H&M muốn xây nhà máy tái chế tỷ đô tại Việt Nam
Tập đoàn Syre, công ty con của H&M, mong muốn xây dựng nhà máy tái chế sợi polyester tại Việt Nam, quy mô từ 700 triệu đến 1 tỷ USD.

Tái chế dệt may là cơ hội nâng tầm Việt Nam trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu. Ảnh: Hoàng Anh.
Bày tỏ mong muốn trên tại buổi làm việc với Bộ Công thương, ông Tim King, Giám đốc vận hành cấp cao Tập đoàn Syre, cho biết, doanh nghiệp này cam kết ứng dụng công nghệ tái chế hiện đại, đáp ứng các tiêu chuẩn hàng đầu thế giới.
Hiện tại, Syre đang nhắm tới KCN Nhơn Hội A, thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định để đặt nhà máy tái chế. Dự kiến, nếu triển khai thành công, nhà máy có công suất 250 nghìn tấn mỗi năm, với nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu đến từ phế liệu trong nước.
Tuy nhiên, ông Tim King cũng bày tỏ băn khoăn về việc chưa có cơ chế, chính sách rõ ràng liên quan đến thu mua, phân loại và xử lý phế liệu dệt may theo đúng tiêu chuẩn của dự án.
Do đó, đại diện Syre đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ xây dựng cơ chế cũng như hướng dẫn cụ thể về các hoạt động trên, qua đó đảm bảo sự thông suốt cho dự án.
Trao đổi với đại diện Syre, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, Bộ Công thương ủng hộ và sẽ tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, bên cạnh việc báo cáo Thủ tướng để ban hành cơ chế đặc biệt cho dự án này.
Thứ trưởng đề nghị Syre chứng minh sự ưu việt về công nghệ tái chế của dự án cũng như khả năng đóng góp cho kinh tế, đóng góp vào việc xây dựng chuỗi giá trị tuần hoàn tại Việt Nam.
Thực tế, dệt may là một trong những ngành phát sinh lượng rất lớn phụ phẩm, phế thải tại Việt Nam. Theo Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tại Việt Nam, khoảng 500 nghìn tấn phụ phẩm phát sinh từ sản xuất dệt may, trong đó 50% được đưa vào các hệ thống thu gom, tái chế.
Tại Việt Nam đã có một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực tái chế dệt may như Vikohasan, Công ty CP Dệt may – đầu tư – thương mại Thành Công, tuy nhiên vẫn chưa xuất hiện dự án nào có khả năng tái chế hoàn hảo “từ sợi ra sợi” để khép kín vòng lặp tuần hoàn.
Theo bà Phan Thị Tùng Chi, đại diện GIZ Việt Nam, việc phát triển ngành tái chế dệt may đóng vai trò hết sức quan trọng, là cơ hội giúp Việt Nam nâng tầm trong chuỗi giá trị dệt may toàn cầu.
Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/hm-muon-xay-nha-may-tai-che-ty-do-tai-viet-nam-d39086.html