đảm bảo điều kiện an toàn, và không được quản lý chặt chẽ như trong trường học. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm quản lý và đảm bảo an toàn cho học sinh trong các lớp học thêm.
"Khi chưa có quy định rõ ràng và giải pháp phù hợp, việc giữ nguyên cấm dạy thêm học sinh chính khóa là cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực đến học sinh", chuyên gia Nguyễn Thu Hương nhấn mạnh.
Trong quá trình này, cần xây dựng tài liệu hướng dẫn cho cả giáo viên và phụ huynh để giúp học sinh nâng cao khả năng tự học. Ví dụ, học sinh nên được cung cấp tài liệu hướng dẫn về chương trình năm học mới ngay khi năm học cũ kết thúc. Tài liệu này sẽ chỉ rõ các bộ sách, cách phân tích, và hướng dẫn học tập. Thậm chí, cần có những tiết học để giáo viên hướng dẫn học sinh cách tổng kết kiến thức, lập kế hoạch học tập, và báo cáo lại cho nhà trường.
Học sinh cần được học cách "sống" với chương trình giáo dục phổ thông 2018, không chỉ tuân theo chỉ dẫn của giáo viên mà còn hiểu rõ về chương trình và tự chọn con đường học tập phù hợp. Bên cạnh các bài kiểm tra kiến thức, việc kiểm tra khả năng lập kế hoạch học tập cũng cần được chú trọng, với điểm cộng cao cho những học sinh thực hiện tốt. Điều này sẽ khích lệ học sinh và tạo sự hứng thú trong việc lên kế hoạch học tập.