'Hà bá' ngoạm 3ha đất, uy hiếp nhà cửa ở Quảng Nam: Công bố tình huống khẩn cấp
Quảng Nam công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, qua các đợt thiên tai từ cuối tháng 9/2022 đến nay, tình hình sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An, huyện Đại Lộc (đã bị sạt lở từ cuối năm 2020) tiếp tục diễn ra, làm cuốn trôi đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 3ha) và nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của các hộ dân đang sinh sống gần bờ sông.
Ngoài ra, sạt lở gần sát móng 2 trụ điện đường dây trung thế, có nguy cơ ngã đổ sẽ gây thiệt hại lớn về tài sản và ngưng cung cấp điện diện rộng đối với các xã vùng B của huyện Đại Lộc và vùng lân cận. Tình trạng sạt lở chưa có dấu hiệu dừng lại và đang tiếp tục gây sạt lở trong phạm vi khoảng 500m.
Trước tình hình trên, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định công bố tình huống khẩn cấp về sạt lở bờ sông Quảng Huế đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh giao Chủ tịch, Trưởng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Đại Lộc huy động lực lượng, phương tiện và phân công cụ thể cho từng thành viên để theo dõi thường xuyên tại hiện trường về tình hình sạt lở, kịp thời có biện pháp ứng phó. Cắm biển cảnh báo, khoanh vùng nguy hiểm, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện qua lại đảm bảo an toàn trên tuyến.
Bên cạnh đó, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm thiết yếu để hỗ trợ người dân (nếu có). Tổ chức thực hiện các biện pháp xử lý ngay từ giờ đầu để hạn chế tình trạng sạt lở ở những vị trí tiếp theo, nhất là các đoạn có nhiều hộ dân đang sinh sống nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cho người dân.
Như VTC News phản ánh, sau các đợt mưa lũ vừa qua, chính quyền xã Đại An, huyện Đại Lộc giăng dây, gắn biển cảnh báo nguy hiểm nhằm cấm người và phương tiện đến gần điểm sạt lở bờ sông Quảng Huế, đoạn thuộc thôn Phú Nghĩa. Song, mỗi ngày trôi qua, sợi dây cùng biển cảnh báo lại xê dịch dần vào khu vực phía trong khu dân cư vì sạt lở cứ "tịnh tiến".
Ông Ngô Xung (54 tuổi, trú thôn Phú Nghĩa) ước chừng, khoảng cách từ mép nước Quảng Huế đến nhà ông và một số hộ dân trong xóm chỉ còn chưa đầy 15m. 3 năm trở lại đây, nhiều diện tích đất canh tác của người dân địa phương đã bị kéo tuột xuống dưới sông vì sạt lở.
Theo người dân địa phương, nguyên nhân khiến bờ sông sạt lở là do trước đó tỉnh Quảng Nam có chủ trương đắp đập tạm trên sông Quảng Huế để lấy nước về giải mặn cho TP Đà Nẵng. Cụ thể, khi chưa đắp đập thì không có vấn đề gì cả, làm xong đập thì thấy sạt lở nghiêm trọng hơn.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, cho hay, sau đợt mưa lũ hồi giữa tháng 10 vừa qua, chính quyền địa phương đã huy động máy móc, vật tư và nhân lực để triển khai biện pháp dùng các bao tải cát, cọc tre nhằm giữ chân mái taluy bị sạt. "Về biện pháp lâu dài, huyện sẽ kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng lại đoạn kè này. Đồng thời, chúng tôi sẽ làm việc với các cơ quan liên quan xem xét kỹ lại đập tạm trên sông Quảng Huế" - ông Quang thông tin thêm.