H&M muốn rót 1 tỷ USD vào Việt Nam để biến Bình Định thành thủ phủ dệt may tuần hoàn

Syre – công ty con của H&M, vừa hé lộ kế hoạch đầu tư khủng lên tới 1 tỷ USD để xây dựng tổ hợp sản xuất vải công nghệ cao tại Bình Định. Dự án này không chỉ đánh dấu bước tiến chiến lược của H&M trong chuỗi cung ứng bền vững mà còn có thể đưa Việt Nam trở thành trung tâm dệt may tuần hoàn hàng đầu khu vực.

H&M, tập đoàn mẹ của Syre, đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: đến năm 2030, toàn bộ sản phẩm của hãng sẽ được sản xuất từ vật liệu tái chế hoặc có nguồn gốc bền vững. Để hiện thực hóa mục tiêu này, H&M cần tìm kiếm những thị trường có tiềm năng phát triển sản xuất bền vững, và Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến chiến lược.

Vì sao Việt Nam hấp dẫn Syre?

Phát biểu với đại diện Việt Nam, ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao của Syre- – công ty con của Tập đoàn H&M và Quỹ đầu tư công nghệ Vargas, cho biết nhà máy dự kiến đặt tại Khu công nghiệp Nhơn Hội A, Bình Định với công suất 250.000 tấn/năm, tập trung vào tái chế chất thải polyester thành nguyên liệu mới phục vụ ngành may mặc, ô tô và nội thất.

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, lành nghề trong ngành dệt may.

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, lành nghề trong ngành dệt may.

Syre cam kết áp dụng công nghệ tiên tiến bậc nhất thế giới trong sản xuất và tái chế sợi polyester, đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường quốc tế cũng như quy định pháp luật Việt Nam. Dự án không chỉ tạo cú hích lớn cho ngành dệt may bền vững mà còn góp phần định hình xu hướng sản xuất xanh trong tương lai.

Có nhiều lý do khiến Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho Syre trong chiến lược mở rộng hoạt động của mình.

Việt Nam có lực lượng lao động dồi dào, lành nghề trong ngành dệt may, giúp Syre dễ dàng triển khai mô hình sản xuất tuần hoàn mà không mất quá nhiều thời gian đào tạo lại.

Ngành dệt may Việt Nam đang đối mặt với áp lực từ các thị trường xuất khẩu lớn như EU và Mỹ, nơi các quy định về phát triển bền vững ngày càng khắt khe hơn. Nếu không chuyển đổi sang mô hình sản xuất xanh, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể mất đi lợi thế cạnh tranh. Syre, với chuyên môn về dệt may tuần hoàn, có thể giúp Việt Nam nhanh chóng thích ứng với những yêu cầu này.

Việt Nam đang có nhiều chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất xanh, giảm phát thải và kinh tế tuần hoàn. Đây là cơ hội để Syre tận dụng các ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính và các chương trình hợp tác phát triển bền vững do chính phủ Việt Nam khởi xướng.

Với hệ thống nhà máy, khu công nghiệp và chuỗi cung ứng đã phát triển mạnh mẽ, Việt Nam có thể hỗ trợ Syre mở rộng hoạt động một cách hiệu quả hơn so với nhiều thị trường mới nổi khác.

Nếu Syre đầu tư vào Việt Nam, đây sẽ là một cú hích quan trọng đối với ngành dệt may trong nước. Giúp Việt Nam giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, thay thế bằng các vật liệu tái chế từ chính ngành dệt may nội địa.

Các thương hiệu thời trang Việt có thể hưởng lợi từ việc hợp tác với Syre, giúp họ xây dựng hình ảnh xanh và bền vững hơn trên thị trường quốc tế.

Khi các mô hình dệt may tuần hoàn phát triển, sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm trong các lĩnh vực liên quan như công nghệ tái chế, thiết kế bền vững, quản lý chuỗi cung ứng xanh. Với công nghệ sản xuất tuần hoàn, lượng nước sử dụng, khí thải và chất thải dệt may có thể giảm đáng kể, giúp ngành công nghiệp này trở nên thân thiện hơn với môi trường.

Thách thức và giải pháp

Mặc dù cơ hội rất lớn, việc triển khai mô hình dệt may tuần hoàn tại Việt Nam cũng đối mặt với một số thách thức. Hiện tại, Việt Nam chưa có hệ thống tái chế dệt may đồng bộ, đòi hỏi Syre phải đầu tư đáng kể vào công nghệ và cơ sở hạ tầng. Việc chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang tuần hoàn cần một khoản đầu tư lớn vào công nghệ và đào tạo nhân lực.

Mặc dù sản xuất xanh đang là xu hướng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự sẵn sàng thay đổi, và người tiêu dùng vẫn chưa có thói quen ưu tiên sản phẩm từ vật liệu tái chế.

Để vượt qua những thách thức này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa Syre, chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp trong ngành. Các chính sách hỗ trợ tài chính, ưu đãi thuế và chương trình đào tạo kỹ năng có thể giúp quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ hơn.

Bộ Công Thương khẳng định ủng hộ dự án do những đóng góp tiềm năng về kinh tế tuần hoàn, chất lượng tăng trưởng và chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, dự án cần chứng minh được hiệu quả kinh tế - xã hội và các biện pháp đảm bảo tác động môi trường.

Vấn đề lớn nhất đặt ra đối với dự án là việc nhập khẩu nguyên liệu tái chế. Theo quy định hiện hành, quần áo, vải đã qua sử dụng (mã HS 6309) thuộc danh mục cấm nhập khẩu theo NĐ 69/2018/NĐ-CP và Thông tư 08/2023/TT-BCT. Trong khi đó, vải vụn (mã HS 6310) thuộc danh mục phế liệu được nhập khẩu theo Quyết định 13/2023/QĐ-TTg.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết, để triển khai dự án, cần có Nghị quyết đặc biệt của Chính phủ. Sau khi có Nghị quyết, Bộ sẽ xem xét sửa đổi Thông tư 08/2023/TT-BCT để đảm bảo khuôn khổ pháp lý và cơ chế kiểm soát chặt chẽ đối với nguyên liệu đã qua sử dụng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đặc biệt quan tâm đến công nghệ sản xuất mà Syre sẽ áp dụng, nhấn mạnh rằng việc tái chế phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quy trình xử lý nước thải, chất thải và hóa chất trong các công đoạn sản xuất. Ngoài ra, dự án cần có sự lan tỏa tốt đến doanh nghiệp trong nước, đảm bảo chuỗi cung ứng khép kín, giúp Việt Nam trở thành trung tâm công nghiệp dệt may tuần hoàn của khu vực.

Về phía chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, khẳng định rằng dự án của Syre không chỉ mang ý nghĩa chiến lược trong việc đưa Việt Nam vươn lên trở thành trung tâm công nghiệp dệt may tuần hoàn toàn cầu, mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm và thúc đẩy nền kinh tế xanh phát triển mạnh mẽ.

Nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định cho dự án, UBND tỉnh Bình Định đề nghị Bộ Công Thương xem xét, hỗ trợ và hướng dẫn chi tiết về thủ tục nhập khẩu vải vụn từ quá trình sản xuất, tuân thủ quy định hiện hành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình triển khai.

Thùy Linh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/h-m-muon-rot-1-ty-usd-vao-viet-nam-de-bien-binh-dinh-thanh-thu-phu-det-may-tuan-hoan-1105060.html