GV dễ dàng làm thủ tục để dạy thêm đàng hoàng, địa phương sẽ quản lý hoạt động
Chỉ tính từ ngày 12/2 đến ngày 14/2, Quận Bình Tân (TPHCM) đã tiếp nhận 176 hồ sơ đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề dạy thêm, mã ngành kinh tế 8559.
Từ ngày 14/2/2025, Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nêu các quy định về dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực. Một trong những điểm mới của thông tư này là yêu cầu các tổ chức, cá nhân muốn tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, có thu tiền của học sinh thì cần phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh.
Để thực hiện đúng quy định, trong nhiều ngày vừa qua, giáo viên nhiều địa phương đã thực hiện các thủ tục theo quy định để tránh vi phạm.
![Ảnh minh họa: Doãn Nhàn](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_15_231_51481984/88af3245010be855b11a.jpg)
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn
Đăng ký kinh doanh để tránh vi phạm các quy định
Chiều ngày 13/2, anh Nguyễn Minh Quân (nhà ở Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh) đã hoàn thành xong thủ tục để mở điểm dạy thêm môn Toán bậc trung học cơ sở theo diện đăng ký hộ kinh doanh.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, anh Quân cho hay, từng có kinh nghiệm 7 năm dạy Toán bậc trung học cơ sở tại trường công, nay anh đã xin ra khỏi biên chế để dạy tại trường tư thục.
Đọc qua các thông tin trên báo chí tuyên truyền về Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT, anh Quân quyết định làm thủ tục đăng ký mở điểm dạy thêm để có thể “đàng hoàng làm nghề một cách chính đáng”.
Theo anh Nguyễn Minh Quân, thủ tục thực ra cũng rất đơn giản, tất cả đều trực tuyến. Người đăng ký chỉ cần cung cấp căn cước công dân, mã số thuế cá nhân, khai một vài thông tin, đóng lệ phí và chỉ mất khoảng gần nửa tiếng là có thể xong tất cả mọi thủ tục.
“Đúng quy định chỉ khoảng 3 ngày là sẽ được trả kết quả” – anh Quân nói với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Cô Lê Thị Thu Sương, giáo viên môn Hóa của một trường trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, từ tuần trước, cô đã nhờ người thân về hưu có bằng sư phạm đứng tên thành lập hộ kinh doanh cá thể tại nhà, với mã ngành kinh tế là 8559.
Sau đó, cô Sương dự tính là ký hợp đồng dạy thuê cho nơi này, để có thể tiếp tục dạy thêm đúng theo quy định của Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT. Ngoài ra, để chấp hành đúng theo quy định của thông tư, cô Sương đã có sự chọn lọc rất kỹ học sinh đăng ký học thêm với cô tại nhà, học sinh nào mà cô dạy chính khóa ở trường là cô cương quyết từ chối để không vi phạm vào các quy định có dạy thêm học sinh chính khóa.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông tại Thành phố Hồ Chí Minh trước đây nổi tiếng với các lớp dạy thêm tại nhà, tuy nhiên nay nhờ sự tuyên truyền kỹ càng của các cơ quan chức năng về Thông tư 29, họ đều có ý thức đi đăng ký kinh doanh cho các điểm dạy thêm của mình.
Địa phương phải quản lý, chịu trách nhiệm với các điểm dạy thêm đã cấp phép
Tính đến trưa ngày 14/2, theo bà Phạm Thị Thu Hòa, Phó Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch Quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh, chỉ trong vòng 3 ngày (từ ngày 12/2 đến trưa 14/2, Quận Bình Tân đã tiếp nhận 176 hồ sơ thực hiện đăng ký hộ kinh doanh đối với ngành nghề dạy thêm (mã ngành kinh tế 8559, chi tiết: dạy thêm, dạy kèm) theo quy định tại Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp.
Còn tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Chí Thiện – Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch Quận 12 thông tin, việc đăng ký hộ kinh doanh đối với ngành nghề dạy thêm chỉ mới bắt đầu từ đầu tháng 2/2025 cho đến nay, còn trước đây thì không có hộ nào có nhu cầu làm đăng ký.
“Đây cũng giống như thủ tục làm hộ kinh doanh cá thể bình thường. Trung bình mỗi ngày, Quận 12 chỉ nhận vài hồ sơ đăng ký. Còn đối với các điều kiện kèm theo như âm thanh, ánh sáng, phòng cháy chữa cháy là ở giai đoạn hậu kiểm. Phòng Tài chính – Kế hoạch không được phép yêu cầu người dân phải có giấy tờ này khi cấp phép cho hộ kinh doanh” – ông Nguyễn Chí Thiện cho biết.
Ngày 14/2, trước những ý kiến cho rằng có thể xảy ra tình trạng cấp phép tràn lan, không đảm bảo đủ các điều kiện cần thiết cho các địa điểm dạy thêm, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo cho hay, theo đúng các quy định được nêu trong Thông tư 29, các điểm dạy thêm cần phải đảm bảo các điều kiện cần thiết như về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường…(Khoản 4, Điều 3, Thông tư 29).
“Theo đúng quy định thì nơi nào thấy chưa đảm bảo đủ điều kiện thì chưa cấp, còn không cần xin ý kiến Sở hay Phòng Giáo dục và Đào tạo về những điều kiện này. Các điểm dạy thêm nằm trên địa bàn phường xã nào, thì nơi đó có trách nhiệm quản lý và xử lý vi phạm (nếu có) theo thẩm quyền” – ông Hồ Tấn Minh cho hay.
Cũng theo ông Hồ Tấn Minh, không thể có chuyện cấp tràn lan, do đơn vị nào cấp phép hoạt động thì đơn vị đó còn phải chịu trách nhiệm.
Còn đối với Sở hay Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện và thành phố Thủ Đức, khi đi kiểm tra các điểm dạy thêm mà phát hiện thấy có giáo viên vi phạm vào những điều không được làm, thì giáo viên đó phải chịu trách nhiệm bị xử lý.
Hải Phòng: Từ 01/1/2025 đến nay có gần 40 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo
Ngày 14/2, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng cho biết, Nghị định 125/2024/NĐ-CP ngày 05/10/2024 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực thi hành từ ngày 20/11/2024.
Trong đó quy định rất cụ thể về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Theo đó, tại Mục 3, Điều 42 quy định Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên gồm có:
"1. Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên là cơ sở giáo dục thường xuyên thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên theo quy định tại Điều 42 của Luật Giáo dục.
2. Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên gồm: Trung tâm ngoại ngữ, tin học; trung tâm ngôn ngữ và văn hóa; trung tâm giáo dục kỹ năng sống; trung tâm bồi dưỡng kiến thức, văn hóa, nghệ thuật và các trung tâm khác thực hiện chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực làm việc, cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống đáp ứng nhu cầu người học".
Tại điều Điều 43 của Nghị định 125 quy định về điều kiện thành lập trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên công lập hoặc cho phép thành lập trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên tư thục như sau:
"1. Có địa điểm, cơ sở vật chất, phòng học, phòng chức năng, thiết bị dạy học đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm.
2. Có chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy và học tập đáp ứng yêu cầu của các chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động đủ về số lượng và đạt tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu của từng chương trình giáo dục thường xuyên thực hiện tại trung tâm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm".
Tại Điều 44 của Nghị định 125 quy định về thủ tục thành lập trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên công lập hoặc cho phép thành lập trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên tư thục như sau:
"1. Thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập:
a) Hội đồng đại học, học viện; hội đồng trường đại học, trường cao đẳng sư phạm quyết định thành lập trung tâm trong khuôn viên nhà trường;
b) Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập các trung tâm trực thuộc; cho phép thành lập các trung tâm trực thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên nhà trường; cho phép thành lập các trung tâm theo đề nghị của tổ chức, cá nhân.
2. Hồ sơ gồm:
a) Tờ trình đề nghị thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm (theo Mẫu số 01 Phụ lục I kèm theo Nghị định này);
b) Đề án thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm (theo Mẫu số 02 Phụ lục I kèm theo Nghị định này);
c) Bản sao các văn bản pháp lý chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hoặc hợp đồng thuê địa điểm trung tâm;
d) Đối với trung tâm trực thuộc đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm nằm ngoài khuôn viên nhà trường và trung tâm do tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập phải có văn bản pháp lý xác nhận về số tiền đầu tư thành lập trung tâm, bảo đảm tính hợp pháp, phù hợp với quy mô dự kiến tại thời điểm đề nghị thành lập trung tâm;
đ) Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm, gồm các nội dung chủ yếu sau đây: Vị trí pháp lý, nhiệm vụ, quyền hạn của trung tâm; tổ chức, bộ máy của trung tâm; tổ chức hoạt động giáo dục trong trung tâm; nhiệm vụ và quyền của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, người lao động và người học; tài chính và tài sản của trung tâm; các vấn đề khác liên quan đến tổ chức và hoạt động của trung tâm.
3. Trình tự thực hiện:
a) Nhà trường, tổ chức, cá nhân gửi 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc bưu chính hoặc trực tiếp đến Sở Giáo dục và Đào tạo;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, nếu hồ sơ không hợp lệ thì Sở Giáo dục và Đào tạo thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa cho nhà trường, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm;
c) Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ và thẩm định thực tế các điều kiện thành lập trung tâm; lập báo cáo thẩm định để đánh giá tình hình đáp ứng các quy định tại Điều 43 Nghị định này;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có báo cáo thẩm định, nếu đủ điều kiện thì Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên; nếu chưa đủ điều kiện thì thông báo bằng văn bản cho nhà trường, tổ chức, cá nhân đề nghị thành lập trung tâm và nêu rõ lý do.
Quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên (theo Mẫu số 10 Phụ lục I kèm theo Nghị định này) được công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng".
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hải Phòng, từ thời điểm Nghị định 125 quy định về điều kiện đầu và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục có hiệu lực thi hành đến nay, Sở đã cấp phép cho 6 trung tâm bồi dưỡng kiến thức, trung tâm tiếng Anh hoạt động.
Đồng thời, sở đang tiếp nhận, thụ lý hồ sơ của 6 trung tâm bồi dưỡng kiến thức xin cấp giấy phép hoạt động.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Phòng cho biết, từ 01/1/2025 đến nay có gần 40 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.