GV sinh năm 1992 là ứng viên PGS trẻ nhất được HĐGS cơ sở đề nghị xét năm 2024

Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc, sinh năm 1992 là ứng viên trẻ nhất được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chức danh phó giáo sư năm 2024.

Vừa qua, Hội đồng Giáo sư nhà nước đã công bố danh sách ứng viên được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Theo danh sách công khai, có 673 ứng viên được đề nghị xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư, giảm 22 ứng viên so với năm ngoái. Trong đó, có 63 ứng viên giáo sư, 610 ứng viên phó giáo sư.

Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc, sinh năm 1992 là ứng viên phó giáo sư trẻ nhất được Hội đồng Giáo sư cơ sở thông qua trong đợt xét năm nay.

Ứng viên phó giáo sư trẻ nhất: Được chọn làm cán bộ nguồn sau khi tốt nghiệp đại học

 Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc, 32 tuổi là ứng viên phó giáo sư trẻ nhất được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét năm 2024, hiện đang là Phó Trưởng Bộ môn Vật lý Vô tuyến của Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: UET

Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc, 32 tuổi là ứng viên phó giáo sư trẻ nhất được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét năm 2024, hiện đang là Phó Trưởng Bộ môn Vật lý Vô tuyến của Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: UET

Theo thông tin tại hồ sơ đăng ký được Hội đồng Giáo sư nhà nước công khai, ứng viên Đỗ Quang Lộc sinh tại xã Bằng Mạc, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn.

Giảng viên trẻ tốt nghiệp chương trình Cử nhân Khoa học Tài năng ngành Vật lý tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Lộc được Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội xét chọn làm cán bộ tạo nguồn.

Năm 2019, tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thầy Lộc nhận bằng tiến sĩ ngành Vật lý, chuyên ngành Vật lý vô tuyến và điện tử.

Hiện tại, Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc đang là Phó Trưởng Bộ môn Vật lý Vô tuyến của Khoa Vật lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

 Danh mục các nhiệm vụ khoa học công nghệ Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc đã thực hiện. Ảnh chụp màn hình

Danh mục các nhiệm vụ khoa học công nghệ Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc đã thực hiện. Ảnh chụp màn hình

 Danh mục một số bài báo khoa học Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc đã công bố. Ảnh chụp màn hình

Danh mục một số bài báo khoa học Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc đã công bố. Ảnh chụp màn hình

Đến nay, ứng viên đã hướng dẫn 3 học viên cao học, trong đó 2 học viên cao học đã nhận bằng, 1 học viên cao học đang chuẩn bị bảo vệ luận văn thạc sĩ; hoàn thành 1 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và 1 đề tài cấp cơ sở;

Ứng viên Đỗ Quang Lộc đã công bố 58 bài báo khoa học, trong đó có 24 bài báo khoa học được đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín.

Đáng chú ý, giảng viên trẻ đã có 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp vào tháng 1/2022 với vai trò đồng tác giả. Đó là giải pháp hữu ích “Thiết bị vi lỏng để phát hiện dòng tế bào ung thư phổi A549 và quy trình phát hiện dòng tế bào ung thư phổi này”.

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc cũng tham gia xây dựng chương trình đào tạo; tham gia tổ chức hội nghị khoa học trong nước và là phản biện của một số tạp chí uy tín trong nước và quốc tế.

 Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc đã có 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp vào tháng 1/2022 với vai trò đồng tác giả. Ảnh: VNU

Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc đã có 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp vào tháng 1/2022 với vai trò đồng tác giả. Ảnh: VNU

Chia sẻ tại bản đăng ký xét công nhận đạt chức danh phó giáo sư của mình, giảng viên trẻ cho hay, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, anh đã mong muốn và nỗ lực phấn đấu để trở thành một giảng viên đại học.

“Từ năm 2014 đến nay, tôi công tác tại Khoa Vật lý của trường. Trong quá trình công tác, tôi luôn rèn luyện và phấn đấu để đáp ứng tốt các tiêu chuẩn của một giảng viên đại học.

Tôi tự nhận thấy mình có đủ các tiêu chuẩn của một nhà giáo, bao gồm: Luôn giữ gìn và trau dồi phẩm chất đạo đức, có lập trường tư tưởng kiên định, không ngừng học tập, phấn đấu trau dồi kiến thức và cập nhật thông tin về chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo sức khỏe tốt để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, có lý lịch bản thân rõ ràng và minh bạch…”, ứng viên Đỗ Quang Lộc nêu.

 Các ứng viên phó giáo sư trẻ tuổi năm nay: Tiến sĩ Trần Ngọc Mai, Tiến sĩ Vu Thu Trang, Tiến sĩ Trần Quốc Quân, Tiến sĩ Lê Kim Hùng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Hồng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chung, Tiến sĩ Bùi Nhất Vương (lần lượt từ trái qua, trên xuống dưới). Ảnh: Doãn Nhàn

Các ứng viên phó giáo sư trẻ tuổi năm nay: Tiến sĩ Trần Ngọc Mai, Tiến sĩ Vu Thu Trang, Tiến sĩ Trần Quốc Quân, Tiến sĩ Lê Kim Hùng, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Hồng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chung, Tiến sĩ Bùi Nhất Vương (lần lượt từ trái qua, trên xuống dưới). Ảnh: Doãn Nhàn

Ngoài Tiến sĩ Đỗ Quang Lộc, một số ứng viên khác được Hội đồng Giáo sư cơ sở đề nghị xét công nhận đạt chức danh phó giáo sư cũng ở độ tuổi khá trẻ như Tiến sĩ Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, ngành Kinh tế, Học viện Ngân hàng); Tiến sĩ Vu Thu Trang (sinh năm 1990, ngành Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội); Tiến sĩ Trần Quốc Quân (sinh năm 1990, ngành Cơ học, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội); Tiến sĩ Lê Kim Hùng (sinh năm 1990, ngành Công nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ thông tin - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh); Tiến sĩ Nguyễn Thị Hoa Hồng (sinh năm 1990, ngành Kinh tế, Trường Đại học Ngoại thương); Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Chung (sinh năm 1990, ngành Kinh tế, Trường Đại học Thủ Dầu Một), Tiến sĩ Bùi Nhất Vương (sinh năm 1990, ngành Kinh tế, Học viện Hàng không Việt Nam).

Năm ngoái, 3 ứng viên phó giáo sư trẻ nhất cùng sinh năm 1990 và đều thuộc ngành Kinh tế.

Trong 610 ứng viên phó giáo sư được Hội đồng Giáo sư cơ sở thông qua năm nay, Tiến sĩ Cao Văn Hóa (sinh năm 1959) là ứng viên lớn tuổi nhất.

Tiến sĩ Cao Văn Hóa hiện 65 tuổi, là giảng viên Trường Đại học Kiến trúc thành phố Hồ Chí Minh.

Hướng nghiên cứu chủ yếu của Tiến sĩ Cao Văn Hóa là về kỹ thuật/công nghệ thi công xây dựng và tổ chức/quản lý thi công xây dựng.

Đến nay, ứng viên đã hướng dẫn 5 học viên cao học bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ; đã hoàn thành 2 đề tài nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên. Đồng thời, đã công bố 19 bài báo khoa học, trong đó 10 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế có uy tín (ISI, scopus Q4-Q2), 02 bài báo trong tuyển tập hội nghị khoa học có uy tín (scopus);

Đặc biệt, Tiến sĩ Cao Văn Hóa đã được cấp 01 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích bởi văn phòng sáng chế và thương hiệu Cộng hòa liên bang Đức.

Theo kế hoạch, từ ngày 31/8 đến 27/9, các Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Từ ngày 21/10 đến 31/10, Hội đồng Giáo sư nhà nước họp xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024.

Doãn Nhàn

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/gv-sinh-nam-1992-la-ung-vien-pgs-tre-nhat-duoc-hdgs-co-so-de-nghi-xet-nam-2024-post245393.gd