'Hà bá' rình rập ở châu thổ Cửu Long
Thời điểm này, mùa mưa đã đến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với những diễn biến bất thường khí hậu, nước biển dâng, triều cường, dòng chảy, địa chất địa mạo biến đổi… khiến tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển nơi đây diễn biến phức tạp.
Ngày 15/5, đoạn đường dài 50m cùng toàn bộ hàng rào bên ngoài chùa Thánh Tịnh Trung Thiên (ấp Đông An 2, xã Tân Thành, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang) bị sụp xuống sông. Đoạt sạt lở ăn sâu vào đất liền 5m, giao thông tạm thời bị chia cắt. Cột phướn của chùa cao hàng chục mét cũng bị chìm xuống sông. Khu vực sạt lở này từng là bến đò đưa khách.
Theo nhận định của địa phương, nhiều khả năng tình hình sạt lở sẽ còn lấn sâu thêm, nhiều diện tích cây ăn trái, ao nuôi cá bị sạt lở uy hiếp. Đoạn sạt lở hiện đã được chính quyền địa phương rào chắn hai đầu. Dự kiến sẽ đóng cừ gia cố, khắc phục xong trong thời gian khoảng 30 ngày với kinh phí khoảng 400 triệu đồng…
Trước đó, sáng 12/5, đoạn bờ Tây kênh Cần Lố, xã Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) xảy ra vụ sạt lở có chiều dài 30m, rộng từ 4 đến 5m, sâu từ 4m đến 6m, có vị trí sạt lở ăn sâu vào đường nhựa 1,9m. Sạt lở không gây thiệt hại về người cũng như không ảnh hưởng lớn đến tài sản, nhưng khiến 135m2 đất tại khu vực sạt xuống kênh. Sau khi sự cố xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện Cao Lãnh hướng dẫn xã Nhị Mỹ rào chắn cảnh báo sạt lở; tạm thời cấm phương tiện xe qua lại để đảm bảo an toàn giao thông.
Ông Huỳnh Thanh Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh cho biết, trước mắt, địa phương thực hiện gia cố tạm thời bằng biện pháp đóng cừ, thả bao cát nhằm giúp ổn định chân bờ, ngăn chặn tình trạng sạt lở thêm. Để đảm bảo an toàn cho người dân khu vực sạt lở cũng như có những giải pháp khắc phục sạt lở trong thời gian sớm nhất, huyện Cao Lãnh đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Đồng Tháp phối hợp xem xét hỗ trợ địa phương khảo sát thực tế cũng như kinh phí để khắc phục khu vực sạt lở.
Ngày 8/5, lực lượng Công an, Quân sự tập trung hỗ trợ người dân, di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm tại khu vực 7 căn nhà sạt lở ở xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Ông Nguyễn Trường Ca, Chủ tịch UBND xã Mỹ Khánh cho biết, vụ sạt lở xảy ra rạng sáng 8/5 làm ảnh hưởng 7 căn nhà với chiều dài 50m, thiệt hại khoảng 10 tỷ đồng.
Chính quyền địa phương đã điều lực lượng tại chỗ gồm: Công an, Dân quân tự vệ cùng các ban ngành, đoàn thể tập giúp người dân di dời tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm. Theo Chủ tịch xã Mỹ Khánh, khu vực sạt lở nằm trong dự án kè sông Cần Thơ (đoạn từ quận Cái Răng đến xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền). Dự án đã thực hiện công tác bồi thường, đang chờ tái định cư và khoảng 10 ngày nữa người dân sẽ bốc thăm, nhận nền. Bà Đỗ Thị Hồng (SN 1966, có nhà bị ảnh hưởng) cho biết thời điểm xảy ra sạt lở là khoảng 2h sáng. Lúc đó nền nhà rung mạnh, bà Hồng kiểm tra thì thấy tường nhà nứt toác nên hô hoán người thân cùng thoát ra ngoài. Một lúc sau, căn nhà đổ xuống sông, nhiều tài sản, quần áo, vật dụng của gia đình bị nhấn chìm dưới nước.
Không riêng gì các địa phương trên, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển khu vực châu thổ Cửu Long thời gian qua diễn biến rất phức tạp. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã ký quyết định công bố tình huống khẩn cấp sạt lở đê Biển Đông (đoạn thuộc xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu). Vị trí sạt lở có chiều dài 46m, nguyên nhân do rừng phòng hộ đã mất hoàn toàn nên khi triều cường dâng cao kết hợp với sóng to, gió mạnh đánh trực tiếp vào thân đê gây sạt lở nghiêm trọng. Tại Cà Mau, mới đây khi cơ quan chức năng kiểm tra tuyến đê Biển Tây từ Tiểu Dừa đến Giồng Cát phát hiện 3 đoạn nứt mặt đê dài hơn 190m. Nguyên nhân có thể do thời tiết khô, mực nước thấp gây áp lực lên thân đê.
Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Cụ thể, chìm 3 phương tiện, 28 căn nhà bị thiệt hại, hư hỏng, sập 1 đáy hàng khơi (dụng cụ bắt thủy sản); 11 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 298m, vỡ 1.727m bờ bao, ước thiệt hại khoảng 4,5 tỷ đồng. Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra trên 13 điểm sạt lở, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 9 điểm…
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh Trần Trường Giang chia sẻ, Trà Vinh cũng như các địa phương ven biển khác thường xuyên chịu tác động mạnh của triều cường, nước biển dâng, đặc biệt là vào mùa gió chướng. Thống kê chưa đầy đủ, vài năm trở lại đây khoảng 3km chiều dài ven biển bị nước biển xâm thực làm mất hơn 210ha đất sản xuất rau màu, đất rừng phòng hộ khiến người dân lo lắng…
Ở TP Cần Thơ, hiện có 23 điểm sạt lở nguy hiểm. Còn tại Tiền Giang, từ đầu năm đến nay, địa phương này ghi nhận 101 điểm sạt lở với chiều dài 7.497m. Theo khảo sát của Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, vùng ĐBSCL có chiều dài bờ biển khoảng 744km thì hiện có hơn 268km đang trong tình trạng sạt lở nghiêm trọng. Các nhà khoa học lưu ý, bờ biển ĐBSCL đang chịu nhiều áp lực trước sự thay đổi của tự nhiên và hoạt động của con người. Tình trạng sạt lở ngày càng tăng, bởi nguồn phù sa từ thượng nguồn suy giảm làm ảnh hưởng đến quá trình bồi lắng của đồng bằng; hệ sinh thái ven bờ biển, rừng ngập mặn đang bị mất dần, cùng với đó là hiện tượng nước biển dâng, sụt lún, xâm nhập mặn… tác động ngày càng nhiều.
Sạt lở bờ biển gia tăng đã làm mất đi nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản; mất nhà cửa, tài sản, sinh kế của người dân; tác động không nhỏ đến đời sống, phát triển KTXH của nhiều địa phương ven biển. Những năm qua, các địa phương ven biển ĐBSCL nỗ lực phòng, chống sạt lở bằng nhiều giải pháp, như: kè kiên cố khu vực xung yếu, nơi quan trọng, kè bê tông ly tâm để tạo bãi bồi trồng lại rừng, các loại kè chắn sóng… Mặc dù tốn kém, nhưng đến nay việc ngăn sạt lở vẫn rất gian nan.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/doi-song/ha-ba-rinh-rap-o-chau-tho-cuu-long-i693617/